Ông Tiếng (60 tuổi) vẫn nhớ như in buổi sáng tháng 4/2020, lần đầu nghe tin Sài Gòn giãn cách xã hội, ông sốt sắng tìm tấm vé xe cuối cùng để đưa toàn bộ "bô lão vé số" trở về quê.
Ở nhà gần giáp tháng thì Bình Thuận thêm ca dương tính Covid-19, 3 đứa con trai hành nghề biển tiếp tục dắt díu nhau về, sống bằng mớ rau rá trồng quanh nhà. Nhưng tháng 3, nắng lớn, cây mọc tới lóng tay đã khô như rơm.
Người bán vé số ở Sài Gòn được nhận tiền hỗ trợ Covid-19: "Mong lắm! Mong để có tiền mua thuốc"
Còn anh Út thì từ nhỏ chân tay đã dễ gãy. Thương bố mẹ lắm, năm trước, anh xin chân phụ xe múc ở Nha Trang. Xe chạy được giáp tháng thì anh gặp nạn, đến giờ vẫn nằm bệnh, 2 vợ chồng ông Tiếng tiếp tục quay lại Sài Gòn.
"Không đi không có gì ăn. Con mình nghèo thì mình trông đợi gì được ở nó?" - ông Tiếng giải thích về lý do tiếp tục ly hương, dù khi ấy dịch bệnh Covid-19 vẫn râm ran khắp Sài Gòn.
Căn nhà ông thuê nằm dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ (Q.1, TP.HCM), rộng chừng 70m2, là nơi cư trú của gần 20 cụ già suốt 11 năm nay. Lớn nhất đã 85 tuổi, ít hơn thì 80, 70, 60 tuổi đều có. Nhưng tùy lúc nó cũng lên đến ba, bốn chục người.
Ông Tiếng từng là dân bán vé số dạo trước khi bị cái chân "hư" và một bên mắt mù làm cho nghỉ hẳn. Giờ, vợ chồng ông chỉ đi đứng trong nhà, quản lý, lo chuyện cơm nước, lãnh - đổi - trả vé số cho bà con. Mỗi tờ như thế, ông nhận 200 - 300 đồng hoa hồng.
Căn nhà ông Tiếng thuê nằm dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ (Q.1, TP.HCM), rộng chừng 70m2, là nơi cư trú của gần 20 cụ già suốt 11 năm nay
Đến hết năm 2020, nửa số người già đều đồng lòng không về quê ngày Tết, bám trụ Sài Gòn để gỡ "cái vốn" đã mất do đợt dịch đầu tiên. Ấy vậy, mới tháng Chạp, quán nhậu đã vắng tanh, tận dụng cả ngày lẫn đêm không kiếm đủ 100.000 đồng, ông Tiếng lại dắt người già về quê.
4 tháng miền Trung mưa trắng trời, lũ lụt triền miên đã đánh bật sức chịu đựng của vợ chồng ông Quý. Sang mùng 8 Tết, cả hai theo ông Tiếng Nam tiến. Từ đôi tay cả đời trồng lúa, họ tập làm quen với con đường bán vé số khi đã chạm ngưỡng 60 tuổi.
Đến 14/5 âm lịch, chắt chiu được hơn 12 triệu rưỡi, ông Quý toan gửi về quê cho người thân chăm cha bị bệnh nặng. Ấy vậy, cuối buổi chiều, vừa trở về nhà thì ông đã nước mắt ngắn dài: "Người ta bỏ thuốc, lấy hết tiền, giấy tờ rồi". 2 vợ chồng chỉ còn biết khóc.
Vợ chồng ông Quý nghẹn ngào kể lại việc bị trộm toàn bộ số tiền trong thời gian dịch Covid-19
"Bà con thương tình, gom góp mỗi người vài trăm để có vốn lấy số. Đi bán chưa bao lâu thì Sài Gòn tiếp tục giãn cách toàn thành phố. 5 tháng xa quê thì 2 tháng gặp dịch, nhiều lúc hổng biết quyết định rời quê của mình là đúng hay sai…" - ông Quý nghẹn ngào kể.
"Vui lắm cậu ơi! Ngày mai tôi có thêm thuốc, cái chân cũng bớt đau…"
Ngày 5/7, thực hiện Nghị quyết số 09 của thành phố, UBND phường Cầu Kho (Q.1, TP.HCM) đã tích cực lập danh sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19.
Theo rà soát, địa bàn phường có 810 người là lao động tự do, bán vé số, hàng rong, giao hàng bằng xe thô sơ… Phường đã tiến hành xét duyệt trong 3 ngày làm việc và tiếp tục chi trả vào ngày 15 và 16/7, với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/trường hợp.
"Địa bàn phường Cầu Kho là nơi tập trung rất nhiều lao động nghèo nên UBND quận đặc biệt quan tâm. Đối với lao động cao tuổi, khuyết tật,… cán bộ đã hỗ trợ tại nhà để hạn chế khả năng đi lại. Người thuộc diện cách ly, nằm trong khu phong toả, cũng nhanh chóng được nhân viên y tế mang đến trao tận tay để người dân có tiền trang trải cuộc sống.
