Các nhà nghiên cứu thuộc viện công nghệ MIT đã đưa ra một cảnh báo hết sức quan ngại: Khoảng 50% đại dương trên Trái đất sẽ mất đi màu xanh vốn có của mình, chỉ trong vòng 80 năm nữa.
Dự báo này dựa trên kết quả do đội ngũ nghiên cứu phân tích vi tính, dựa trên các dữ liệu về vấn đề thay đổi môi trường. Cụ thể, các vùng biển xanh dương sẽ chuyển sang màu sắc sậm hơn so với bình thường, tương tự với các vùng có màu xanh lá cũng sẽ chuyển màu đậm hơn.
Và do đâu lại có sự thay đổi này thế nhỉ?
Lý do nằm ở các sinh vật phù du – mấu chốt của sự thay đổi màu sắc nước biển.
Với việc ánh nắng chỉ tập trung vào khoảng hơn 18m ở bề mặt, đáy đại dương luôn chìm trong bóng tối. Và để hình thành nên được màu sắc biển như mắt chúng ta nhìn thấy được, phải nhờ vào sự tham gia của các sinh vật phù du (phytoplankton).
Sinh vật phù du
Đa số các sinh vật này đều chứa diệp lục, giúp phản chiếu ánh sáng xanh dương và xanh lá nhờ việc hấp thu nắng chiếu vào bề mặt đại dương. Quá trình hấp thu này sẽ phần nào tạo nên thức ăn cho chúng.
Thế nhưng, với thực trạng Trái Đất ngày một ấm dần lên do tác động của biến đổi khí hậu, các lớp phân tầng của biển ngày càng rạch ròi hơn. Điều này đồng nghĩa với việc các dòng nước nóng và lạnh không thể hòa trộn vào nhau như trước.
Điều này sẽ kéo theo việc hàng nghìn giống loài phù du sẽ chết dần đi, hoặc có thể phải di cư sang khu vực có môi trường sống ít khắc nghiệt hơn. Và hẳn nhiên, điều này làm thay đổi màu sắc của nước biển.
"Sẽ là một sự khác biệt rõ rệt về màu sắc của 50% đại dương trên thế giới khi vào cuối thế kỷ 21," – giáo sư Stephanie Dutkiewicz, tác gỉả của nghiên cứu cho biết.
Theo Dutkiewicz, việc biển cả đổi màu là những dấu hiệu rất sớm của một viễn cảnh đầy nghiêm trọng.
"Phù du có thể xem là thực phẩm cơ bản nhất của đại dương. Mọi sinh vật dưới biển đều cần phù du để tồn tại. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi thức ăn."
"Điều này thật sự nghiêm trọng. Mỗi loài sinh vật phù du sẽ hấp thụ ánh sáng theo mức độ khác nhau. Và vì chúng bắt đầu thay đổi mật độ theo từng vùng biển, chuỗi thức ăn của các loài vật trong hệ sinh thái cũng bị thay đổi."
"Hệ quả, sinh vật biển sẽ chết dần chết mòn, thậm chí là tuyệt chủng hàng loạt."
Mô hình nghiên cứu dựa trên dự đoán rằng các đại dương sẽ tăng khoảng 3 độ C vào cuối thế kỷ 21. Tuy nhiên, Dutkiewics cũng lưu ý rằng nếu có một tác động tích cực nào đó từ con người với mức độ đủ lớn, có lẽ màu sắc các đại dương sẽ không thay đổi gì nhiều.