Nằm trong khu vực rừng quốc gia Cúc Phương (thuộc địa phận huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương được thành lập với mục đích chăm sóc, cứu hộ các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam để trả chúng về với môi trường sống tự nhiên. Nơi đây hiện đang cứu hộ, nuôi giữ trên 100 cá thể thuộc các nhóm loài đang có nguy cơ tuyệt chủng vì nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã. Sau một thời gian chăm sóc đặc biệt, đến nay 10 cá thể của 2 loài (vượn đen má hung và voọc mông trắng) được sống trong môi trường bán hoang dã
Vượn đen má hung phân bố ở Trung Lào và Việt Nam. Ước tính chỉ có khoảng dưới 90 đàn còn tồn tại ngoài tự nhiên
Ở Việt Nam, loài này đang bị đe doạ tuyệt chủng do nạn săn bắt và chia cắt môi trường sống. Số lượng quần thể ngày càng bị suy giảm nên loài này có thể được liệt kê trong danh sách loài có nguy cơ bị tuyệt chủng cao
Vượn đen má hung là một trong những loài vượn có giọng hót rất hay, chúng được mệnh danh là "ca sĩ của rừng xanh" bởi giọng hót ngân vang, ngân xa
Vượn đen má hung khi trưởng thành có chiều dài thân khoảng 60 - 80cm, cân nặng tầm 7kg. Con đực thường có màu đen, túm lông 2 bên má màu vàng. Con cái thường có màu vàng tươi hoặc màu cam nhạt, chúng thường có chỏm lông màu đen ở phần đỉnh đầu
Vượn đen má hung sống chủ yếu theo gia đình từ 3 - 5 cá thể bao gồm bố mẹ và các con. Mỗi đàn sống trong một lãnh thổ riêng
Thức ăn của chúng là lá cây, chồi non, trái cây và côn trùng. Chúng cũng có thể ăn trứng chim và chim non trong tổ
Loài vượn này thường bắt đầu sinh sản vào năm thứ 7, thứ 8. Chúng thường mang thai trong khoảng 7 - 8 tháng. Hai năm vượn đen má hung đẻ một lần, mỗi lần một con
Hiện nay, vượn đen má hung được tự do đi kiếm ăn trong rừng. Tuy nhiên, đến 8h30 hàng ngày các cá thể vượn đen má hung được các chuyên gia tại Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng quý hiếm gọi về cho ăn đồng thời quan sát tình hình sức khỏe
Vượn con sống cùng bố mẹ cho đến khi trưởng thành
Bên cạnh những chú vượn đen má hung, voọc mông trắng cũng là 1 trong những cá thể được Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương chăm sóc, cứu hộ
Voọc mông trắng là được liệt kê trong danh sách 25 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng nhất thế giới. Ước tính số lượng còn tồn tại ngoài tự nhiên khoảng 300 đến 350 cá thể
Vọoc mông trắng là một trong những loài đặc hữu của Việt Nam
Chúng sinh sống thành đàn trên các khu rừng nằm trên dãy đá vôi thuộc các tỉnh Ninh Bình, Hoà Bình, Thanh Hoá và Hà Nam. Số lượng quần thể của chúng ngày càng thu nhỏ do hiện tượng săn bắt trái phép và hiện môi trường sống ngày càng bị thu hẹp, phân mảnh