Theo đó, các tài khoản mạo danh trên Facebook này sử dụng các hình ảnh chính chủ, thậm chí có cả hình ảnh người bị giả mạo trong một buổi lễ hoặc nhiều người biết. Các tài khoản này gửi lời mời kết bạn đến mục tiêu, nếu người dùng tưởng người quen và nhấp vào đồng ý, hai bên sẽ trở thành bạn bè.
Các tài khoản giả mạo này thường đăng tải các bài đăng với nội dung kiểu lời “tư vấn miễn phí” cho vay vốn, với “lãi suất thấp” (thực chất là lãi suất cao), “áp dụng toàn quốc”,… Nếu người dùng không chú ý xem thông tin người bạn mới, họ có thể mắc bẫy vay nợ tín dụng đen nếu thật thà. Trong trường hợp khác, chúng có thể nhắn tin nhờ vả các việc riêng với mục đích lừa tiền bằng mọi cách, hoặc nhờ vả bình chọn một cuộc thi cho ai đó.
Về cơ bản, đa số các trang mạo danh hoặc nhằm mục đích lừa đảo việc gì đó để vay mượn tiền hoặc đăng các thông tin cho vay nặng lãi cũng như thông tin sai lệch khác.
Để phòng tránh sập bẫy các tài khoản Facebook mạo danh, người dùng được khuyến cáo thực hiện một số biện pháp dưới đây:
Đầu tiên, hãy thử tìm kiếm ảnh đại diện của họ thông qua Google Images hoặc các công cụ chuyên dụng như TinEye, Pixsy… Sau đó hãy tải ảnh lên và bắt đầu tìm kiếm. Nếu tìm thấy cùng một hình ảnh được đăng vào thời điểm trước đó ở một nơi khác thì có thể tài khoản người dùng đang tương tác là mạo danh.
Nếu lướt qua dòng thời gian của một số hồ sơ giả và so sánh với hiện tại, người dùng sẽ nhận thấy sự mâu thuẫn trong cách đăng bài.
Nếu nhận được yêu cầu nhờ chuyển tiền, hãy thận trọng kiểm tra lại mọi thứ bằng cách gọi điện trực tiếp cho chủ tài khoản. Đồng thời không cung cấp bất kì thông tin cá nhân, ngân hàng… cho người lạ.
Có khá nhiều tài khoản mạo danh được điều hành bởi bot, do đó chúng thường cố gắng tránh các cuộc trò chuyện có thể tiết lộ sự thiếu hiểu biết của chúng về người định lừa đảo.
Cuối cùng, nếu nhận được nhiều lời mời kết bạn từ các tài khoản không có bất kỳ bạn chung nào, có khả năng đó là một tài khoản mạo danh.