Cơm ngày 3 bữa thành một, 8 đứa trẻ bơ vơ cạnh ngoại già
Len lỏi qua con hẻm nhỏ nằm cạnh UBND xã Long Hậu, phải mất một đoạn đường bùn đất chúng tôi mới tìm vào được căn nhà trọ nhỏ của bà Trần Thị Dung (60 tuổi, tạm trú xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) cùng 8 đứa cháu sinh sống.
Những đứa trẻ vây quanh bà ngoại già bệnh tật trong lúc đợi cậu và anh đi làm về nấu cơm.
Chia nhau từng cuốn tập sách, những đứa trẻ này chưa bao giờ không hi vọng sẽ được đến trường học chữ.
Đứa cháu lớn nhất của bà chỉ 15 tuổi, đứa bé nhất vừa tròn 3, chúng hầu hết đều bị bố mẹ bỏ rơi, giao cho bà cùng anh Trần Minh Liêm (con út bà Dung) nuôi dưỡng.
Nằm bệt dưới sàn nhà, bà Dung khẽ gọi đứa cháu gái lớn (Ngọc, 8 tuổi) rót cho bà ngụm nước. Đã vài tháng nay, bà Dung không còn đi đứng được do căn bệnh đau xương sống quái ác khiến bà liệt nửa người, phần mông của bà lở loét khắp nơi vì không có tiền chữa trị.
Thích thú xem lại hình ảnh của mình qua chiếc điện thoại.
Chúc, Ngọc và Gấu là con của mẹ Thảo, nhưng đã mấy tháng nay mẹ đã không còn về thăm chúng.
Bà Dung cho biết vì hoàn cảnh khó khăn, những đứa con của bà sau khi lập gia đình đều đi làm ăn xa, bỏ con cái ở lại cho bà nuôi dưỡng, cả năm mới về một hai lần nhưng không phụ giúp gì nhiều. Cuộc sống của 10 người nhà bà Dung đều phụ thuộc vào đồng tiền bốc vác thuê của người con trai út và đứa cháu ngoại 15 tuổi.
"Lúc trước tôi còn khỏe mạnh, đi phụ việc cho người ta, giờ bệnh tật nằm liệt giường, chỉ làm khổ con cháu, nhiều lúc chỉ muốn chết đi cho bớt khổ", bà Dung nghẹn ngào.
Hiện bà Dung bị liệt nửa người, lúc tỉnh lúc mê mà không có tiền chữa trị.
Niềm vui của Gấu là chơi cùng chú chó mỗi ngày để vơi đi nỗi buồn thiếu bố mẹ.
Ngồi xung quanh bà ngoại, 6 đứa trẻ: Tây (13 tuổi), Chùa (13 tuổi), Bin (10 tuổi), Ngọc (8 tuổi), Chúc (5 tuổi), Gấu (3 tuổi) nheo nhóc chia nhau một gói mì tôm để đợi cậu Liêm (28 tuổi) cùng người anh cả Pha (15 tuổi) đi làm về nấu cơm.
Đã gần 12 giờ trưa, cơn đói của những đứa trẻ mỗi lúc một lớn hơn, bắt đầu từ thằng Gấu, đứa nhỏ nhất trong nhà khóc ngất. Ôm Gấu vào lòng, Ngọc dỗ ngọt em, vừa bày trò để mấy chị em chơi cùng nhau cho quên cơn đói.
Ngọc thường xuyên đấm bóp cho bà ngoại, lúc nào em cũng mong ngoại có thể khỏe lại.
Chăm chút cho ngoại từng miếng nước lọc qua chai nhựa.
Lấy vỏ chai nước ngọt, Ngọc nhanh nhẹn rót đầy nước rồi bỏ vài muỗng đường để đưa cho Gấu. Vừa dỗ em, Ngọc vừa kể: "Cậu Liêm nói hôm nào cậu về trễ, Gấu có đói bụng thì cứ lấy đỡ nước đường cho em ấy uống. Gấu còn nhỏ nên khóc đòi ăn, chứ tụi con (từ 5 tuổi đến 13 tuổi) lớn hết rồi, không có khóc đâu".
