Con người đã rất cố gắng trong hành trình chứng minh có sự sống ngoài hành tinh, nhưng ít nhất đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa có gì cả.
Tuy vậy theo một nghiên cứu mới đây, "họ" có thể ở gần hơn chúng ta tưởng, thậm chí đã có mặt trên Trái đất rồi.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đến từ khoa Vật lý Thiên văn của trường ĐH Edinburg (Anh Quốc) tin rằng các sinh vật ngoài hành tinh có thể đã đến Trái đất bằng con đường mang tên "bụi vũ trụ" - space dust.
Chúng là những sinh vật dạng bọ, hay còn gọi là bọ vũ trụ. Các chuyên gia cho rằng chúng đã trôi nổi khắp vũ trụ và lạc đến Trái đất. Hiện tượng ngược lại cũng có thể xảy ra, tức là bọ và vi khuẩn từ Trái đất cũng trôi dạt đến các hành tinh khác.
Bọ gấu nước - một trong những sinh vật tiệm cận với định nghĩa "bất tử"
Các chuyên gia đã thực hiện đánh giá về tốc độ bụi vũ trụ lan truyền qua các hành tinh. Hóa ra, chúng có thể di chuyển với vận tốc lên tới 70.000m/s. Họ xác nhận rằng các phân tử sinh học siêu nhỏ trôi nổi trong bầu khí quyển ở khoảng cách 150km so với mặt đất có thể tách rời khỏi trọng lực và trở thành bụi vũ trụ.
Trên thực tế, có một số vi khuẩn và thực vật có thể tồn tại trong vũ trụ. Trong đó nổi bật là tardigrade - hay còn gọi là bọ gấu nước - với khả năng sinh tồn cực kỳ khủng khiếp. Nếu chúng trôi nổi trong bầu khí quyển, rất có thể chúng sẽ đến được các hành tinh khác trong hệ Mặt trời.
Quan trọng hơn, các chuyên gia tin rằng quá trình ngược lại cũng sẽ xảy ra. Các sinh vật siêu nhỏ từ vũ trụ có thể đến Trái đất, thậm chí góp phần tạo ra sự sống trên hành tinh của chúng ta.
Theo giáo sư Arjun Berera - tác giả nghiên cứu: "Sự va chạm giữa bụi trong không gian có thể giúp các sinh vật chinh phục khoảng cách cực kỳ lớn giữa các hành tinh. Điều này khiến chúng ta đặt ra giả thuyết về cách sự sống phát triển trên hành tinh của chúng ta."
Trong các nghiên cứu trước kia, khoa học đã từng xem xét khả năng thiên thạch hoặc sao chổi mang sự sống đến Trái đất. Và với nghiên cứu mới này, khả năng ấy hoàn toàn có thể xảy ra.