Ngoài chính sách của Nghị quyết 09, từ ngày thực hiện Chỉ thị 16, phường cũng tham gia tặng gạo, mắm muối, nhu yếu phẩm, không để một ai trong tình trạng thiếu ăn thiếu ở" - bà Trương Thị Ngọc Thuận (Phó Chủ tịch UBND phường Cầu Kho, Q1) chia sẻ.
Cán bộ phường Cầu Kho (Q.1) hỗ trợ tại nhà cho người dân để hạn chế khả năng đi lại
Cầm số tiền trên tay, bà Đỗ Thị Lan (74 tuổi) vẫn còn run run. Cái chân bị xe cán đến giờ còn băng bó, trở trời nhức thấu xương, nhưng từ ngày buộc nghỉ bán vé số, bà chỉ dám mua 10.000 thuốc giảm đau để uống cầm chừng!
"Buổi đầu tiên không biết giá thực phẩm tăng, ra chợ người ta đòi 60.000 một kí cải nên cả nhà đều chấp nhận ăn đu đủ luộc chấm mắm kho. May mắn, sau có nhiều mạnh thường quân tìm tới, bà con đã đủ bữa cơm qua ngày. Giờ thì có thêm hỗ trợ nhà nước, thêm tiền mua thuốc men, tôi vui lắm cậu ơi!" - bà Lan tủm tỉm kể.
Người lao động vui mừng khi được ký nhận gói hỗ trợ từ thành phố
Sau cơn đột quỵ, ông Mai Bá Tùng (64 tuổi) phải mất 3 tuần nằm viện mới có thể vận động trở lại, mặc dù rất chậm chạp. Chiếc xe ôm đã đóng bụi, xe bánh mì phủ bạt nằm trong góc, những ngày dịch Covid-19, kinh tế gia đình ông càng trở nên khó khăn.
"Lúc đầu may bà xã tôi làm tạp vụ nên còn có đồng ra đồng vào. Mấy nay giãn cách thì cả hai đều ở nhà. Cái chân không thể chạy xe được nữa làm mình càng buồn hơn. May mắn có số tiền này giúp trang trải phần nào!".
Ai nấy đều không khỏi vui mừng vì có tiền trang trải cuộc sống trong ngày dịch Covid-19
Anh Nguyễn Quang Vinh (36 tuổi) vẽ một hình tròn khi cán bộ đọc tên anh trong danh sách nhận tiền hỗ trợ người nghèo. Vinh không biết chữ, cả cuộc đời anh chỉ gắn chặt với chiếc xe ba gác ai kêu gì chở nấy, cho đến 2 tháng thành phố giãn cách vì tháng dịch Covid-19.
"Cuốc xe chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Là lao động chính trong nhà, tôi chỉ biết mượn đầu nay trả đầu kia. Hôm nay nhận được số tiền này xem như đủ chi phí cho gia đình. Mong qua dịch Covid-19 cuộc sống tốt đẹp hơn" - Vinh nói.
Anh Nguyễn Quang Vinh (36 tuổi) hành nghề chạy xe ba gác xúc động vì đã có tiền lo cho gia đình
6/7 người già trong nhà tập thể đã được nhận hỗ trợ từ thành phố. Riêng ông Quý do mất toàn bộ giấy tờ tuỳ thân nên vẫn đang đợi xét duyệt đợt 2. Nhận tin, ông Tiếng nói nhỏ: "Hay gom tiền tặng ông Quý". "Đúng. Đúng. Tôi đồng ý" - bà Lan chêm vào.
Nói rồi mỗi người trích ra 200.000 đồng, gom lại hơn 1 triệu gửi ông Quý. Cầm món quà trên tay, ông nghẹn ngào: "Lúc hoạn nạn thế này mà bà con san sẻ thì cái tình lớn lắm! Nếu có phần trợ cấp, tôi sẽ tiếp tục chia sẻ cho mọi người…".
Cả nhà đều cười.
"Đội quân bô lão" góp tiền để tặng lại cho ông Quý khi ông không được nhận hỗ trợ đợt này
***
Từ tháng 4/2020, rất nhiều bô lão vé số trong nhà tập thể của ông Tiếng đã mất khi tôi quay lại thăm hỏi. "Có người về quê 20 ngày, nằm ngủ một giấc rồi đi luôn. Có người vì dịch, ở nhà vui chơi cùng con cháu hơn năm thì mất. Thôi vậy cũng xong một đời…" - ông Tiếng kể.
Giờ, trong căn nhà còn 7 người vẫn bám trụ. Họ, mỗi người mỗi cảnh, nhưng đều bởi nghèo, không gia đình, con cái không đủ kinh tế để nuôi dưỡng... nên dù đã ngoài 60, già yếu, bệnh tật, vẫn ngày ngày kiếm sống bằng những tờ vé số tình thương.