Cũng theo Ngọc, bữa trưa là bữa duy nhất 8 anh em của Ngọc được ăn no, bởi từ nhiều năm nay, việc nhịn đói vào sáng và tối đã trở nên quen thuộc với chúng, hôm nào may mắn sẽ được bát mì tôm.
Ngồi kế bên Ngọc, bé Chúc hồn nhiên nói: "Trước nhà con nhiều người lắm, có mẹ con nữa mà giờ mẹ bỏ đi đâu mất rồi, không về thăm con. Con không biết bố là ai cả, con chỉ muốn ngoại khỏe lại thôi. Ước gì con có tiền để cho ngoại chữa bệnh".
Những đứa trẻ hay trêu đùa nhau lúc cậu và anh Pha vắng nhà.
Anh Liêm cũng không biết mình có thể gắng gượng được đến bao giờ để lo cho mẹ già cùng các cháu.
Bé Chúc, Ngọc và Gấu là 3 đứa con của chị Thảo (con gái bà Dung). Chị Thảo là mẹ đơn thân, vì không biết chữ, trước kia chị Thảo đi phụ bán cơm nhưng mấy tháng nay, chị Thảo đã bỏ lại 3 đứa con cho mẹ già và người em trai chăm sóc. Nhớ mẹ, đói ăn, 3 chị em Chúc chỉ biết quanh quẩn mỗi ngày bên bà ngoại già và chơi đùa cùng những người anh em họ khác.
Ước gì bà ngoại có tiền chữa bệnh rồi cho tụi con đi học
Ngồi chơi cùng mấy đứa trẻ một lúc thì anh Liêm (28 tuổi) cùng Pha (15 tuổi, đứa cháu ngoại lớn) đi làm về. Dáng người nhỏ bé, anh Liêm vội vã dựng chiếc xe máy cà tàng, đưa 4 hộp cơm cho tụi nhỏ rồi đến chỗ bà Dung.
Chén bún xào là bữa trưa đạm bạc của bà Dung mỗi ngày mà anh Liêm có thể lo được.
Hai đứa trẻ chia nhau hộp xôi mà cậu Liêm mang về lúc trưa.
Anh Liêm cho biết, với thu nhập bữa có bữa không từ việc bốc vác thuê ở khu Trung Sơn (quận 8), và chạy thêm xe ôm anh cùng đứa cháu lớn phải xoay xở cho 10 miệng ăn, chưa kể mỗi tháng đóng gần 2 triệu tiền thuê nhà.
Cố gắng đỡ bà Dung ngồi dậy, đút từng muỗng bún xào, anh Liêm tâm sự: "Cả nhà anh hầu như không ai biết chữ cả, anh cũng không giấy tờ tùy thân nào nên đâu có xin được việc làm. Giờ nhà cửa như vậy, chỉ biết cố gắng sống được ngày nào hay ngày đó thôi. Có tiền thì nấu cơm cho mấy đứa cháu, không thì ăn mì hoặc nhịn đói. Mình khổ trước giờ riết rồi quen. Chỉ sợ mẹ không chịu nổi".
Vừa chăm mẹ già yếu, vừa phải giặt giũ để lo cho 8 đứa cháu, anh Liêm chỉ ước có được một công việc làm ổn định để gia đình bớt khổ.
Em Gấu khóc ngất khi bụng thì đói mà cậu Liêm chưa chịu về nấu cơm.
Nói đến đây, anh Liêm rớm nước mắt nhìn những vết lở loét trên cơ thể mẹ già: "Mẹ bị liệt nửa người mấy tháng rồi mà anh không có tiền đưa mẹ đi bệnh viện, gom góp vay mượn mãi mới được 2,5 triệu mua thuốc cầm chừng cho mẹ. Cơm ngày 1 bữa còn không đủ no, anh nào dám mơ đến chuyện chữa bệnh cho mẹ".
Thấy hoàn cảnh của gia đình bà Dung khó khăn khi một mình anh Liêm phải gồng gánh nuôi 10 miệng ăn, chị Trần Thị Ngọc Hường, bà con quen biết của bà Dung cũng thường xuyên giúp đỡ, mua gạo mì cho những đứa trẻ.
"Chị Hường tốt lắm, hôm nào hết tiền chị ấy lại cho mượn, không có chị ấy chắc nhà anh cũng bị đói mấy lâu nay rồi", anh Liêm nói.
