Cà Mau: Thời tiết cực đoan làm 3 người chết, gây thiệt hại 19 tỷ đồng

Trần Hiếu, Theo VOV 23:54 16/07/2018
Chia sẻ

Từ đầu năm đến nay, các hiện tượng thời tiết cực đoan ở Cà Mau đã làm 3 người chết, 4 người bị thương và 22 thuyền viên mất tích.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, thời tiết cực đoan đã làm hàng trăm nhà dân bị sập và tốc mái. Ngoài ra, nhiều phương tiện tàu thuyền khai thác trên biển cũng bị đánh chìm gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trước tình hình này, ngành chức năng địa phương đang tích cực vào cuộc triển khai các giải pháp phòng chống, hạn chế thiệt hại.

Cà Mau: Thời tiết cực đoan làm 3 người chết, gây thiệt hại 19 tỷ đồng - Ảnh 1.

Từ đầu năm đến nay, có hàng trăm nhà dân bị thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra ở Cà Mau.

Huyện Trần Văn Thời là một trong những địa phương vùng ven biển của tỉnh Cà Mau chịu ảnh hưởng nặng nhất từ các hiện tượng thời tiết cực đoan. Chỉ từ ngày 10 – 13/7 vừa qua, hiện tượng thời tiết mưa lớn kéo dài kèm theo lốc xoáy đã làm sập và tốc mái hơn 80 căn nhà của người dân nơi đây.

Gia đình anh Phạm Văn Lai (xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời) là một trong những hộ vừa trải qua giây phút thót tim vì cơn lốc xoáy mấy ngày trước. Anh Lai cho biết, khoảng 22h ngày 12/7, gia đình anh đã đi ngủ thì nghe bên sông gió rít mạnh. Anh nhanh chóng đánh thức các con dậy xuống gầm giường nằm thì cơn cuồng phong ập đến. Trong tích tắc, căn nhà gỗ lợp tôn của gia đình bị gió bẻ gãy mấy cây cột lật qua một bên. Mái tôn bị sức gió đưa đi cách xa khoảng 100m nằm ngổn ngang. Do chủ động trước nên vợ chồng anh và các con không bị thương nhưng chịu thiệt hại nặng về tài sản.

Gia đình bà Châu Thị Hiền ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh cũng chịu thiệt hại từ hiện tượng thời tiết cực đoan. Dù cơn dông làm sập căn nhà đã đi qua hơn một tháng nay nhưng khi nhắc đến, bà Hiền vẫn chưa hết bàng hoàng.

Theo lời bà Hiền, vào cuối tháng 5 vừa qua, khi trời vừa chuyển mưa thì gió mạnh cũng bắt đầu nổi lên. Chỉ vài phút sau, cơn dông rất mạnh kéo đến đã làm căn nhà của bà sập hoàn toàn. Rất may, khi đó bà ở nhà, nhanh chóng đưa các con tránh trú nên hậu quả đáng tiếc không xảy ra.

Không chỉ có gia đình bà Hiền, cơn dông này còn làm sập và tốc mái 32 căn nhà khác của người dân. Ngoài ra, nhiều diện tích hoa màu và cây ăn trái của bà con cũng bị hư hỏng, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Còn tại xã ven biển Khánh Hội, huyện U Minh, tổn thất do thời tiết cực đoan gây ra còn lớn hơn. Từ đầu năm đến nay, bên cạnh vấn đề nhà dân bị sập, tốc mái thì có 2 phương tiện đánh bắt của xã này bị sóng biển đánh chìm, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Đặc biệt, hiện tượng thời tiết cực đoan cũng đã cướp đi mạng sống của 1 ngư dân.

Cà Mau: Thời tiết cực đoan làm 3 người chết, gây thiệt hại 19 tỷ đồng - Ảnh 2.

Trước khó khăn của người dân, chính quyền địa phương đã có hỗ trợ bước đầu để bà con ổn định cuộc sống.

Ông Châu Minh Đảm, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hội cho biết, thực hiện tinh thần chỉ đạo của cấp trên, hiện nay, chính quyền xã thường xuyên cập nhật thông tin, chủ động các biện pháp để ứng phó với thời tiết bất thường. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trong đất liền và trên biển, chính quyền địa phương đang hướng dẫn bà con triển khai nhiều giải pháp.

“Xã vẫn thường xuyên họp để bổ sung, điều chỉnh các phương án, nắm rõ tình hình người dân sống ven đê biển Tây cũng như các phương tiện đánh bắt gần bờ để khi có tình huống xấu sẽ tạo điều kiện cho người dân đến nơi tránh trú an toàn. Trong công tác phòng tránh thiên tai, người dân cần chủ động chằng chống nhà cửa. Khi có sóng to, gió lớn, người dân phải chấp hành nghiêm túc công tác di dân khi cần thiết”, ông Đảm nói.

Theo số liệu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã làm 3 người chết, 4 người bị thương và 22 thuyền viên mất tích trên biển. Trong đất liền, hơn 350 căn nhà bị thiệt hại. Ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 19 tỷ đồng.

Trước tình hình này, ngành chức năng Cà Mau khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần phòng tránh, chủ động các biện pháp theo hướng dẫn của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Đặc biệt, đối với ngư dân đánh bắt trên biển và người dân sống ven biển thì càng phải cẩn trọng hơn với các hiện tượng thời tiết cực đoan để hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày