Vụ rơi trực thăng du lịch kinh hoàng xuống sông Hudson ngày 10/4 (theo giờ địa phương) vừa qua khiến 6 người thiệt mạng là một trong nhiều thảm kịch liên quan đến trực thăng từng xảy ra tại thành phố New York.
Được biết kể từ năm 1977 đến nay, ít nhất 32 người đã tử vong trong các vụ tai nạn trực thăng tại thành phố này.
Năm 1977, càng đáp của chiếc trực thăng Sikorsky S-61L gặp trục trặc khi đang đón khách trên nóc tòa nhà Pan Am tại số 200 đại lộ Park, nay là tòa MetLife. Chiếc trực thăng bất ngờ nghiêng sang một bên, cánh quạt xoay tít đã khiến 4 người thiệt mạng, trong đó có đạo diễn nổi tiếng Michael Findlay, và 1 người khác bị thương. Một mảnh vỡ từ cánh quạt còn rơi xuống đường, khiến 1 người đi bộ tử vong và 1 người khác bị thương.
Năm 1985, một chiếc trực thăng Dauphin 360C do công ty New York Helicopter có trụ sở tại Garden City, Long Island vận hành, chở 6 hành khách đã hạ cánh khẩn cấp xuống sông East River. Vụ tai nạn khiến 1 người đàn ông, khi đó được xác định là doanh nhân 40 tuổi đến từ Tây Đức, thiệt mạng. Năm hành khách còn lại và 2 thành viên phi hành đoàn may mắn sống sót.
Vụ tai nạn trực thăng du lịch thảm khốc ngày 10/4 rơi xuống sông Hudson khiến 6 người thiệt mạng chỉ là một trong số nhiều thảm kịch liên quan đến trực thăng xảy ra trong vài năm trở lại đây
Năm 1986, phóng viên giao thông Jane Dornacker của đài WNBC đã thiệt mạng ngay giữa buổi phát sóng chiều khi chiếc trực thăng chở bà rơi xuống sông Hudson, gần phố 45.
Vào lúc 4 giờ 46 phút chiều, bà đang đưa tin trực tiếp: “New Jersey, hướng ra khỏi hầm Lincoln giờ trông có vẻ thông thoáng hơn,” rồi tiếp tục: “Ở New Jersey…” trước khi đột ngột im lặng, theo tường thuật của tờ New York Times thời điểm đó.
Ngay sau đó, khán giả nghe thấy tiếng bà hoảng loạn lặp lại: “Rơi xuống nước! Rơi xuống nước! Rơi xuống nước!”
Đến năm 1997, một chiếc trực thăng sáu chỗ BK-117 thuộc sở hữu của công ty Colgate-Palmolive rơi xuống sông East River sau khi cất cánh từ bãi đáp trực thăng đường 60. Vụ tai nạn khiến ông Craig Tate, giám đốc kỹ thuật của công ty, tử vong và 1 lãnh đạo khác bị thương nặng. Cảnh sát cho biết trực thăng rơi xuống nước sau khi cánh đuôi của máy bay bất ngờ bị tách rời.
Năm 2009, 9 người thiệt mạng khi chiếc trực thăng du lịch Eurocopter AS350 chở 5 du khách người Ý va chạm với máy bay tư nhân nhỏ trên không phận sông Hudson, gần công viên Frank Sinatra ở Hoboken. Chuyến bay do công ty Liberty Helicopter Sightseeing Tours vận hành.
Chiếc máy bay tư nhân là loại Piper sản xuất năm 1976. Theo các nguồn tin lúc bấy giờ, máy bay đã mất liên lạc với trạm kiểm soát mặt đất khi bay qua khu vực giữa hầm Lincoln và hầm Holland, chỉ ít lâu sau khi cất cánh. Cả 4 người trên máy bay đều tử nạn.
Đến năm 2018, một chuyến bay “mở cửa” do Liberty Helicopters vận hành cho FlyNyon, cũng sử dụng mẫu Eurocopter AS350, đã rơi xuống sông East River khiến năm người thiệt mạng. Hai hành khách tử vong tại hiện trường, 3 người còn lại được xác nhận đã qua đời tại bệnh viện. Một bồi thẩm đoàn sau đó đã yêu cầu phía công ty và phi công Richard Vance - người sống sót sau vụ tai nạn - phải bồi thường tổng cộng 116 triệu USD (gần 3 nghìn tỷ đồng) cho gia đình các nạn nhân.
Luật sư Gary C. Robb, người đại diện cho cha mẹ của Trevor Cadigan - một trong những nạn nhân vụ tai nạn năm 2018 - cho biết vụ rơi trực thăng hôm 10/4 là “một ngày tang thương với ngành hàng không”, đồng thời kêu gọi điều tra sau khi xem đoạn video gây chấn động về thảm kịch này trong cuộc trao đổi với tờ The Post.
“Vì sao hệ thống phao nổi khẩn cấp lại không hoạt động? Rõ ràng là có 3 chiếc phao lớn, phi công biết rằng họ sẽ phải đáp xuống nước. Trên đó có một tay cầm lớn, giống như cò súng, để kích hoạt các phao nổi”, ông đặt câu hỏi.
“Vì sao các nạn nhân không thể thoát ra ngoài khi khoang lái chỉ chìm cách mặt nước vài feet (gần 1m)? Và điều gì đã gây ra sự cố kỹ thuật giữa chuyến bay?”, ông tiếp tục.
Kể từ năm 1977, đã có ít nhất 32 người thiệt mạng trong các vụ tai nạn trực thăng xảy ra tại thành phố New York
Vụ tai nạn chết người đầu tiên xảy ra khi chiếc trực thăng Sikorsky S-61L gặp sự cố kỹ thuật trước lúc đón khách trên nóc tòa nhà Pan Am
Năm 2019, một chiếc trực thăng Agusta A109E đã hạ cánh khẩn cấp lên nóc một tòa nhà 54 tầng ở Midtown Manhattan, khiến phi công Tim McCormack thiệt mạng.
McCormack là người duy nhất có mặt trên máy bay và được biết đến là một phi công có nhiều kinh nghiệm, được đồng nghiệp kính trọng. Các quan chức sân bay lúc đó cho rằng nhiều khả năng ông đã gặp sự cố kỹ thuật khi đang bay.
Chiếc trực thăng cất cánh từ bãi đáp đường 34 và rơi chỉ 11 phút sau đó. Một mảnh vỡ từ máy bay đã rơi xuống hơn 700 feet và đáp ngay trước đầu một chiếc SUV GMC Suburban màu đen đang đậu bên dưới.
Khi nói về vụ tai nạn nghiêm trọng hôm thứ Năm, Thị trưởng Eric Adams gây tranh cãi khi so sánh sự việc với “phép màu trên sông Hudson” do cơ trưởng Chesley “Sully” Sullenberger thực hiện, khi chuyến bay 1549 của US Airways hạ cánh an toàn xuống sông Hudson ngày 15/1/2009 mà không có ai thiệt mạng.
“Cảnh tượng này gần giống như chiếc máy bay hạ cánh xuống sông Hudson. Cảm ơn trời, khi đó không ai mất mạng”, ông Adams nói với phóng viên tại hiện trường.
Nguồn: NY Post