Pha chỉ mới 15 tuổi nhưng em đã phải đi làm hơn 3 năm nay để phụ giúp gia đình.
Tây (13 tuổi) và Pha là hai anh em ruột, từ lâu rồi em cũng chẳng nhớ chuyện mẹ có còn về thăm em không nữa.
Trong số những đứa cháu ở nhà, chỉ có duy nhất bé My (9 tuổi) và Bin (10 tuổi) là xin học được ở một lớp tình thương gần khu trọ. Những đứa trẻ còn lại đều không có điều kiện để đến trường.
Thương những người anh, em sống cùng nhau, ở nhà Bin và My thường lấy sách vở ra để "dạy lại" cái chữ mà ở lớp được học. Những tiếng bi bô tập đọc, đánh vần từng chữ lâu lâu lại vang lên trong căn nhà xập xệ.
Ôm quyển tập vào lòng, Chúc thỏ thẻ nói: "Con thích đi học lắm mà mẹ con bỏ đi rồi, bà ngoại lại bệnh nằm ở nhà. Ước gì con được đến trường như mấy bạn trong xóm, đi học về được ăn cơm no nữa. Con chỉ muốn vậy thôi".
Chúc tập đánh vần từng chữ khi được anh Bin đi học về chỉ lại, em chỉ muốn được một lần đến trường.
Pha cho biết em mong muốn nhất là có thể lo được cho những đứa em và bà ngoại già có đủ cơm ngày ba bữa.
May mắn hơn những đứa em, Pha (15 tuổi) cho biết trước kia còn bố mẹ sống cùng, em được học đến lớp 5. Nhưng sau đó, khi chuẩn bị lên lớp 6, giấc mơ đến trường của em đã khép lại, em nghỉ học để đi mần mướn phụ bà ngoại nuôi các em.
"Năm đó em thi lên lớp 6 còn chưa biết điểm em đã nghỉ rồi. Lúc đầu em buồn lắm, nhưng giờ em buồn cũng vậy thôi. Em đi làm được 3 năm rồi, em phụ người ta coi tiệm internet, có hôm làm từ 7h sáng đến sáng hôm sau với 100.000 đồng. Giờ mà có tiền, cho em đi học lại lớp 5, em cũng chịu nữa. Em không có ngại đâu, chỉ cần được học chữ, em làm gì cũng được. Nhưng mà chắc điều đó không xảy ra đâu, em mà không đi mần mướn thì lấy cơm đâu cho tụi nhỏ ăn, chưa kể tiền nhà, thuốc men của ngoại nữa", Pha ngậm ngùi nói.
Hai đứa trẻ hồn nhiên nô đùa trong căn nhà thiếu bóng dáng bố mẹ.
Giây phút đoàn tụ hiếm hoi của gia đình là những bữa cơm trưa đạm bạc.
"Em chỉ mong bà ngoại có tiền chữa bệnh, mua được cái giường khoảng 700.000 đồng để bà ngoại nằm, chứ thấy ngoại nằm dưới sàn, vết thương mỗi ngày một nặng em xót lắm", Pha nói.
Trước hoàn cảnh gia đình anh Liêm khi phải nuôi 8 đứa trẻ cùng người mẹ già bệnh tật, chúng tôi tha thiết kêu gọi quý độc giả gần xa quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ để anh Liêm có tiền chữa bệnh cho bà Dung, cho 8 đứa trẻ có cơ hội được đến trường để thoát cảnh mù chữ.
Mọi đóng góp xin vui lòng liên hệ số điện thoại anh Trần Thanh Liêm: 01222956148. Địa chỉ: Hẻm trọ sát UBND xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Vietcombank: 0181003584975, chi nhánh TP.HCM.
Chủ tài khoản: Trần Thị Ngọc Hường (người thân nhà anh Liêm).
Vì gia đình anh Liêm không có giấy tờ tùy thân để làm thẻ ngân hàng nên quý độc giả đóng góp xin gửi qua số tài khoản của chị Hường, bà con sống gần nhà anh Liêm để hỗ trợ cho gia đình anh. Số điện thoại chị Hường: 0908567765.
Xin chân thành cảm ơn!