"Lời xin lỗi chính thức của - đến tất cả khách hàng tham gia sự kiện 20/10 của Marshall"
"Sale toàn bộ cửa hàng Marshall đến 80%"
"Sale toàn bộ nước hoa Dior..."
Đây chỉ là vài trong số hàng chục bài đăng trên Facebook và các nền tảng xã hội mà người dùng xem được trong thời gian qua thông qua các kênh quảng bá là các Facebook có độ ảnh hưởng, thu hút lượng lớn người theo dõi.
Nội dung đăng tải đều có các câu từ giật gân, và dùng cả hình của các thương hiệu, các trung tâm mua sắm nổi tiếng.
Truy cập vào các đường dẫn tại các bài đăng này đều có thiết kế chuyên nghiệp thu hút người xem và nhất là các đồng hồ đếm ngược để tính hết thời gian giảm giá các sản phẩm. Thế nhưng giá các sản phẩm ở đây chỉ có giá vài trăm nghìn, tức là rẻ hơn so với giá niêm yết của các sản phẩm này gần 10 lần. Website không hề có bất cứ địa chỉ, số điện thoại hoặc cách thức liên lạc được với người bán... và đương nhiên không có đăng ký với Bộ Công Thương, chỉ có duy nhất mẫu đăng ký địa chỉ, số điện thoại của khách hàng và sản phẩm muốn mua, nghĩa là chỉ người bán biết người mua mà người mua không biết gì về nơi bán.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết: "Các thông tin khi người tiêu dùng mua sắm hàng hóa trên mạng rất dễ bị các cá nhân lợi dụng thu thập rồi sử dụng vào các mục đích không chính đáng. Các đối tượng lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng và các nội dung sai sự thật để quảng bá, bán sản phẩm và người tiêu dùng dễ bị đánh lừa còn người bán hàng thu lời bất chính".
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, nói: "Tất cả trang thương mại website điện tử có danh tính rõ ràng, có chính sách bán hàng... đều được công bố trên website quản lý của Bộ Công Thương. Trên website của họ, họ cũng sẽ gắn các logo đã đăng ký, đã thông báo với Bộ Công Thương để nhận biết và khi bấm vào các logo này nó sẽ chạy ngược về website quản lý của Bộ Công Thương để xác thực.
Nhận biết trang thương mại điện tử
2 logo hay nói chính xác là "dấu xác thực" được Bộ Công Thương công bố chính thức. Màu xanh da trời - "ĐÃ THÔNG BÁO Bộ Công Thương" và màu đỏ - "ĐÃ ĐĂNG KÝ Bộ Công Thương". Thế nhưng không phải 100% người sử dụng Internet biết được điều này. Đây cũng chính là cơ sở để người dùng có thể nhận biết và các đơn vị quản lý nhà nước có cơ sở để kiểm tra giám sát các hoạt động mua bán, kinh doanh trên các trang thương mại điện tử có nguồn gốc, danh tính rõ ràng.
Tại điều 62, nghị định 98 của CP cũng quy định, doanh nghiệp cá nhân có thể bị phạt tiền đến 20.000.000đ nếu không thông báo website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng; Gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi thông báo website thì sẽ bị phạt tiền đến 30.000.000 đồng.
Khó khăn trong quản lý trên thương mại điện tử
Vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại, hàng lậu vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Và để đối phó với lực lượng chức năng, lợi dụng môi trường kinh doanh phát triển, các đối tượng chuyển từ môi trường truyền thống sang môi trường TMĐT, khiến công tác quản lý, xử lý các hành vi gian lận thương mại trở nên khó khăn hơn.. Chính vì vậy, ác lực lượng chức năng cũng đang tập trung kiểm tra giám sát hoạt động trên môi trường mạng nhiều hơn.
Đầu tháng 11 này, tại Gia Lai, sau 1 thời gian dài theo dõi, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp kiểm tra hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên thường xuyên livestream bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội phổ biến như: Lazada, Shopee, Tiktok, Facebook và Zalo và dùng các đơn vị vận chuyển, chuyển phát nhanh để giao dịch hàng hoá. Qua đó, cung cấp hàng trăm đến hàng nghìn đơn hàng mỗi ngày và được xác định là hàng giả.
Thời gian qua, rất nhiều vụ việc vi phạm liên quan thương mại điện tử đã được Quản lý thị trường chuyển hồ sơ sang Cơ quan Công an khởi tố và xử lý.
Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 2 bị can về tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với hơn 13.000 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu hàng hoá
Tuy nhiên, trong quá trình xử lý cơ quan điều tra gặp rất nhiều khó khăn như: không xác định được địa điểm mua bán, truy tìm kho hàng, đối tượng... Mặt khác, việc thanh toán qua trung gian cũng khiến quá trình truy vết gặp khó.
Thượng tá Phạm Công Hải, Cục An ninh mạng và Phòng, Chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, cho biết: "Chúng tôi thật sự còn gặp vướng trong xử lý và cần phối hợp với nhiều đơn vị chức năng khác".
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường, nói: "Cần phải tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng chống gian lận thương mại trên môi trường online bởi vì thiệt hại trên môi trường online rất là lớn do vậy cần phải xử lý nghiêm đủ hình thức để răn đe. Tôi nghĩ rằng tổng hợp những biện pháp đó thì chúng ta mới có thể kiểm tra giám sát môi trương online một cách có hiệu quả nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng".
Trong 10 tháng qua, Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý hơn 62 nghìn vụ việc, thu nộp ngân sách trên 410 tỷ đồng. Tổng cục QLTT cho rằng, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới QLTT các địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm.