Bước vào thế giới hoang dã của vùng đất tâm linh Ladakh, Ấn Độ

Giang Châu, Theo VTV NEWS 21:55 14/09/2023
Chia sẻ

Với cảnh sắc thiên nhiên hoang dã và văn hóa độc đáo, Ladakh nằm trong top 50 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2023 do tạp chí Times bình chọn.

Ladakh có ý nghĩa là "đất đèo cao". Vùng đất này thuộc bang Jammu và Kashmir ở phía Bắc Ấn Độ. Nằm dưới chân dãy núi Himalaya hoang sơ và hùng vĩ, nơi đây có vô vàn những cảnh đẹp hữu tình và nét văn hóa mang đậm hơi hướng của Tây Tạng. Nếu bạn là người mộng mơ, đam mê xê dịch, muốn khám phá thiên nhiên hoang dã, Ladakh là điểm đến lý tưởng.

Du khách có thể bay từ Hà Nội hoặc Tp. Hồ Chí Minh đến Delhi (thời gian 4 - 5 giờ), sau đó nối chuyến tới sân bay Leh, Ladakh (thời gian 1 giờ 20 phút). Vì di chuyển nhiều, các điểm du lịch cách xa nhau, bạn nên dành ít nhất 7 ngày để trải nghiệm Ladakh, nếu có thời gian nên đi từ 9 - 14 ngày sẽ tận hưởng được trọn vẹn hơn.

Chinh phục đèo Khardung La cao nhất thế giới 

Bước vào thế giới hoang dã của vùng đất tâm linh Ladakh, Ấn Độ - Ảnh 1.

Du khách thích thú tận hưởng tuyết rơi

Gọi là "chinh phục" bởi quãng đường tới đây thực sự không dễ chút nào. Những đoạn đường đèo quanh co hay xóc nảy vì toàn đá sẽ khiến du khách say xe và mệt mỏi. Đặc biệt là trải nghiệm bị sốc độ cao khi lên tới đỉnh đèo ở độ cao hơn 5600 m so với mực nước biển. Càng lên cao không khí càng loãng, cộng thêm nhiệt độ xuống dưới 0 độ C sẽ làm khó bất kỳ ai muốn ra khỏi xe ô tô.

Thế nhưng du khách vẫn sẽ choáng ngợp và háo hức với những ngọn núi tuyết trắng ở một vùng đất mới mẻ hoang vu hùng vĩ. Nếu may mắn bạn sẽ gặp tuyết rơi và được đắm chìm trong một cảnh tượng mà trước đó có thể mới chỉ được nhìn ngắm qua những thước phim tài liệu.

Dù là một cung đường rất thử thách, nhưng đây vẫn là điểm đến đầy hấp dẫn với những ai mê tốc độ. Nhiều người chạy xe máy phiêu lưu từ khắp thế giới luôn xem đèo Khardung La là nơi đáng để thử thách tay lái của mình một lần trong đời.

Đi tiếp 120km, du khách sẽ bắt gặp màu xanh của những thảo nguyên ở Nubra - thung lũng trù phú nhất toàn vùng Ladakh với trung tâm là làng Diskit. Ở Nubra có rất nhiều homestay phục vụ cắm trại, đêm đến ngắm sao trời, và cũng có vài resort tiện nghi hơn cho du khách nào muốn nghỉ ngơi ở một căn phòng ấm áp.

Bên cạnh đó, các hoạt động cưỡi lạc đà, bắn cung giữa sa mạc cát mênh mông cũng là những trải nghiệm rất thú vị để cảm nhận được sự kỳ vĩ của thiên nhiên hoang dã.

Ngôi làng cổ tích TurTuk ở biên giới Ấn Độ - Pakistan 

Chỉ cách thung lũng Nubra 90km nhưng cần tới hơn 3 giờ đồng hồ để đến làng Turtuk. Đây là ngôi làng có vị trí địa lý đặc biệt sát biên giới Ấn Độ - Pakistan, được bao bọc bởi dãy núi Karakoram và dòng sông Shyok.

Khi đi sâu vào ngõ ngách của ngôi làng, cuộc sống của người dân dần hiện ra sinh động nhưng vẫn bình yên đến lạ. Du khách sẽ có cảm giác như đang lạc vào một câu chuyện cổ tích hay xứ sở thần tiên bởi từng nếp nhà, bức tường xếp bằng đá, các bộ trang phục nhiều màu sắc, những ông già râu tóc bạc phơ hay rất nhiều cây mơ sai trĩu quả. Đến Turtuk bạn đừng quên thưởng thức những trái mơ. Đây là đặc sản và cũng là nguồn thu nhập chính của người dân. Những trái mơ to, mọng nước, ngọt thơm, có hương vị khác biệt với mơ ở các khu vực khác. Đặc biệt mơ sấy khô rất tiện để du khách mua về làm quà.

Bạn cũng sẽ bất ngờ khi ở một nơi khô cằn, nắng gió như vậy mà vẫn có nhiều sắc hoa rực rỡ bung nở, và dường như bất kỳ người dân nào ở đây cũng yêu thiên nhiên, hoa cỏ. Những cánh đồng tam giác mạch còn khiến du khách Việt liên tưởng tới khu vực Lũng Cú, Hà Giang của Việt Nam.

Để đến được nơi này, bạn phải băng qua những con đèo quanh co khúc khủy của thung lũng Nubra với đủ loại địa hình, từ núi đá vôi khô cằn đến những vực sâu hun hút.

Nằm ở độ cao hơn 4.300 m, hồ Pangong Tso có diện tích khoảng 700 km2, dài 134 km từ Ấn Độ đến Khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc. Đây là một trong những hồ nước lớn nhất khu vực dãy Himalaya cũng như châu Á. Hồ Pangong Tso còn nổi tiếng với khả năng đổi màu theo thời tiết, từng thời điểm khác nhau trong ngày. Hồ rộng mênh mông với màu nước xanh ngắt, bao quanh là rặng tuyết sơn đã tạo nên một khung cảnh khiến du khách kinh ngạc, ngỡ đang ở nơi "tiên cảnh".

Hồ Pangong Tso và hồ Tso Moriri đẹp hơn tranh vẽ

Pangong có nguồn gốc từ tiếng Tây Tạng nghĩa là “hồ đồng cỏ cao”

Đến khu vực này, gió rất to và nhiệt độ xuống thấp nên bạn cần chuẩn bị áo ấm, khăn, mũ, găng tay, miếng dán giữ nhiệt để có thể qua đêm ở đây. Dù ở vị trí xa xôi hẻo lánh, nhưng nhiều homestay đã được xây dựng để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi của du khách. Những người làm du lịch cũng nỗ lực cung cấp những dịch vụ tiện ích nhất. Nước hoàn toàn được đun nóng từ năng lượng mặt trời nên du khách cần sử dụng tiết kiệm.

Đêm xuống, các nhóm khách quây quần đốt lửa trại, ngắm trời sao bao la và màu trắng mờ ảo của dãy Himalaya. Không có sóng điện thoại, không có internet, chỉ còn câu chuyện của những người bạn đường chung niềm đam mê khám phá thế giới.

Bước vào thế giới hoang dã của vùng đất tâm linh Ladakh, Ấn Độ - Ảnh 5.

Vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn của hồ Tso Moriri lúc hoàng hôn

Tso Moriri còn được gọi là Hồ trên núi, nằm ở vùng Changthang của Ladakh. Đây là hồ có độ cao cao nhất ở Ấn Độ. Tso Moriri có chiều dài khoảng 19 km, thuộc một phần của khu bảo tồn đất ngập nước thuộc khu Ramsar. Đây là khu Ramsar cao nhất trên thế giới. Một số lượng lớn các loài động thực vật quý hiếm được tìm thấy trong khu vực.

Màu nước xanh lam cùng cảnh vật xung quanh khiến cho hồ trở nên lãng mạn và ảo diệu. Nếu Pangong hung vĩ, sóng nước to thì Moriri lại êm ả, tĩnh lặng, khiến cho du khách chỉ biết ngẩn ngơ và thả hồn vào sự trầm mặc này.

Bước vào thế giới hoang dã của vùng đất tâm linh Ladakh, Ấn Độ - Ảnh 6.
Bước vào thế giới hoang dã của vùng đất tâm linh Ladakh, Ấn Độ - Ảnh 7.

Dạo quanh khu vực hồ Tso Moriri, bạn sẽ bắt gặp những đàn gia súc của người dân trên những thảo nguyên xanh. Mỗi chú ngựa được đeo một chiếc chuông khác nhau, khi di chuyển tạo ra âm thanh vô cùng sống động và hoang dã.

Các tu viện trên núi 

Các tu viện là những dấu son về một thời đã qua, đồng thời biểu lộ nét rực rỡ kiến ​​trúc của Ladakh và sức mạnh tinh thần của người dân nơi đây. Phật giáo là một trong hai tôn giáo chính của Ladakh và nó đã tạo cho Ladakh một di sản kiến ​​ trúc và văn hóa phong phú. Các tu viện và lễ hội hàng năm đóng vai trò như một thỏi nam châm thu hút cả người dân địa phương và du khách nước ngoài.

Hầu hết các tu viện đều tọa lạc tại những vị trí đẹp như tranh vẽ. Đặc biệt khi những công trình hùng vĩ này được xây dựng trên những ngọn núi cao khiến du khách không khỏi trầm trồ.

Những lá cờ Lungta là hình ảnh đặc trưng khi đến Tây Tạng, Nepal, Bhutan và cả Ladakh. Lá cờ có 5 màu, tượng trưng cho các yếu tố của tự nhiên như nước, khí, trời, lửa và đất. Người dân nơi đây tin rằng, khi gió thổi đến cũng sẽ lan toả lời cầu nguyện ghi trên những lá cờ. Trong khi đó, ngôn ngữ của từng “Mộ đá” thì không chỉ là lời nguyện cầu, mà còn chứa đựng cả lòng biết ơn đối với những đấng thần linh.

Đường đi đến Ladakh rất hiểm trở và khắc nghiệt nên bạn cần chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc, trang phục phù hợp. Thời gian lý tưởng để tham quan là từ đầu tháng 5 đến tầm cuối tháng 9. Thời gian còn lại, tuyết phủ khắp nơi, thời tiết rất lạnh và rất khó để có thể di chuyển.

Hành trình bước vào thế giới hoang dã mở ra rất nhiều điều mới mẻ và kỳ diệu của tạo hóa. Những văn hóa bản địa khác biệt, những ánh mặt trong trẻo, nụ cười hồn hậu của người dân sẽ khiến du khách mỉm cười mỗi khi nhớ về. "Cái gì cũng có giá của nó", để đến được những nơi tuyệt đẹp thì cũng cần đôi chân khỏe khoắn và một trái tim dũng cảm.

Những điều đẹp đẽ đáng nhớ ở chợ Leh Ladakh


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày