Gần 2 năm trước, NASA đã phát hiện ra cột nước khổng lồ cao đến 200 km trên mặt trăng Europa của Sao Mộc. Và trong thời gian vừa qua, các nhà khoa học liên tục tìm thấy những bằng chứng mới cho thấy tiểu hành tinh này đang ẩn chứa một đại dương nước mặn không khác gì trên Trái Đất của chúng ta.
Để miêu tả về đại dương bí ẩn này thì cụm từ “rộng lớn” có lẽ vẫn còn quá khiêm tốn. Nói một cách dễ hiểu, toàn bộ lượng nước tự nhiên trong sông, hồ, biển và thậm chí là cả mưa, mây trên Trái Đất mới chỉ bằng khoảng một nửa thể tích của đại dương ngầm trên Europa.
Đặc biệt, kích thước của Europa cũng chỉ tương đương với kích thước mặt trăng của Trái Đất, nghĩa là diện tích bề mặt của hành tinh này còn chưa bằng 1/10 diện tích bề mặt của địa cầu.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra những cột nước khổng lồ trên mặt trăng Europa vào 2 năm trước.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng phỏng đoán rằng có sự sống ngoài Trái Đất trên mặt trăng Europa hay bất cứ hành tinh nào trong hệ mặt trời có đại dương, ví dụ như Enceladus, Pluto, Titan hay Ganymede. Những hình ảnh dưới đây sẽ giúp bạn so sánh thể tích nước giữa Trái Đất và một số hành tinh khác, nơi mà có thể có sự tồn tại của những sinh vật ngoài hành tinh.
Lưu ý: Đơn vị sử dụng trong những hình ảnh này là zettaliter (ZL). 1 ZL tương đương với 1 tỉ kilomet khối. Trái Đất của chúng ta hiện chứa khoảng 1.355 ZL nước.
Enceladus - Trái Đất
Enceladus là một vệ tinh tự nhiên khá nhỏ của Sao Thổ có đường kính khoảng 506km với diện tích bề mặt chỉ bằng bang Arizona tại Mỹ. Năm 2014, con tàu do thám Cassini của NASA đã phát hiện ra sự một cột nước bắn lên từ hành tinh này cùng với một đại dương ngầm rộng lớn.
Triton - Trái Đất
Trition là một mặt trăng của Sao Hải Vương, cách Trái Đất khoảng 4 tỉ km. Trong năm 2017, con tàu Voyager 2 đã trở thành tàu vũ trụ duy nhất tính đến thời điểm hiện tại bay qua và chụp lại ảnh của hành tinh này. Các nhà khoa học mô tả Trition giống như một ngọn núi lửa lạnh bắn ra những cột nước và khí amoniac.
Dione - Trái Đất
Dione cũng là một mặt trăng của Sao Thổ giống như Enceladus và được xác nhận sự tồn tại của đại dương vào năm 2016.
Pluto (Sao Diêm Vương) - Trái Đất
Pluto là một trong những tiểu hành tinh có kích thước gây tranh cãi nhiều nhất cho giới khoa học. Cuối cùng, các nhà thiên văn học đã thống nhất chỉ coi Pluto là một tiểu hành tinh chứ không phải là một hành tinh như trước đây. Năm 2016, con tàu New Horizons của NASA đã xác nhận sự tồn tại của nước biển và khí a-mô-ni-ắc trên tiểu hành tinh này.
Europa - Trái Đất
Europa là mặt trăng nhỏ nhất trong bộ tứ mặt trăng Galilean nổi tiếng của Sao Mộc. Như đã nêu trên, Europa có kích thước tương đương với mặt trăng của Trái Đất nhưng lại chứa lượng nước biển khổng lồ có pha trộn sulfur từ mặt trăng IO lân cận.
Callisto - Trái Đất
Callisto là mặt trăng lớn thứ hai trong số 4 mặt trăng Galilean với lớp bề mặt bao phủ bởi băng và gần như chắc chắn có ẩn chứa một đại dương ngầm ở bên trong. Tuy nhiên, vì lớp băng dày đến hơn 200km, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác thông tin này.
Titan - Trái Đất
Titan là mặt trăng lớn nhất của Sao Thổ và là mặt trăng lớn thứ hai trong hệ mặt trời của chúng ta. Các nhà khoa học thường coi Titan là "Trái Đất nguyên thủy" và cho rằng có một đại dương ngầm ẩn chứa dưới lớp băng dày gần 100 km trên bề mặt hành tinh này.
Ganymede - Trái Đất
Ganymede là mặt trăng lớn nhất trong hệ mặt trời và cũng thuộc bộ tứ mặt trăng Galilean. Thể tích nước trên hành tinh này lớn gấp 18 lần so với Trái Đất của chúng ta.
Trái Đất dù có kích thước khá lớn nhưng hóa ra lại sở hữu lượng nước còn ít hơn một số mặt trăng trong hệ mặt trời của chúng ta.