Bùng nổ xu hướng 'người Mỹ dùng hàng Mỹ, người Trung Quốc dùng hàng Trung Quốc' vì Covid-19

Duy Thắng, Theo Tổ Quốc 17:40 21/05/2020
Chia sẻ

Khảo sát gần đây cho thấy 41% người Mỹ sẽ không mua sản phẩm “Made in China” và ngược lại 35% người Trung Quốc từ chối sử dụng sản phẩm “Made in USA”.

Đại dịch Covid-19 đang thổi bùng việc tẩy chay hàng hóa của người tiêu dùng ở Trung Quốc và Hoa Kỳ đối với từng sản phẩm của quốc gia còn lại. Đây được xem là động lực thúc đẩy của chính phủ hai bên nhằm tách rời hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Apjit Walia, nhà phân tích tại Deutsche Bank nhận định kết quả khảo sát cho thấy mặc dù hầu hết người tiêu dùng ở hai nước chưa hoàn toàn tẩy chay hàng hóa của nước còn lại, chúng ta có thể thấy chủ nghĩa dân tộc trong thương mại ở người tiêu dùng bắt đầu tăng lên và người dân bắt đầu không ưa dùng hàng hóa của nước còn lại sau khi hai bên đối đầu mạnh mẽ hơn từ sau cuộc khủng hoảng virus corona.

Việc người tiêu dùng Mỹ không tin tưởng về các sản phẩm Trung Quốc bị ảnh hưởng và thúc đẩy bởi chính các quan chức Mỹ, đặc biệt là Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Hoa Kỳ đổ lỗi cho Trung Quốc gây ra đại dịch và liên tục khiến mọi người nghi ngờ về Bắc Kinh.

Cuộc bầu cử tổng thống mới ở Hoa Kỳ sẽ diễn ra trong khoảng sáu tháng tới nên ông Trump có thể sẽ luôn hướng mũi dùi vào Trung Quốc trong các cuộc thảo luận của mình để khiến mọi người không đề cập đến việc kiểm soát và xử lý dịch bệnh của ông cũng như các thiệt hại kinh tế mà nó gây ra.

Bùng nổ xu hướng người Mỹ dùng hàng Mỹ, người Trung Quốc dùng hàng Trung Quốc vì Covid-19 - Ảnh 1.

Đại dịch Covid-19 đang thổi bùng việc tẩy chay hàng hóa của người tiêu dùng ở Trung Quốc và Hoa Kỳ đối với từng sản phẩm của quốc gia còn lại.

Ông Walia nói: “Những chính trị gia hiểu rõ tâm lý của người dân hiện nay và biết cách thao túng nó, điều này có thể khiến cuộc bầu cử ở Mỹ năm nay trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.”

Ở cuộc khảo sát khác do FTI Consulting có trụ sở tại Washington thực hiện, 78% số người được hỏi cho biết họ sẽ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho một sản phẩm bất kỳ nếu công ty này đồng ý chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Trong số những người Mỹ được khảo sát, 55% cho biết họ không nghĩ Trung Quốc sẽ thực hiện đúng những cam kết được ký với Mỹ trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào tháng 1.

Trung Quốc nắm bắt thời cơ để toàn cầu hóa và thương mại đa phương kể từ khi được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001. Đây là công cụ giúp hàng tỷ công dân thoát khỏi đói nghèo và giúp đất nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Lao động giá rẻ dồi dào và cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới đã giúp Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới. Người tiêu dùng Mỹ cũng được hưởng lợi từ việc sản xuất hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc.

Nhưng chi phí nội địa gia tăng và cuộc chiến thương mại kéo dài hai năm với Mỹ bắt đầu làm lung lay vị thế của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu trước cả khi đại dịch virus corona diễn ra. Các nước khác lo ngại về sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, đặc biệt là về vấn đề sản xuất các thiết bị y tế, dược phẩm và công nghệ.

Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực từ các cổ đông, cơ quan quản lý và chính phủ trong việc nội địa hóa chuỗi cung ứng và khiến họ trở nên kiên cường hơn trước những cú sốc trong tương lai, các nhà phân tích cho biết.

Bùng nổ xu hướng người Mỹ dùng hàng Mỹ, người Trung Quốc dùng hàng Trung Quốc vì Covid-19 - Ảnh 2.

Cuộc bầu cử tổng thống mới ở Hoa Kỳ sẽ diễn ra trong khoảng sáu tháng tới nên ông Trump có thể sẽ luôn hướng mũi dùi vào Trung Quốc.

Ông Marie Owens Thomsen, người đứng đầu của Indosuez Wealth Management cho biết: “Trung Quốc trỗi dậy một cách khó hiểu và mạnh mẽ, điều này khiến các quốc gia phương Tây lo lắng đặc biệt khi thấy địa vị đất nước mình trong nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái.”

Trung Quốc trở thành “một động cơ” kém cho tăng trưởng toàn cầu trong thập kỷ qua, việc tăng trưởng hỗn hợp của nó dần chuyển sang tập trung tiêu dùng trong nước. Chính chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ khiến người tiêu dùng Trung Quốc ưa thích và chủ yếu sử dụng hàng hóa nội địa.

Sulmaan Khan, giáo sư lịch sử quốc tế và quan hệ đối ngoại Trung Quốc tại Trường Fletcher của Đại học Tufts, nhận định chính sách có phần bảo thủ của Trung Quốc trong ngoại giao thậm chí được đưa vào trong thương mại, điều này làm mất niềm tin đối với các doanh nghiệp.

Ông Khan cho rằng việc chính phủ Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc có thể là con dao hai lưỡi, rất nguy hiểm và có thể phản tác dụng ban đầu.

“Chủ nghĩa dân tộc rất nguy hiểm vì bạn không thể khiến nó dừng lại một khi bạn nhồi nhét chúng vào suy nghĩ của người dân. Vấn đề quan trọng là bạn thường không biết khi nào phản ứng tiêu cực sẽ xảy ra cho đến khi quá muộn.”, ông Khan nói.

Theo SCMP

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày