Boeing tiếp tục vướng bê bối: Đưa thành công phi hành gia NASA tới Trạm vũ trụ nhưng hiện... chưa thể đưa quay về Trái Đất

Vũ Anh, Theo An Ninh Tiền Tệ 14:32 20/06/2024
Chia sẻ

Boeing thành công đưa các phi hành gia NASA tới Trạm vũ trụ quốc tế ISS, song nỗ lực đưa họ quay trở về Trái đất đang gặp trở ngại.

Sau nhiều tuần trì hoãn, Boeing đã thành công đưa các phi hành gia NASA tới Trạm vũ trụ quốc tế ISS. Tuy nhiên, nỗ lực đưa họ quay trở về Trái đất đang gặp trở ngại, theo WSJ.

Vấn đề nằm ở việc rò rỉ khí heli trong hệ thống động cơ đẩy. Một số bộ đẩy được sử dụng để điều khiển phương tiện cũng không ổn.

Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia, các phi hành gia có thể sẽ trở lại Trái đất vào ngày 26/6, tức ở trong không gian khoảng 20 ngày, nhiều hơn gấp đôi so với 8 ngày dự kiến. Hiện NASA và Boeing đang cố gắng khắc phục vấn đề trước khi cho phép tàu Starliner rời khỏi trạm.

Steve Stich, giám đốc chương trình của NASA, cho biết hôm thứ Ba: “Chúng tôi đang dành thêm một chút thời gian để giải quyết vấn đề. Chúng tôi đảm bảo rằng mình có sẵn đầy đủ tất cả các kế hoạch để đưa phi hành đoàn về nhà”.

Theo các quan chức NASA, trạm vũ trụ đủ thực phẩm dự trữ cho ít nhất 4 tháng. Starliner có thể neo đậu tại trạm tổng cộng 45 ngày, mặc dù mục đích cuối cùng của nó là ở lại đó để thực hiện các nhiệm vụ kéo dài 6 tháng.

Chuyện kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ tại ISS đã từng diễn ra trước đây. Vào tháng 9, phi hành gia NASA Frank Rubio đã được trở lại Trái đất sau hơn 1 năm ‘mắc kẹt’. Nguyên nhân là do con tàu quay trở về Trái đất bị thiên thạch micro chọc thủng.

Câu chuyện mới nhất về tàu Starliner càng nhấn mạnh bước thụt lùi của Boeing. Hãng này đang ký hợp đồng với NASA để thực hiện thêm 6 chuyến bay có phi hành đoàn tới trạm vũ trụ nếu đảm bảo được nhận chứng nhận.

Boeing tiếp tục vướng bê bối: Đưa thành công phi hành gia NASA tới Trạm vũ trụ nhưng hiện... chưa thể đưa quay về Trái Đất - Ảnh 1.

Mike Leinbach, cựu giám đốc phóng tàu con thoi tại Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA cho biết Starliner sẽ không được phép quay trở lại Trái đất cùng các phi hành gia nếu có thể gây ra bất kỳ rủi ro nào cho họ.

Hành trình đầu tiên của phi hành đoàn CST-200 Starliner tới ISS là dấu mốc quan trọng đối với tập đoàn Boeing bởi đây được xem là bài kiểm tra then chốt trước khi NASA cấp chứng nhận cho phép Starliner thực hiện các chuyến bay thường lệ. Vụ phóng tàu cũng diễn ra vào đúng thời điểm Boeing đang nỗ lực giành thị phần trong mảng kinh doanh giàu lợi nhuận của NASA.

Thời gian gần đây, Boeing liên tục vướng vào bê bối lỗi kỹ thuật. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, hãng đã phải đối mặt với 2 sự cố liên quan đến các dòng máy bay của hãng, khiến các chuyên gia nhận định, năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn nữa với Boeing. Cuộc khủng hoảng mà gã khổng lồ trong ngành hàng không thế giới phải đối mặt không biết bao giờ mới có hồi kết.

Vào ngày 11/3, máy bay Boeing 787 của hãng hàng không LATAM Airlines (Chile), đã gặp sự cố rung lắc mạnh khi đang trên đường từ Sydney (Australia) đến Auckland (New Zealand). Vụ việc đã khiến 50 người bị thương. Đây là sự cố lớn thứ 2 từ đầu năm của gã khổng lồ Boeing.

Trước đó, ngày 5/1, chiếc máy bay Boeing 737 MAX 9 mang số hiệu 1282 của hãng hàng không Mỹ Alaska Airlines cất cánh từ sân bay Portland, bang Oregon đến thành phố Ontario, bang California, cũng đã gặp sự cố sau khi khởi hành khoảng 20 phút. Khi ở độ cao gần 5.000 mét, cửa sổ và một mảnh thân máy bay đã bung ra, nổ tung giữa không trung. Sự cố xảy ra trước khi máy bay đạt đến độ cao hành trình, thời điểm hành khách bắt đầu được tháo dây an toàn.

Theo: WSJ

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày