Bộ Y tế xin ý kiến 2 tình huống ứng phó với dịch Covid-19

Minh Nhân, Theo Tổ Quốc 12:01 03/05/2022

Trên cơ sở kế hoạch của WHO, tham khảo kế hoạch đáp ứng của một số quốc gia và thực tiễn tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam, Bộ Y tế xây dựng và xin ý kiến về 2 tình huống ứng phó với Covid-19.

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam trải qua 4 đợt bùng phát. Quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn. Thời gian này, số ca mắc, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm mạnh từng ngày.

Để chủ động, sẵn sàng ứng phó, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, chủ động bám sát tình hình thực tế, Bộ Y tế xây dựng Phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022-2023.

Trên cơ sở kế hoạch của Tổ chức y tế thế giới (WHO), tham khảo kế hoạch đáp ứng của một số quốc gia và thực tiễn tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, Bộ Y tế đưa ra 2 tình huống dịch Covid-19 như sau:

Tình huống 1: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số ca nặng và tử vong giảm dần. Từ đó, các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước hoặc xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 nhưng ít nghiêm trọng hơn.

Với tình huống này, Bộ Y tế đề xuất tăng cường chỉ đạo công tác giám sát dịch tễ nhằm phát hiện sớm các biến chủng mới. Duy trì đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Đồng thời, Bộ đẩy nhanh công tác tiêm chủng vaccine Covid-19.

Bộ Y tế sẽ kịp thời sửa đổi, bổ sung, cập nhật các hướng dẫn giám sát phù hợp, kịp thời với diễn biến dịch bệnh, bảo đảm đúng phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Ngoài ra, từng bước nới lỏng các biện pháp quản lý y tế đối với các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 và F0 không có triệu chứng để có thể tham gia một số hoạt động xã hội và vẫn bảo đảm phòng chống dịch.

Bộ Y tế xin ý kiến 2 tình huống ứng phó với dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Bộ Y tế xây dựng 2 tình huống ứng phó với Covid-19 trong thời gian tới

Tình huống 2: Xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.

Với tình huống này, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với WHO, các nhà sản xuất vaccine để cập nhật các loại vaccine phù hợp với biến chủng mới virus SARS-CoV-2, kịp thời báo cáo Chính phủ để cập nhật và cho phép mua bổ sung phục vụ tiêm chủng cho người dân.

Bộ sẽ tập trung giám sát, theo dõi bệnh dịch và tác động của biến thể mới virus SARS-CoV-2 bằng việc tăng cường giám sát các trường hợp nhập viện, điều trị tích cực, các ca tử vong; Giải trình tự gene để phát hiện biến chủng đang lưu hành và biến chủng mới tại các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường, người nhập cảnh có yếu tố dịch tễ liên quan.

Nâng cao khả năng cảnh báo sớm thông qua hệ thống giám sát dựa vào sự kiện (EBS), thường xuyên đánh giá nguy cơ, tác động của dịch để điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Thực hiện linh hoạt nguyên tắc "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch" theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh; áp dụng linh hoạt công thức chống dịch "5K + vaccine, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác".

Triển khai đồng bộ các biện pháp giám sát, xét nghiệm để phát hiện các trường hợp nhiễm, từ đó kịp thời khoanh vùng, cách ly, dập dịch một cách sớm nhất; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giám sát, báo cáo và chia sẻ thông tin về tình hình dịch tễ và xét nghiệm.

Trong cả 2 tình huống, Bộ Y tế nhấn mạnh một trong 4 nguyên tắc đặt ra là vaccine là biện pháp hữu hiệu trong việc giảm nguy cơ chuyển nặng, tử vong. Tỷ lệ bao phủ vaccine cao ở tất cả các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương và nhóm nguy cơ cao là nền tảng để từng bước nới lỏng các biện pháp y tế và biện pháp xã hội khác.

Bộ Y tế xin ý kiến 2 tình huống ứng phó với dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Bộ Y tế nhấn mạnh, vaccine là biện pháp hữu hiệu trong việc giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, đang trong giai đoạn giữa "đại dịch" và "bệnh lưu hành". Bộ Y tế đang xây dựng phương án ứng phó để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp như điều chỉnh định nghĩa giữa các ca bệnh, hướng dẫn biện pháp cách ly với người tiếp xúc gần. Bộ cũng đã có hướng dẫn tạm dừng không áp dụng khai báo y tế tại các cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu hàng không.

Cũng theo Thứ trưởng, khuyến cáo 5K được áp dụng linh hoạt để đảm bảo hiệu quả phòng, chống dịch. Cụ thể, 2K gồm đeo khẩu trang và khử khuẩn (rửa tay bằng nước sát khuẩn hoặc xà phòng) là các biện pháp cần thực hiện thường xuyên.

Còn 3K (khoảng cách, khai báo y tế, không tập trung đông người) thì linh hoạt hơn, tuỳ từng hoạt động, đặc thù địa phương, đơn vị, lĩnh vực, bộ, ngành…

Hiện nay, Việt Nam đã gần như hoàn toàn "mở cửa", các hoạt động trở lại bình thường, tuy nhiên vẫn duy trì, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, nhất là tiêm vaccine mũi 3 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên, phải hoàn thành trong quý II.

Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị các hướng dẫn để tiêm mũi 4 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

https://kenh14.vn/bo-y-te-xin-y-kien-2-tinh-huong-ung-pho-voi-dich-covid-19-20220503114143343.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày