Bỏ mặc nhiều chỉ trích, tại sao Riot Games vẫn thành công với những tựa game bị cáo buộc "đạo nhái" hay "mượn ý tưởng"?

Gia Minh, Theo Trí Thức Trẻ 00:55 23/03/2020

Riot Games vẫn trên con đường phát triển những tựa game bị cho là “đạo nhái”. Tuy nhiên, vượt qua định kiến, dè bỉu từ game thủ, họ đã thành công và ngày càng khẳng định vị thế.

Mỗi lần công bố tựa trò chơi hay tính năng mới, Riot Games đều đối mặt với hàng loạt cáo buộc "đạo nhái" từ phía game thủ. Cụ thể, họ cho rằng từ những vị tướng mới, Đấu Trường Chân Lý Mobile, Valorant và Huyền Thoại Runeterra được lấy ý tưởng từ nhiều tựa game khác nhau. Vụ việc căng thẳng đến mức caster của Dota 2 lên tiếng gọi Riot Games là kẻ ăn cắp.

Bỏ mặc lời chỉ trích, tại sao Riot Games vẫn thành công với những tựa game bị cáo buộc đạo nhái hay mượn ý tưởng? - Ảnh 1.

Cáo buộc đạo nhái liên tục bủa vây Riot Games.

Thực chất, đây không phải lần đầu tiên Riot nhận những lời chỉ trích. Chính tựa game làm nên tên tuổi Riot - Liên Minh Huyền Thoại từng là sản phẩm "đạo nhái" của Dota.

Những bước khởi đầu đầy gian nan

Ngày 7/10/2008 Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) lần đầu được công bố qua bản beta giới hạn và chính thức đến tay game thủ trên toàn cầu vào ngày 27/10/2009. Game có lối chơi đơn giản, bản đồ được chia làm 3 đường chính là đường giữa, đường trên và đường dưới.

Từ cấu trúc bản đồ cho đến lối chơi của LMHT khiến nhiều người lập tức liên tưởng đến Dota. Thậm chí, đến hệ thống kĩ năng hoặc tạo hình tướng bên Liên Minh Huyền Thoại có nét giống so với hero của Dota như Ashe - Drow Ranger, Caitlyn - Sniper, Sivir - Luna.

Bỏ mặc lời chỉ trích, tại sao Riot Games vẫn thành công với những tựa game bị cáo buộc đạo nhái hay mượn ý tưởng? - Ảnh 2.

Drow Ranger và Ashe có tạo hình tương tự.

Do đó, LMHT nhận lại nhiều cái nhìn không mấy thiện cảm của vài bộ phận gamer đến từ Dota và cả Dota 2. Họ đánh giá LMHT là hàng "đạo nhái", "ăn cắp ý tưởng".

Tiếp đến, Đấu Trường Chân Lý (ĐTCL) cũng đi theo "vết xe đổ" của đàn anh LMHT. Ngày 29/6/2019, Riot đã công bố chế độ chơi mới được lấy cảm hứng từ Auto Chess - custom map do người dùng tạo ra bằng Dota 2. Chính Riot Games đã thừa nhận điều này trên bài đăng công bố ĐTCL.

Bỏ mặc lời chỉ trích, tại sao Riot Games vẫn thành công với những tựa game bị cáo buộc đạo nhái hay mượn ý tưởng? - Ảnh 3.

Riot thừa nhận ĐTCL lấy cảm hứng từ Auto Chess.

"Gần đây, chúng tôi đã thử nghiệm những chế độ chơi khác biệt và có chiều sâu hơn, nhằm mang lại những trải nghiệm mới mẻ dành cho Liên Minh Huyền Thoại. ĐTCL sẽ là bước lớn trong mảng phát triển ấy và cũng là lần đầu tiên chúng tôi xây dựng nên một thể loại game hoàn toàn mới. Chúng tôi lúc nào cũng thích mấy trò chơi chiến thuật và cụ thể là cả văn phòng lúc nào cũng bỏ cả đống thời gian cho Dota Auto Chess cả. Chúng tôi mê trò đấy thật và nó đã tạo cảm hứng để chúng tôi tạo ra chế độ chơi mới dành cho LMHT."

Nhiều người rất hào hứng về chế độ chơi sắp ra mắt, nhưng cũng không ít bình luận chê game "fake" từ Auto Chess.

Chưa hết, Huyền thoại Runeterra là game thẻ bài Riot Games công bố trong livestream kỉ niệm 10 năm LMHT. Lối chơi xoay quanh trọng tâm là hero, 2 bên cố gắng phá hủy nhà chính đối phương bằng các lượt công - thủ. Lối chơi được đánh giá là không khác gì Artifact của Valve.

Bỏ mặc lời chỉ trích, tại sao Riot Games vẫn thành công với những tựa game bị cáo buộc đạo nhái hay mượn ý tưởng? - Ảnh 4.

Huyền thoại Runeterra và Artifact.

Nhiều người chơi trong đó có cả caster Dota 2 - Slacks lên tiếng về Huyền thoại Runeterra là "sản phẩm đạo nhái tiếp theo của Riot Games".

