Một trong những tình huống quen thuộc mà trẻ thường xuyên gặp phải khi đi học chính là mất đồ dùng học tập, nhất là học sinh mới vào lớp 1. Bởi vậy mới có chuyện, một cô giáo dạy lớp 1 từng viết tâm thư gửi phụ huynh có con vào lớp 1 với nội dung vô cùng hài hước nhận hàng ngàn lượt yêu thích.
Trong đó có đoạn: "Về bút chì: Cứ mua luôn 1.000 cái đi, vì đằng nào ra chơi vào chẳng không tìm thấy bút. Hoặc là bị gãy hoặc là bị cùn hoặc là kẹp vào quyển nào chả nhớ. Mỗi ngày 5 cái bút là vừa rồi. Đến lúc viết bút mực, mua tầm 500 cái thôi. Sáng vài chiếc, chiều vài chiếc là khéo khẹo. Bút mực tiện ghê, không cần vót, cùng lắm là tụt ngòi, tẽ ngòi và bay đâu mất lưỡi gà với ống mực thôi.
Về mực: Mua khoảng 2 lít, à hẳn 20 lít đi. Các con còn nhuộm quần nhuộm áo mũ miễng các kiểu... của mình và của các bạn láng giềng. Rồi còn nhuộm tay chân, môi răng mặt mũi... nhuộm bàn, nhuộm ghế, nhuộm tường, nhuộm sách nhuộm vở... thật là trăm công ngàn việc đều cần mực".
Mới đây, một bà mẹ cũng "khoe" việc sắm đồ dùng học tập cho con chính thức vào lớp 1 trong hội nhóm dành cho phụ huynh khiến nhiều người vừa buồn cười vừa đồng cảm. Rút kinh nghiệm, để đỡ tốn thời gian, thay vì mua lẻ tẻ, bà mẹ này cho biết đã mua "sỉ" cả lố. Thước tẩy, viết chì chục cái, màu 3 hộp, hộp bút 3 cái.
Ảnh: K.T
Dù đã "lo xa" như thế nhưng theo nhiều phụ huynh, chừng đó cũng chưa "xi nhê" gì. "Bút chì và gôm mình có thể tính số lượng bằng hộp nhé, chứ tính cái thì không khả thi. Và không nên cho mang theo đồ chuốt nhé, rất hao bút chì vì các bé có đam mê chuốt dù viết không bao nhiêu. Mua hẳn đồ chuốt có trục xoay để ở nhà dùng là được", một người chia sẻ.
Học sinh lớp 1 vẫn còn quá nhỏ nên chưa ý thức được việc bảo vệ đồ đạc, tài sản cũng như cách thức xử lý khi phát hiện mất đồ. Nếu cha mẹ luôn lớn tiếng mắng mỏ, dọa nạt, thậm chí đánh đập, trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi. Lần sau mất đồ cũng sẽ không dám nói. Rồi những chuyện nghiêm trọng hơn sẽ xảy ra, chẳng hạn như ăn trộm của bạn cùng lớp...
Cha mẹ nên hướng dẫn con hình thành ý thức "thứ này là của mình, người khác không được tùy tiện lấy". Nói với trẻ "chiếc bút chì này là của con, con là chủ nhân của nó, phải bảo vệ thật tốt".
Bạn cũng có thể để con đánh dấu đồ vật, chẳng hạn như viết tên của mình lên đồ dùng để trẻ thiết lập mối quan hệ với món đồ của mình, đó chính là mầm mống nhận thức trách nhiệm. Hoặc đưa con cùng đi lựa đồ dùng học tập. Nếu đồ con thích thì sẽ có ý thức giữ gìn hơn.
Bạn cũng có thể thảo luận trước với con rằng con cần phải trả tiền cho những văn phòng phẩm bị mất bằng tiền túi của mình. Đó có thể là những khoản tiền tiêu vặt hoặc tiền tiết kiệm dịp Tết, sinh nhật con được tặng.
Tuy nhiên, những biện pháp phía trên chỉ đều mang tính tạm thời, còn về lâu về dài, việc bố mẹ cần làm là rèn cho trẻ tính cẩn thận. Sau khi có con, cuộc sống tất yếu sẽ trở nên bận rộn đôi chút, nhưng cha mẹ nên có ý thức giữ gìn môi trường gia đình sạch sẽ, ngăn nắp, hình thành thói quen tốt khi sử dụng xong cất đồ vào chỗ cũ, làm gương cho con cái.
Nếu bố mẹ muốn trau dồi khả năng tự chăm sóc bản thân cho con, có thể bắt đầu bằng việc hướng dẫn con dọn dẹp phòng. Ví dụ, chỉ cần thu dọn đồ chơi và bàn học mỗi tối, đặt những thứ đã sử dụng trở lại vị trí ban đầu để giữ cho căn phòng ngăn nắp; đặt vở bài tập đã làm vào cặp sách và chuẩn bị đồ dùng cần thiết cho ngày mai đi học.
Mỗi ngày trẻ đi học về, bố mẹ kiểm tra thấy bé không bị mất đồ dùng học tập thì đừng tiếc lời khen cho con. Khi trẻ làm mất đồ cũng cố gắng kiềm chế cơn cáu giận mà thay vào đó là những lời nhẹ nhàng hơn. Chẳng hạn như: "Bố/ mẹ lo quá chắc sắp hết tiền mua đồ dùng học tập cho con rồi" hay "Mẹ định mua cho con cây bút hình siêu nhân/ công chúa nhưng vì con làm mất nhiều quá nên giờ chỉ đủ tiền mua cho con cây bút thường thôi". Những câu nói có tính mưa dầm thấm lâu này sẽ có tác dụng thay đổi trẻ nhiều hơn là sự quát nạt.