Với mong muốn có được một căn hộ mang màu sắc đặc biệt giữa lòng đô thị, chị Ngọc Anh (SN 1993, ở Hà Nội) hiện đang làm kinh doanh quyết định cải tạo căn studio nhỏ thành căn hộ mang phong cách Nhật Bản. Căn hộ này cũng là "nơi ở ẩn" yên bình của gia đình chị vào mỗi cuối tuần.
"Vợ chồng mình may mắn sở hữu được 1 căn studio nhỏ xinh ở khu đô thị tại Hà Nội, view thẳng biển hồ và hướng Đông Nam thoáng mát, nắng chỉ đổ về sáng sớm. Vì lợi thế này mà 2 vợ chồng rất hào hứng trong việc biến 1 căn studio đơn điệu trở thành chốn ở ẩn là lạ kiểu Nhật, yên bình, mang tinh thần Zen để cũng như để gia đình có chốn lui về mỗi cuối tuần", chị Ngọc Anh chia sẻ.
Tinh thần Zen được chị Ngọc Anh áp dụng cho căn hộ của mình là yếu tố được sử dụng phổ biến trong phong cách thiết kế không gian, nội thất ở Nhật Bản. Phong cách Zen là sự kết hợp giữa nội thất truyền thống Nhật Bản và phong cách tối giản Minimalism. Đây là phong cách mang lại sự cân bằng, hài hòa, bình yên trong cuộc sống.
Trong nhiều phong cách khác nhau, chị Ngọc Anh chọn phong cách Nhật Bản cho căn hộ của mình bởi diện tích căn hộ khá nhỏ phù hợp với phong cách Nhật Bản tối giản mà lại độc lạ. Căn hộ này của chị Ngọc Anh có diện tích thông thủy là 24,5m2, gồm lối vào, khu vực bếp và tiếp khách, phòng ngủ và nhà vệ sinh.
"Điểm đặc biệt căn này so với những căn studio nhỏ khác đó là khu ngủ được tách biệt với khu nhà bếp và nhà tắm bằng vách ngăn cách điệu và hệ phản gỗ cao. Chính vì thế mà căn hộ vẫn còn không gian vừa đủ cho khu bếp và tủ quần áo ngay lối cửa ra vào", chủ nhân căn hộ cho biết.
Chị Ngọc Anh cho biết, để căn hộ mang đúng chất Zen như mong muốn, chị đã chủ động không sử dụng thiết bị điện tử tốn khá nhiều không gian đó chính là chiếc TV. Thay vào đó là ý tưởng làm khung tường trắng sử dụng máy chiếu, khiến căn hộ thêm phần đặc biệt và hay ho. Ngoài ra, chị sử dụng bàn trà đạo kết hợp làm bàn ăn tối giản cho 2 người.
Trong căn hộ của này, các đặc điểm kiến trúc nội thất như: bàn trà, khay gỗ, tấm đệm... đều rất đỗi quen thuộc với mỗi người dân Nhật Bản.
Với mong muốn 2 mặt tường trong khu ngủ có thể dùng để check-in, chụp ảnh "sống ảo" được nên chị Ngọc Anh chú trọng tạo điểm nhấn cho 2 mặt tường này. Trong khu ngủ, giấy dán tường, đèn ngủ và tranh đều cùng họa tiết chim và cây để gần với thiên nhiên hơn, loại bỏ bớt sự đóng hộp của căn hộ chung cư.
Tuy chị sử dụng thêm 1 vách ngăn nhưng khi thiết kế kiểu xuyên sáng, cộng thêm việc sử dụng tấm mica trắng tản sáng thì căn hộ vừa giữ được sự riêng tư mà không bị bí. Đồng thời khu vực bàn trà tại vách ngăn cũng là một góc rất xinh.
Trong quá trình cải tạo, chị Ngọc Anh dành nhiều thời gian chăm chút cho các tiểu tiết khác nhà. Chị chia sẻ: "Mặc dù làm nhà trong lúc bầu bí, nhưng mình rất chăm ngày đêm dạo để tìm tòi và sắm đồ vừa rẻ vừa đẹp thay vì giao hết cho bên thiết kế thi công. Từ việc tìm mua cái bàn trang điểm, đôn ghế, rèm, mắc áo, bát đũa, bộ ấm trà đạo, thảm ngồi, đèn lồng, quạt tranh, bộ yukata, ảnh postcard, tinh dầu…công việc này tiêu tốn khá nhiều chất xám và thời gian. Riêng bộ tranh decor mình cũng tự tay tìm, mỗi bức tranh đều có một ý nghĩa riêng về sự may mắn, hạnh phúc, tự do, sum vầy".
Chị Ngọc Anh cho biết, trong quá trình cải tạo căn hộ, mỗi công đoạn đều có những thách thức, khó khăn riêng. Với việc thiết kế thì cái khó là làm sao để truyền tải được ý tưởng cho bên thiết kế, chỉnh sửa tiểu tiết để làm sao sản phẩm ra sát nhất với hình dung ban đầu. Còn khó khăn khi thi công là phải cân nhắc thêm hay bớt hạng mục gì để chi phí thi công không vượt quá ngân sách dự tính.
"Phương án ban đầu bên thi công đề xuất cho mình gấp đôi ngân sách đề ra . Bởi vậy mình phải quyết định có nhất thiết phải cải tạo hay di rời 1 số các hạng mục chủ đầu tư xây dựng sẵn hay không vì rất dễ hỏng hóc, ví dụ như điều hoà, chuông hình...", chủ căn hộ chia sẻ thêm.
Nhờ khéo léo gói ghém, căn hộ của chị đã được hoàn thiện với chi phí khoảng 100 triệu đồng. Vách ngăn cách điệu và hệ phản gỗ khu ngủ chính là chi tiết cầu kỳ và đắt đỏ nhất của ngôi nhà nên chi phí cho khu phòng ngủ chiếm đến 50%. 30% chi phí cho khu bếp và 20% còn lại là chi phí cải tạo và hoàn thiện WC. Toàn bộ quá trình lên ý tưởng, làm việc với đơn vị thiết kế và thi công để cải tạo căn hộ là 2 tháng.
Tiết lộ một điều được xem là nhược điểm của căn hộ sau khi cải tạo, chị Ngọc Anh nói: "Khi tới căn hộ, có thể mới đầu tới sẽ hơi thấy chật chội vì vật liệu gỗ khiến không gian khá nặng và màu gỗ tối, nhưng khi đã trải nghiệm tại căn 1 đêm thì sẽ rất thích cái cảm giác là lạ mà nó mang tới, tận hưởng rạp chiếu phim mini, ngắm bình minh biển hồ".
Đối với chị Ngọc Anh, việc làm nhà hay sửa nhà là điều mà trước kia chị thấy e ngại. Vậy nên việc cải tạo studio thành căn hộ kiểu Nhật lần này được chị xem là bước ngoặt của bản thân mình.