Trong phiên khai mạc hội đồng kinh tế khẩn cấp, Tổng thống Moon nhấn mạnh gói cứu trợ nói trên là "biện pháp tài chính đặc biệt khẩn cấp", "chưa từng có tiền lệ" nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cá nhân tự khởi nghiệp thoát khỏi nguy cơ phá sản, đồng thời làm giảm bớt lo ngại về mặt tài chính của các doanh nghiệp này trong bối cảnh gia tăng quan ngại về nguy cơ suy thoái toàn cầu.
12.000 tỷ won trong gói cứu trợ này sẽ được dành để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ, theo đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này vay tiền với lãi suất khoảng 1,5% từ tất cả các thể chế tài chính tại Hàn Quốc. Trong khi đó, 5.500 tỷ won dành để hỗ trợ chương trình cho vay bảo lãnh đặc biệt.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (thứ 2, phải) tại hội nghị bàn tròn về COVID-19, ngày 18/3/2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Tổng thống Moon nêu rõ "đây là một biện pháp toàn diện chưa từng có xét cả quy mô và nội dung, là chương trình bình ổn tài chính cho sinh kế của người dân". Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh "Tùy thuộc vào diễn biến tình hình, (chính phủ) sẽ mở rộng chương trình cứu trợ nếu cần thiết".
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Hàn Quốc cùng ngày ghi nhận số ca nhiễm mới tăng trở lại mức ba con số trong bối cảnh các cụm lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục xuất hiện ở thành phố Daegu cũng như ở thủ đô Seoul và các khu vực lân cận.
Số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy có 152 ca mắc COVID-19 mới ghi nhận trong ngày 18/3, nâng tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc lên 8.565 ca.
Số ca mắc mới này đã làm đảo ngược chu kỳ 4 ngày liên tiếp chỉ duy trì ở mức hai con số. Tuy nhiên, dù số ca nhiễm mới hằng ngày tăng trở lại mức ba con số như tuần trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 500 ca/ngày ghi nhận vào tuần đầu tháng 3.
Tốc độ lây nhiễm hằng ngày của virus SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc đã có dấu hiệu chậm lại kể từ tuần thứ hai của tháng này sau khi các cơ quan y tế sở tại hoàn thành đợt xét nghiệm rộng rãi đối với 210.000 tín đồ giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang. Tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc vẫn đang cảnh giác cao độ đối với các cụm lây nhiễm mới.
Cơ quan chức năng Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm tổng cộng 307.024 trường hợp nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 282.555 trường hợp cho kết quả âm tính. Tính đến ngày 19/3, Hàn Quốc đã chữa khỏi cho 1.947 bệnh nhân mắc COVID-19, tăng 407 so với một ngày trước đó và là số người được chữa khỏi trong một ngày lớn nhất từ trước đến nay. Số ca bình phục hằng ngày vượt số ca nhiễm mới hằng ngày ở Hàn Quốc được ghi nhận lần đầu tiên vào tuần trước kể từ ngày 20/1 khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở nước này.
* Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc cùng ngày công bố số liệu cho thấy lượng khẩu trang y tế xuất khẩu của nước này trong tháng 2 vừa qua đã tăng gần 23% so với cùng kỳ năm ngoái do bùng phát dịch COVID-19 trên toàn cầu, trong khi lượng hàng xuất khẩu này trong tháng 3 có thể giảm mạnh bởi lệnh cấm xuất khẩu.
Cũng theo Hiệp hội trên, tổng giá trị các đơn hàng dệt may xuất ra nước ngoài hồi tháng 2, trong đó có khẩu trang, đã đạt tới 157 triệu USD, tăng 6,85 triệu USD so với một năm trước đó, đồng thời cao hơn 2 lần so với 70 triệu USD ghi nhận trong tháng 1. Trung Quốc là thị trường lớn nhất nhập khẩu các mặt hàng trên của Hàn Quốc (86%).
* Cũng trong ngày 18/3, các tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu Hàn Quốc là Hyundai Motor và Kia Motors thông báo tạm ngừng mọi hoạt động tại các nhà máy lắp ráp ở Mỹ để phòng ngừa nguy cơ dịch COVID-19 lây lan nhanh sau khi đã tham vấn kỹ lưỡng với giới chức y tế sở tại.
Tuyên bố của Hyundai Motor nêu rõ tạm ngừng hoạt động nhà máy tại bang Alabama sau khi một trong số các nhân viên tại đây dương tính với virus SARS-CoV-2. Kia Motors quyết định tạm đóng cửa nhà xưởng tại bang Georgia do thiếu nguồn cung động cơ được lắp ráp và vận chuyển từ nhà máy Alabama của Hyundai Motor.