Cảnh báo: Nhiều video giả phóng sự truyền hình quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên YouTube, cẩn thận "tiền mất tật mang"

NAI, Theo Trí Thức Trẻ 13:50 05/04/2021
Chia sẻ

Vì tin vào những quảng cáo được lồng ghép, chỉnh sửa như một phóng sự trên đài truyền hình quốc gia mà nhiều người dùng YouTube đang lâm vào cảnh mất tiền còn rước thêm bệnh!

Những ngày gần đây, quảng cáo trên YouTube ngày càng biến tướng đang khiến nhiều người dùng vô cùng ngao ngán. Như đã đưa tin về hàng loạt các sản phẩm thuốc nam, thuốc Đông Y không nguồn gốc xuất hiện dày đặc trên nền tảng này: Nhà tôi ba đời trị sỏi thận, Bà con gọi cho tôi trị xương khớp... Giờ đây, để tăng độ tin cậy, các quảng cáo này đang ngày càng tinh vi dưới dạng mạo danh phóng sự từ các đài truyền hình lớn, điển hình là VTV, QPVN...

Cảnh báo: Nhiều video giả phóng sự truyền hình quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên YouTube, cẩn thận tiền mất tật mang - Ảnh 1.
Cảnh báo: Nhiều video giả phóng sự truyền hình quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên YouTube, cẩn thận tiền mất tật mang - Ảnh 2.

YouTube hiện là nền tảng xem video lớn nhất thế giới. Theo một thống kê cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 45 triệu người đang xem YouTube, chiếm hơn 50% dân số. Trong đó, chắc chắn có những người sẽ là "miếng mồi" ngon cho những kẻ bán thuốc không nguồn gốc vì do tuổi đã cao, chưa nắm bắt thông tin, ham rẻ và đặc biệt "bị lừa" vì nhầm với một phóng sự đài truyền hình.

Đây vốn dĩ không phải là "mưu mô" gì mới, khi những quảng cáo giả phóng sự đã xuất hiện nhan nhản từ năm 2019, nhưng ít người chú ý đến, cho đến khi nó xuất hiện với tần suất dày đặc.

Trong những quảng cáo trên, đối tượng hay cơ sở kinh doanh thuốc nam, thuốc Đông Y sẽ được các đối tượng lồng ghép tinh vi dưới dạng phóng sự truyền hình, thật đến nỗi có MC của nhà đài, ekip nhà đài thực hiện, logo trên góc màn hình...

Cảnh báo: Nhiều video giả phóng sự truyền hình quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên YouTube, cẩn thận tiền mất tật mang - Ảnh 3.

Logo VTV, cùng phóng viên nhà đài đưa tin, đây hoàn toàn là sản phẩm của cắt ghép

Không chỉ dừng lại ở việc sử dụng logo, bảng mẫu của các chương trình thời sự, các quảng cáo này còn sử dụng hình ảnh của những y bác sĩ nổi tiếng trong ngành để tăng độ tin cậy. Các đối tượng thực hiện cắt ghép "đầu voi đuôi chuột" từ những phóng sự có thật về căn bệnh để tăng "hiệu ứng" tin tưởng. Đồng thời, đội ngũ thực hiện phóng sự giả mạo này còn phải thuê các "diễn viên" đóng vai người bệnh, thăm khám tại phòng mạch, chia sẻ quá trình chữa khỏi một cách tâm đắc.

Cảnh báo: Nhiều video giả phóng sự truyền hình quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên YouTube, cẩn thận tiền mất tật mang - Ảnh 4.
Cảnh báo: Nhiều video giả phóng sự truyền hình quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên YouTube, cẩn thận tiền mất tật mang - Ảnh 5.

Những diễn viên đóng vai bệnh nhân như thật...

Ngoài các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc, người dùng còn dễ nhận thấy hàng loạt các phóng sự giả tương tự như trên để bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sản phẩm làm đẹp... Các đối tượng người dùng được những kẻ này hướng đến thường là người cao tuổi, mắc những căn bệnh nan y, khó chữa, tin tưởng vào việc sử dụng thuốc nam, thuốc Đông Y, nghe hàng xóm, bà con "mách" những mẹo chữa bệnh...

Có thể thấy, những quảng cáo này đánh mạnh vào tâm lý của người bệnh, đặc biệt là những ai chữa bệnh theo cách "ai chỉ gì làm đó". Nhiều người vì muốn tốt cho người thân, bạn bè nên đã giới thiệu mà không hề biết rằng phóng sự này không phải do đội ngũ của đài truyền hình thực hiện và cũng chưa từng được phát trên bất kỳ kênh sóng nào của Đài Truyền hình Việt Nam...

Cảnh báo: Nhiều video giả phóng sự truyền hình quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên YouTube, cẩn thận tiền mất tật mang - Ảnh 6.

Từ khi mới xuất hiện những phóng sự này, VTV đã lập tức lên án, thậm chí những đối tượng trên còn bị triệu tập và xử lý hành chính. Tuy nhiên, có thể thấy, tình trạng này chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt, mà ngày càng xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như sử dụng logo một nhà đài không có thật như TTV, VVTT... nhưng tương đối giống các đài truyền hình quốc gia để nhằm qua mặt người dùng.


Có thể thấy, để nhằm trục lợi cho bản thân, những đối tượng này trong thời gian tới chắc chắn sẽ chưa dừng lại. Để bảo vệ quyền lợi của bản thân và gia đình, hãy lên tiếng, cảnh giác, đề phòng với tất cả quảng cáo trên mạng Internet và thăm khám tại các cơ sở y tế quốc gia để có thể chữa bệnh một cách tốt nhất.

Nguồn ảnh: Internet

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày