Sáng ngày 14/3, Sở GTVT TP. HCM đã tổ chức thông xe nhánh hầm chui N1, đoạn xuyên qua nút giao vòng xoay An Sương. Sau khi xe hầm chui này được chính thức thông xe thì đây là nút giao thông 3 tầng thứ 2 ở Sài Gòn đưa vào hoạt động sau nút giao thông 3 tầng đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).
Dự án hầm chui vòng xoay An Sương được kỳ vọng giải quyết được kẹt xe tại "điểm đen" về tai nạn giao thông ở cửa phía Tây Bắc Sài Gòn.
Đúng 7h30 những chiếc xe ô tô đầu tiên từ hướng đường Trường Chinh bắt đầu đi qua hầm chui N1, xuyên qua vòng xoay An Sương để về Quốc lộ 22 (quận 12, huyện Hóc Môn, TP.HCM) nhanh chóng, không còn cảnh ùn ứ như trước đó.
Clip: Toàn cảnh nút giao thông 3 tầng ở Sài Gòn - TH: Tứ Quý.
Nhánh hầm chui N1 được thông xe, những chiếc ô tô đầu tiên từ hướng Trường Chinh đi qua hầm về Quốc lộ 22.
Bên cạnh đó, hai bên nhánh hầm chui N1 có hai làn đường riêng dành cho các phương tiện không đi qua hầm có thể di chuyển theo trục Quốc lộ 1 về các tỉnh Đông Nam Bộ và miền Tây.
Đây là dự án do Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 3 (Sở GTVT TP. HCM) quản lý. Ông Trịnh Linh Phương, Giám đốc Khu Quản Lý giao thông đô thị số 3 cho biết: "Khoảng 1 tuần sau khi thông xe nhánh hầm N1, Sở GTVT sẽ thống nhất phân luồng lại giao thông. Sau đó sẽ tiến hành động thổ khởi công nhánh hầm N2, dự án dự kiến hoàn thành cuối 2018. Đây là một điểm đen về tai nạn và ùn tắc giao thông, nên khi thi công nhánh N2, cũng ảnh hưởng ít nhiều giao thông hướng Tây Bắc vào trung tâm TP".
Theo ông Linh, quá trình thi công nhánh N1 hầm chui An Sương, đơn vị thi công cũng gặp nhiều khó khăn do trong quá trình xây dựng, lượng phương tiện qua khu vực lớn và mặt bằng chật hẹp và nhiều yếu tố khác của thời tiết khiến kế hoạch triển khai dự án cũng bị thay đổi.
Hầm chui được chia thành 2 làn xe.
Hơn nữa, khi đào hầm nhánh N1, chủ đầu tư đụng phải mạch nước ngầm lớn khiến nước liên tục phun lên, mất khá nhiều thời gian để khắc phục làm ảnh hưởng đến thời gian đổ bê tông.
Hầm chui nút giao thông vòng xoay cầu vượt An Sương là một trong những dự án trọng điểm giải quyết ùn tắc giao thông của Sài Gòn nên sau khi được chính thức thông xe, người dân và các tài xế ô tô khá vui mừng.
Nhánh hầm N1 (Trường Chinh – Quốc lộ 22) dài 445m. Trong đó, đoạn hầm kín dài 125m, tĩnh không cao 4,75m; hầm hở phía Trường Chinh dài 140m, phía QL.22 dài 120m.
Nhánh hầm N2 (Quốc lộ 22 - Trường Chinh) dài 385m. Trong đó, đoạn hầm kín dài 125m, tĩnh không cao 4,75m; hầm hở phía Quốc lộ 22 dài 120m và phía Trường Chinh dài 140m.
Tổng mức đầu tư của dự án 514 tỉ đồng.
Nút giao thông An Sương là "điểm đen" kẹt xe ở cửa ngõ Tây Bắc TP. HCM.
Sau khi hầm chui được thông xe, đây là nút giao thông 3 tầng hiện đại thứ 2 ở Sài Gòn.
Giao thông qua hầm chui trong sáng cùng ngày rất thông thoáng.
Các ô tô thoải mái di chuyển qua hầm chui mà không lo kẹt xe vào giờ cao điểm.
Vạch kẻ liền không cho phép ô tô lấn làn khi đi vào hầm.
Tốc độ tối đa cho phép là 50km/h và cấm người đi bộ, xe 2 và 3 bánh đi qua hầm.
Bên trong hầm khá thoáng.
Hệ thống thoát nước ngay cửa hầm
Hệ thống PCCC cũng đã lắp đặt hoàn chỉnh bên tường để đề phòng sự cố.
Theo ghi nhận, sau khi thông xe phương tiện chủ yếu vào hầm là ô tô con.
Từ nay nhiều sinh viên từ quận 12, huyện Hóc Môn vào trung tâm TP học tập bằng xe buýt không phải lo kẹt xe.
Đèn được thắp sáng liên tục trong hầm chui.
Hướng hầm phía huyện Hóc Môn.
Vào đêm trước ngày thông xe, công nhân vẫn tất bật hoàn thành những khâu cuối cùng tại hầm chui.
Nút giao thông 3 tầng vào ban đêm nhìn từ trên cao.