Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH: Giảm dần thời gian đóng BHXH, từ 20 năm xuống 15 và có thể còn 10 năm

Thái Bình, Theo Sức khoẻ và đời sống 21:42 12/06/2022

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH. Trước đây, quy định 20 năm. Dự thảo Luật BHXH sửa đối rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm với tinh thần "đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ngắn trên tinh thần công bằng, chia sẻ".

Tại cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với công nhân diễn ra sáng nay 12/6 tại Bắc Giang, công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà, sinh năm 1982, Hợp tác xã Mây Tre Lá Ba Nhất, Quận Bình Thạnh, TP HCM đưa ra ý kiếnHiện nay,  Luật Bảo hiểm xã hội  (BHXH) còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân khi chúng cháu mới 40-45 tuổi. 

"Đề nghị Chính phủ sửa đổi pháp luật để bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân rút BHXH 1 lần; chúng cháu đều biết rút bảo hiểm thì khi về già không có lương hưu nhưng nhiều anh, chị, em khó khăn quá và thời gian đóng dài nên vẫn rút"- công nhân Thuý Hà nói.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong những năm qua, Bộ LĐTB&XH và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày càng gắn kết chặt chẽ và những công việc của công nhân được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

"Như Thủ tướng thông báo trong đối thoại, để sáng nay Chính phủ ban hành Nghị định về tăng lương tối thiểu vùng, ngày hôm qua (thứ bảy) các thành viên Chính phủ đã bỏ phiếu; việc này thể hiện thái độ, trách nhiệm làm việc không quản ngày đêm"- ông Đào Ngọc Dung nói.

Về ý kiến giảm bớt BXHH 1 lần và sửa đổi Luật BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay: Chúng ta có 55 triệu lao động, trong đó khoảng 20 triệu người có giao kết hợp đồng lao động, nhưng chỉ có 16 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, một tỉ lệ thấp. Nhưng với 15 năm phát triển bảo hiểm, đây là thành tích đáng nể của nước ta. 

Trong quý I, II/2022, có tình trạng một tỉ lệ nhất định người lao động rút BHXH 1 lần. Đây là điều không tốt, gây hệ luỵ lâu dài cho người lao động khi nghỉ hưu. Vì vậy, việc đầu tiên phải nâng cao đời sống, phúc lợi cho công nhân, người lao động, nhất là đối với công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất. Vấn đề này chúng ta đã rất tập trung trong và sau đợt dịch. 

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH: Giảm dần thời gian đóng BHXH, từ 20 năm xuống 15 và có thể còn 10 năm - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thứ hai, việc sửa đổi Luật BHXH, Bộ LĐTB&XH chủ trì, hiện đã hoàn tất xong hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm và Quốc hội cho phép năm 2023 sẽ trình Quốc hội. Trong các nhóm này, chúng ta sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH. Trước đây, chúng ta quy định 20 năm. Dự thảo rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ngắn trên tinh thần công bằng, chia sẻ

Bên cạnh đó, Dự thảo tăng thêm sự liên kết giữa các nhóm BHXH với nhau, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Cùng với đó, sẽ xử lý một vấn đề quan trọng trong bảo hiểm hiện nay là chia sẻ giữa người đóng bảo hiểm nhiều với người đóng ít, người đóng dài, người đóng ngắn. Thời gian qua, chúng ta chưa làm được điều này. 

Tiếp đến, Dự thảo có đưa ra cơ chế, chính sách để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm dài hơn. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta đang khuyến khích người lao động theo hộ nghèo là 30%, cận nghèo là 25%, đối tượng bình thường là 10%. Theo thông lệ quốc tế, tỉ lệ này tương ứng là 50%, 20% và 30%. Chúng ta sẽ tiếp tới áp dụng thông lệ này. 

Ngoài ra, Luật sẽ có quy định xử lý nghiêm những trường hợp khó khăn của người công nhân để ép công nhân mua bán, chuyển đổi sổ bảo hiểm qua nhiều hình thức trá hình. Chúng tôi cùng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, VCCI và Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hướng dẫn các chủ sử dụng lao động và người lao động về vấn đề này. Qua đó, tình trạng rút BHXH 1 lần hiện đã giảm đi so với quý I/2022.

Bổ sung phần trả lời về BHXH, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Các cơ chế, chính sách không thể bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống. Do đó, phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để xây dựng và hoàn thiện chính sách. 

Vừa qua, pháp luật về BHXH có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, các cơ quan đã lắng nghe ý kiến công nhân lao động, tập hợp, đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội đưa nội dung sửa đổi pháp luật về bảo hiểm xã hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra...

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày