Sau thế hệ vàng của Kiatisak khi 2 lần liên tiếp lọt vào bán kết Asiad (1998-2002), thì cứ mỗi khi các kỳ World Cup đến, người Thái lại khơi dậy giấc mơ được tham dự đấu trường này. Hơn chục năm qua, giấc mơ chưa bao giờ phai nhạt, bất chấp việc rất nhiều lần họ thất bại.
Sau 2 trận thua thể hiện rõ đẳng cấp còn chênh lệch với những đội bóng hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Saudi Arabia, có thể nói chuyện Thái Lan tranh suất dự World Cup 2018 gần như là "người si, nói mộng". Nhưng chắc chắn ngay cả khi Thái Lan kết thúc vòng loại thứ 3 World Cup 2018 với thành tích toàn thua đi chăng nữa, thì điều ấy chỉ càng tiếp thêm động lực cho bóng đá xứ chùa vàng đầu tư mạnh mẽ hơn để tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ của mình.
Giấc mơ 10 năm của người Thái
Cách đây 10 năm, trong dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Liên đoàn bóng đá Thái Lan, người Thái đã tuyên bố lên kế hoạch để có thể giành suất dự VCK World Cup 2010 ở Nam Phi. Trong kế hoạch ấy, họ cử những cầu thủ trẻ sang Anh để học tập, cùng với việc mời về những HLV hàng đầu thế giới về dẫn dắt. Lần lượt những HLV từng dẫn dắt ở giải Ngoại hạng Anh như Peter Reid, Bryan Robson được trả lương hậu hĩnh để thực hiện giấc mơ của Thái Lan.
Nhưng giấc mơ ấy thất bại trong trứng nước, Thái Lan không chỉ bị loại ngay từ "vòng gửi xe", mà ở đấu trường khu vực, đấy là giai đoạn họ thua trận trước Việt Nam và Singapore trong các trận đấu chung kết ở AFF Cup.
Kế hoạch dự World Cup 2010 của Thái Lan thất bại toàn diện, bóng đá Thái rơi vào giai đoạn khủng hoảng, ĐTQG không những sớm bị loại mỗi khi ra trận ở đấu trường châu Á mà ngay cả ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan cũng phải trải qua 10 năm không vô địch AFF Cup bất chấp họ đổ rất nhiều tiền vào đầu tư.
Bỏ rất nhiều tiền để chiêu mộ HLV nổi tiếng Bryan Robson nhưng đây là giai đoạn thất bại của bóng đá Thái Lan.
Nhưng người Thái không bao giờ đánh mất niềm tin, những thất bại cay đắng ấy càng khiến họ đầu tư vào bóng đá nhiều hơn. Những kế hoạch hợp tác hàng tỷ đô la của các ông bầu người Thái ra nước ngoài đặc biệt là giải Ngoại hạng Anh mang theo tham vọng ấy.
Các cầu thủ trẻ được tập luyện ở những nền bóng đá hàng đầu, giải Thai League cũng được xây dựng theo mô hình của Ngoại hạng Anh. Những cầu thủ giỏi trên thế giới được mời sang Thái thi đấu, thu nhập của các cầu thủ cũng tăng lên chóng mặt.
4 năm sau thất bại từ vòng loại World Cup, vòng loại châu Á cho đến Đông Nam Á, bóng đá Thái Lan đã sản sinh ra một thế hệ trẻ tài năng từ kế hoạch đào tạo trẻ bài bản mà họ đã đầu tư, để rồi tại Asiad 2014, họ có mặt ở bán kết sau 12 năm, đồng thời vô địch AFF Cup cũng sau 12 năm chờ đợi.
Hàng tỷ USD cho giấc mơ World Cup
Khi thầy trò HLV Kiatisak góp mặt ở vòng loại thứ 3 World Cup 2018 thì người Thái lại nhắc đến giấc mơ này, nhưng họ thừa hiểu khả năng của mình đến đâu. Vòng loại World Cup với người Thái là nơi để họ tiếp tục với mục tiêu nâng tầm đẳng cấp bóng đá của mình.
Mục tiêu World Cup được trình lên Bộ Văn Hóa, Thể Thao Thái Lan là một kế hoạch công phu hướng đến năm 2026 chứ không phải bây giờ. Trong đó, người Thái đặt mọi kỳ vọng vào lứa cầu thủ U16 đang được đào tạo cơ bản ở CLB Leicester City. Kế hoạch tuyển chọn những cầu thủ trẻ tài năng để nâng tầm đẳng cấp cũng tiêu tốn 22 triệu USD cho mục tiêu kể trên.
Ông chủ của CLB Leicester nằm trong kế hoạch hướng đến giấc mơ World Cup của bóng đá Thái Lan.
Cũng cần nhắc lại rằng, không phải bỗng dưng mà việc Leicester City vô địch ngoại hạng Anh mà hàng triệu người Thái đổ ra đường ăn mừng, với họ đấy không đơn thuần là đội bóng của ông bầu người Thái, mà tất cả đều nằm trong kế hoạch phát triển bóng đá Thái Lan vươn tầm thế giới, trong đó việc sở hữu 1 CLB giải ngoại hạng Anh mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống đào tạo trẻ của bóng đá nơi đây.
Không chỉ dừng lại ở việc kết hợp với các doanh nghiệp lớn sở hữu những CLB ở các giải đấu hàng đầu châu Âu, công tác đào tạo trẻ của bóng đá Thái Lan cũng hướng đến sự đồng bộ từ ngay ở trong nước. Các CLB của Thái xây dựng lên rất nhiều các học viện đào tạo quy chuẩn quốc tế. Tất cả các tuyến, từ ĐTQG cho đến đội trẻ, đều sẽ thi đấu theo cùng một phong cách để đảm bảo tính thông suốt, duy trì bản sắc cho đội tuyển.
Những Chanathip trưởng thành hơn rất nhiều khi thường xuyên được thi đấu với các CLB hàng đầu thế giới.
Nâng đẳng cấp của ĐTQG
Nói gì thì nói, đào tạo trẻ vẫn là câu chuyện tương lai, nhưng chất lượng ĐTQG mới chính là động lực lớn để làm đòn bẩy cho các cầu thủ trẻ có động lực. Người Thái cố gắng nâng tầm đẳng cấp ĐTQG của họ bằng cách nâng tầm Thai League và phối hợp đồng bộ với các CLB cùng với kế hoạch của đội tuyển.
HLV Kiatisak nhận được sự hậu thuẫn từ các CLB trong các kế hoạch phát triển đội tuyển của mình.
Nếu như trong kế hoạch của ĐT Việt Nam hay các quốc gia Đông Nam Á khác chỉ tập trung mỗi khi AFF Cup hoặc SEA Games khởi tranh thì ĐTQG của Thái Lan chú trọng đến lịch thi đấu của FIFA. Những ngày "FIFA Day" là thời gian ĐTQG Thái Lan hội quân để thi đấu giao hữu cọ xát với các đội bóng mạnh, điều này cũng giúp phần tích điểm trên bảng xếp hạng FIFA cũng như nâng tầm chất lượng của đội tuyển.
Ngoài ra, kế hoạch nhập tịch cầu thủ cũng được nhắc đến và thực tế những Trista Đỗ hay Charyl Chappui đều đang là trụ cột của ĐTQG Thái Lan lúc này đã cho thấy điều đó. Giấc mơ World Cup với người Thái bây giờ có lẽ vẫn rất xa vời, nhưng điều quan trọng họ dám nghĩ, dám làm và không bao giờ từ bỏ niềm tin, bất kể thất bại.