Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy, tính đến hết năm học 2023-2024, cả nước có hơn 1,2 triệu giáo viên. So với năm học trước, số lượng giáo viên các cấp tăng thêm trên 17.200 giáo viên.
Đối với năm học 2024-2025, theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, do số học sinh tiếp tục tăng dẫn đến số lớp tăng. Cụ thể, mầm non tăng hơn 2.300 nhóm lớp, phổ thông tăng trên 7.100 lớp. Thực trạng này khiến tình trạng thiếu giáo viên tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương.
Tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu gần 113.500 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ tồn tại ở hầu hết địa phương, nhất là các môn: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT và các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp về hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, tôn vinh nhà giáo;
Đồng thời, tăng cường tuyển dụng số lượng biên chế giáo viên đã được cấp; thực hiện phân cấp quản lý một cách hợp lý, tăng quyền chủ động cho cơ sở để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và phát triển đội ngũ giáo viên hiệu quả, bền vững và chất lượng…
Trước thực trạng thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho phép địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế được tuyển dụng sinh viên/giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc cao đẳng có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, gồm: Lịch sử - Địa lý; Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật. Dự tính, số lượng được tuyển dụng theo đề xuất trên khoảng 10.000 giáo viên.
Trước đó, Bộ Chính trị đã giao bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026.