"Bóng đá Việt Nam? Chà, về mặt kỹ thuật nó không quá cao siêu, mà thiên về thể lực nhiều hơn khiến tôi liên tưởng đến Jupiler League (giải VĐQG Bỉ). Trước trận trông ai cũng thân thiện, nhưng khi vào trận, cùi chỏ, những cú đá, tất cả đều được sử dụng để hạ gục đối phương. Vì vậy chúng tôi phải tập luyện chăm chỉ dưới cái nóng cháy da và độ ẩm cao", Danny van Bakel nói.
Vậy việc tập luyện ở Việt Nam ra sao? Theo hậu vệ người Hà Lan, phương pháp huấn luyện ở xứ sở này khá lạc hậu và có lẽ được thiết kế "từ… trước chiến tranh". Nó càng khắc nghiệt hơn bởi thời gian dài trước đó, anh đã quen với việc tập luyện hời hợt ở Dijkse Boys, nơi anh dành thời gian cho các quán bar nhiều hơn là sân tập.
"Tại Việt Nam tụi tôi hiếm khi tập cùng bóng. Thay vào đó, phải nhảy cóc qua các bậc thang sân vận động cùng túi cát sau lưng, sau đó bước vào phòng thể lực với các thiết bị cổ lỗ từ thời Lý Tiểu Long", Van Bakel nói, "Hồi ở Thanh Hóa dưới sự chỉ đạo của HLV Lê Thụy Hải, chúng tôi tập 6 ngày mỗi tuần và 2 phiên mỗi ngày, bao gồm các bài chạy marathon vào buổi sáng, nhảy cóc và lên xuống cầu thang vào buổi chiều".
"Chúng tôi còn chẳng có thời gian để thở, và quá trình này càng trở nên căng thẳng khi vào giải và trước các trận đấu khiến ai cũng có nguy cơ chấn thương. Ông ta (HLV Lê Thụy Hải) sẵn sàng đối đầu với bất cứ ai dám ý kiến. Tệ hơn, ông luôn cho rằng những cầu thủ nước ngoài kém cỏi hơn cầu thủ Việt. Một đồng đội người Brazil đã gọi điện về cho vợ và khóc mỗi ngày, trong khi những người khác nói rằng họ rụng tóc vì căng thẳng".
Thời gian đầu, Van Bakel cho biết, anh ở dưới cùng của hệ thống phân cấp trong đội bóng, và ai cũng có thể lên mặt dạy dỗ. "Tôi không chỉ nhận được những chỉ dẫn liên tục từ đồng đội, mà còn từ huấn luyện viên thủ môn và thậm chí từ hậu vệ trái ngồi dự bị. Mọi điều tôi làm đều trở thành sai lầm trong mắt họ, để họ không khi nào hài lòng".
Khi tôi dứt điểm, họ cho rằng tôi phải chuyền. Nếu tôi bắt đầu tăng tốc, họ lại nghĩ tôi nên thong thả thôi. Nhưng khi tôi đi thong thả, họ lại nói tôi nên tăng tốc. Cho đến một hôm tôi hết chịu nổi và phát điên lên, hét: "Mẹ kiếp! Im mồm đi! Vậy là tốt lắm rồi!".
Lại có chuyện như thế này, một ngày nọ HLV thủ môn đột nhiên cấm Van Bakel uống nước sau buổi tập. Điều này thật vô lý và anh đã không làm theo. Với dáng vẻ giận dữ, ông ta lao đến và giật chai nước khỏi tay Van Bakel. "Bỏ ra không ông sẽ ăn đòn", anh cự lại. Ông ta không nghe, để rồi nhận một cú trời giáng. Trong đau đớn, ông ta lùi về chỗ của mình và ngồi xuống.
"Vậy là hết", Van Bakel nghĩ, "Ở Hà Lan, một cầu thủ sẽ bị tống cổ ra đường nếu tấn công HLV". Thế nhưng chẳng có án phạt nào xảy ra vào hôm sau. Kỳ lạ hơn, vị HLV thủ môn kia bỗng trở nên ngọt ngào và mang một chai nước đến cho anh.
Sự khắc nghiệt và vô lý của các HLV cũng dẫn Van Bakel tới một cuộc chiến với ông Lê Thụy Hải.
"Một hôm trên sân tập tôi bước ra ngoài để khởi động, vì những cơn đau ở cơ bắp đã không còn làm phiền tôi. Ông ta tức giận khi nhìn thấy và đuổi tôi ra ngoài. Tôi nhất quyết không nghe. Ông ấy lại yêu cầu tôi phải xin lỗi. Nhưng tôi không làm gì sai để phải xin lỗi. Thế là ông ấy nói rằng tôi sẽ không còn được thi đấu".
Đến trận đấu với Cần Thơ trên sân nhà, Thanh Hóa bị dẫn 1-2 và 14 ngàn người hâm mộ liên tục gọi tên tôi, yêu cầu tôi phải được vào sân. Tôi cố tình ra đường pitch, bật nhảy và chạy nước rút. Trông thấy thế, họ càng điên tiết và la ó nhiều hơn.
Đến phút 88, còn một quyền thay người cuối cùng, ông Hải vẫn lờ tôi và gọi một cầu thủ người Việt đến. Khán giả giận dữ ném chai lọ vào ông ấy và hét "Bakel, Bakel, Bakel!". Ông chủ CLB ngồi trên khán đài và chứng kiến tất cả. Bình thường ông ấy chỉ hút thuốc và không nói gì. Nhưng lần này, ông đã chán ngấy và tiến lại, nói với HLV: "Để Van Bakel vào!".
Ông Hải miễn cưỡng cho tôi vào. Trong các phút cuối, chúng tôi ngược dòng thắng 3-2, và tôi góp công ở bàn quyết định. Điều quan trọng nhất là tôi đã giành chiến thắng trước HLV. 2 tuần sau, ông ta bị sa thải. Gặp tôi vào sáng hôm đó, ông chủ giơ ngón tay cái với tôi. Vậy là tôi hiểu".
Van Bakel cũng nhận thấy một điều, hối lộ đóng vai trò quan trọng trong bóng đá Việt Nam. "Tôi đã từng chứng kiến ông chủ của một trong những đội bóng tôi khoác áo đưa phong bì cho trọng tài. Cả hai đều sốc khi thấy tôi. "À, chỉ là món quà năm mới thôi mà", ông chủ của tôi nói.
Thật ra thì ai chả biết đó là gì. Các trọng tài bị mua chuộc. Kinh nghiệm dạy tôi rằng, trong các trận trên sân khách, đừng dại mà chạm vào đối thủ, bởi nó sẽ dẫn tới một quả phạt đền.
Hồi chơi cho Đồng Nai, tôi đối đầu với đội bóng cũ Bình Dương. Vài ngày trước trận đấu, thông dịch viên của Bình Dương hẹn gặp tôi. Tôi đã nghĩ, phải chăng họ muốn tôi quay trở lại? Rồi tôi gặp anh ta trong một khách sạn. Anh ấy kéo chiếc mũ sụp xuống tận mắt và đưa cho tôi một phong bì.
"Trong tương lai, tôi muốn cộng tác với cậu như một tay môi giới cầu thủ", anh ta nói. Tôi không muốn nhận tiền, nhưng anh ta khăng khăng bắt tôi cầm lấy. Tôi có cảm giác không hay lắm. Và đến sát trận đấu, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi từ Bình Dương. Họ nói đó là một phần của số tiền thưởng. Nếu kiếm nhiều hơn, tôi chỉ cần đá lỏng chân. Tôi rất tức giận và dập máy. Sau đó thì đội của tôi giành chiến thắng. Thật may là tôi không còn nghe cuộc gọi nào từ họ nữa. Nhưng tôi biết, cứ mỗi cuối tuần sẽ có những cầu thủ khác nhận được những khoản tiền như vậy.
Tuy nhiên với Van Bakel, chơi bóng tại Việt Nam nhiều niềm vui hơn là sự bực bội. Trước đây anh chỉ chơi bán chuyên trên những sân vận động nhỏ vài trăm khán giả. Giờ thì trên khán đài có hàng chục ngàn người cuồng nhiệt chứng kiến, lại được vây quanh bởi rất nhiều camera.
Và anh cũng thấy tên mình được giương lên trên khán đài, rồi sau trận đấu luôn có khoảng 1 ngàn rưỡi đến 2 ngàn người xếp hàng chờ đợi xin chữ ký. Đó là những trải nghiệm mà anh chưa bao giờ có trong quá khứ, và sẽ không bao giờ quên trong tương lai.