Dù Riot mới phát hành Valorant phiên bản alpha, nhưng qua trailer giới thiệu, người xem có thể thấy đây là sản phẩm kết hợp từ 2 tựa game bắn súng CS:GO và Overwatch.

Bỏ mặc lời chỉ trích, tại sao Riot Games vẫn thành công với những tựa game bị cáo buộc đạo nhái hay mượn ý tưởng? - Ảnh 5.

Valorant là sự kết hợp giữa 2 tựa game FPS là CS:GO và Overwatch.

Rất nhiều proplayer của CS:GO lên tiếng chê bai tựa game này. Game thủ FPS - Slasher chia sẻ trên Twitter rằng "kỹ năng hackwall trong game FPS làm tôi phát ốm" (ám chỉ Valorant).

Riot Games phải đối mặt với nhiều luồng ý kiến về vấn đề "đạo nhái" khiến cho công ty này nhận cái nhìn xấu bởi không ít người chơi những game họ đã và đang trải nghiệm.

Không lùi bước trước dư luận và chạm tới thành công

Bỏ mặc những lời đàm tiếu từ bộ phận tiêu cực, Riot Games vẫn phát triển theo con đường riêng. Họ vẫn phát hành các bản cập nhật, ra tướng mới, thay đổi lối chơi.

Bỏ mặc lời chỉ trích, tại sao Riot Games vẫn thành công với những tựa game bị cáo buộc đạo nhái hay mượn ý tưởng? - Ảnh 6.

Liên tục cập nhật lối chơi khiến LMHT luôn luôn mới mẻ.

Tất cả công sức của họ được đền đáp bằng vô vàn giải thưởng lớn nhỏ gồm giải Cần điều khiển Vàng cho Game trực tuyến của năm vào 2010, giải Emmy thể thao cho Thiết kế đồ họa xuất sắc trong sự kiện trực tiếp 2018, giải The Game cho game Esports xuất sắc nhất năm 2019. Đồng thời, vô vàn giải đấu được tổ chức xuyên qua châu Á, châu Âu và châu Mỹ.

Đấu Trường Chân Lý khi vừa ra mắt đã tạo nên cơn sốt trong cộng đồng game thủ. Thậm chí, giờ stream của ĐTCL có nhiều lúc vượt qua cả LMHT trên nền tảng stream Twitch. Việc cập nhật, điều chỉnh liên tục khiến cho trò chơi luôn mới mẻ, tạo nên hứng thú cho người chơi, không phải game nào cũng "một màu".

Bỏ mặc lời chỉ trích, tại sao Riot Games vẫn thành công với những tựa game bị cáo buộc đạo nhái hay mượn ý tưởng? - Ảnh 7.

Mỗi game của ĐTCL đều mang nhiều cảm xúc khác nhau đến cho người chơi.

Mỗi mùa là một chủ đề khác nhau, bắt buộc người chơi phải thích nghi, "học lại từ đầu". Nhiều giải đấu cộng đồng được tổ chức. Thậm chí, Riot Games đã công bố sẽ cho ra mắt phiên bản di động của những trò chơi PC trong tương lai không xa.

Huyền thoại Runeterra dù chưa ra mắt chính thức nhưng đã nhận về rất nhiều phản hồi tích cực. Riot cũng chăm cân bằng, phát hành nội dung mới để đảm bảo xu hướng năng động và kéo dài giai đoạn thử nghiệm. Game cũng cho phép người chơi thu thập các thẻ mới với nhiều cách khác nhau, bao gồm cả việc miễn phí lẫn khả năng đổi trực tiếp lá bài mong muốn bằng tiền tệ nhận được trong trò chơi.

Về Valorant, nhiều ý kiến tích cực cũng chỉ ra tựa game này rất có tiềm năng trong tương lai.

"Chúng tôi được tự do khám phá tất cả dự án đang thử nghiệm của Valorant. Tuy nhiên, ban phát triển vẫn chưa hoàn thành những dự án này và hi vọng rằng sẽ tăng số lượng chế độ mới khi game đã chạy ổn định và chính thức ra mắt", streamer Romeski chia sẻ.

Bỏ mặc lời chỉ trích, tại sao Riot Games vẫn thành công với những tựa game bị cáo buộc đạo nhái hay mượn ý tưởng? - Ảnh 8.

Valorant được kì vọng rất nhiều về tiềm năng phát triển trong tương lai.

Tóm lại, thị trường game online đang ngày một bão hòa, việc trùng lặp về ý tưởng hay lối chơi là điều có thể chấp nhận được. Nhưng để biến cái giống nhau thành tựa game có nét riêng, khác biệt so với những trò chơi còn lại thì không phải nhà phát triển nào cũng làm được.

Bạn có thể chê trách, phán xét tựa game này là "đạo nhái" về mặt lý thuyết, nhưng với Riot thì chắc chắn một điều họ sẽ cố gắng phát triển nhiều hơn nữa, tách ra khỏi cái mác "lấy ý tưởng" và thành công trong tương lai.

Bỏ mặc lời chỉ trích, tại sao Riot Games vẫn thành công với những tựa game bị cáo buộc đạo nhái hay mượn ý tưởng? - Ảnh 9.