Tự giải quyết rắc rối
Trong kỳ học đầu tiên, bạn có thể gặp vô vàn các rắc rối xung quanh việc học tập và sinh hoạt tại phòng trọ. Bạn bắt đầu hoảng sợ và không biết xử lý như thế nào, cuộc sống tự lập của bạn chính thức bắt đầu. Điều này thường xảy đến với tất cả tân sinh viên vậy nên đừng quá lo lắng về điều đó và hãy tin rằng bạn có khả năng giải quyết tất cả những rắc rối. Hãy bình tĩnh xử lý từng việc một, và có thể tham khảo ý kiến những người xung quanh hoặc các anh chị khóa trên. Tự mình giải quyết vấn đề bạn sẽ dần trở nên tự tin và trưởng thành hơn đấy!
Sử dụng các dịch vụ sinh viên
Hầu hết, hiện nay các trường đại học đều có đầy đủ những dịch vụ cho sinh viên và bạn không phải trả phí cho những dịch vụ này. Hãy sử dụng một cách hiệu quả những dịch vụ này như: thư viện, phòng internet… cho các mục đích nghiên cứu. Ở một số trường, sẽ có các dịch vụ tư vấn nghề nghiệp, dịch vụ tư vấn tâm lý và dịch vụ y tế.
Thực tế cho thấy, trong năm đầu tiên của thời sinh viên bạn có thể gặp những khó khăn nhất định bởi vì có những sự thay đổi lớn trong lối sống. Những người tư vấn cho bạn có thể là những chuyên gia trong lĩnh vực của họ hay đơn giản là những con người từng trải có nhiều kinh nghiệm nhưng họ đều có thể giúp bạn trong phạm vi có thể.
Chi tiêu hợp lý
Bắt đầu cuộc sống Đại học, vấn đề chi tiêu của bạn vẫn do bố mẹ phụ cấp, tuy nhiên bạn sẽ thật sự làm chủ những khoản tiêu đấy. Vấn đề các sinh viên năm 1 thường gặp phải đó là chi tiêu không có kế hoạch dẫn đến việc cuối tháng "ăn mì tôm". Đặc biệt là các bạn gái, hay bị hấp dẫn bởi những bộ quần áo, phụ kiện… Vậy nên, hãy ghi chép các khoản tiền vào một cuốn sổ để có thể cân bằng chi tiêu hợp lý nhé. Bạn cũng có thể tiết kiệm chi phí trong các vấn đề chi tiêu như mua các giáo trình cũ, ở kí túc xá… Hoặc bạn cũng có thể tìm một công việc bán thời gian hợp lý như gia sư chẳng hạn để tăng thêm thu nhập cho mình.
Điện thoại về nhà
Các bậc phụ huynh thường lo lắng khi con cái đi học xa. Hãy gọi điện cho cha mẹ ít nhất một lần một tuần, hoặc gửi cho họ một e-mail. Điều này, giúp các bậc cha mẹ yên tâm hơn rất nhiều, nó cho biết bạn vẫn ổn. Nếu bạn là sinh viên năm 2,4 mọi thứ sẽ khác, nhưng vì đây là năm đầu tiên bạn bắt đầu một cuộc sống xa nhà nên cha mẹ thật sự rất lo lắng. Họ không biết bạn ăn uống, học hành ra sao… Vậy nên, hãy thường xuyên liên lạc với gia đình nhé các tân sinh viên!
Cho bạn cùng phòng biết về tiền sử bệnh tật
Nếu bạn có tiểu sử về một bệnh gì đấy: tim, huyết áp cao/thấp…, hãy cho những người sống với bạn biết về nó – đây là điều rất cần thiết. Để những trường hợp khẩn cấp do căn bệnh gây nên, họ biết mình cần làm gì. Tránh tình trạng, người cùng phòng không biết gì về những vấn đề này, có thể gây nên những tình huống xấu không thể lường trước được.
Tham gia các hoạt động ngoại khóa
Một số người có thể dễ dàng hòa nhập với bạn bè mới, nhưng một số khác lại không. Thực tế cho thấy, nhiều bạn cảm thấy cô đơn trong năm học đầu tiên. Vậy nên, nếu sắp xếp được thời gian hãy tham gia vào các hoạt động ngoại khóa. Nó giúp bạn tự tin hòa nhập vào môi trường sống mới, trở nên năng động hơn và có thêm những kĩ năng mềm cần thiết. Đồng thời, qua các hoạt động ngoại khóa bạn có thể mở rộng các mối quan hệ và thể hiện được bản thân mình với mọi người. Hãy để cuộc sống sinh viên của bạn trở nên ý nghĩa hơn bằng cách tham gia những hoạt động tập thể cùng bạn bè nhé!