Anh Yu Xuanji, 56 tuổi, đến từ Giang Tây (Trung Quốc). Anh đã sống ở Thâm Quyến được 25 năm, có một công ty chuyên sản xuất gốm sứ.
Trước đây, cha anh là một công nhân làm việc tại lò nung, mẹ là nông dân, kinh tế gia đình rất khó khăn. Anh là con thứ ba trong gia đình, trên có một người anh trai và chị gái. Học hết cấp 2, anh nghỉ học vì điều kiện không cho phép.
Nghỉ học được một thời gian ngắn, anh Yu Xuanji tới xưởng sửa chữa ô tô học việc, nhận mức lương cơ bản là 24 NDT. Cộng với các khoản trợ cấp là 30 NDT (khoảng 100 nghìn đồng). Tiền lương chẳng được bao nhiêu nên ngoài giờ, anh nhận chạy xe, bốc vác để có thêm thu nhập.
Sau 3 năm, anh kết hôn khi ở tuổi 18. Kết hôn đồng nghĩa với việc anh Yu Xuanji trở thành người đàn ông gánh vác trọng trách gia đình, đối mặt với đủ vấn đề của cuộc sống. Điều anh luôn hướng đến là làm gì để kiếm được nhiều tiền hơn, có thể nuôi sống gia đình.
Anh Yu Xuanji có một người bạn tên là Tan Nianbao, 2 người chơi với nhau từ thuở nhỏ. Bạn anh có mở một xưởng gốm sứ ở Thiên Tân, công việc kinh doanh khá tốt. Thấy vậy, anh quyết định tới xưởng của người bạn học việc.
Không có bất kỳ kiến thức hay kinh nghiệm nào nên với anh Yu Xuanji, mọi thứ đều mới mẻ. Không ngại khó khăn, anh học tập chăm chỉ, chịu khó thực hành để nâng cao tay nghề. Anh cẩn trọng quan sát từng thao tác nhỏ của người thợ làm gốm rồi lấy giấy bút ghi chép cẩn thận. Khi về nhà, anh lại dành thời gian nghiền ngẫm lại, đọc thêm các kiến thức mới.
Năm 1990, một nhà máy gốm quốc doanh gần nơi anh sống sắp đóng cửa. Biết thời cơ tới, anh Yu Xuanji quyết định vay mượn khắp nơi để ký hợp đồng với nhà máy, số tiền bỏ ra là 2000 NDT/tháng (khoảng 6,4 triệu đồng) với mong muốn vực dậy nhà máy.
Nhưng sau 8 năm duy trì, tình trạng càng thêm tồi tệ, anh Yu Xuanji ôm một khoản nợ lớn. Đến lúc này, anh mới chấp nhận việc kinh doanh của mình thất bại thảm hại, phải dừng lại để tìm hướng đi mới. Trong cảm là cảm giác cay đắng, tự ti, thất vọng ngập tràn. Anh dằn vặt bản thân, luôn tự hỏi phải làm gì tiếp theo để kiếm tiền trả nợ.
Một lần nữa, Tan Nianbao lại giúp đỡ anh, bạn cho anh vay 10.000 NDT (khoảng 32,4 triệu đồng). Anh Yu Xuanji vô cùng xúc động, rất biết ơn về điều đó. Anh thấy Tan Nianbao là người bạn quý giá nhất trong cuộc đời, luôn bên anh mỗi khi anh gặp khó khăn. Anh học được cách làm gốm từ bạn, cũng học được cách cư xử tử tế, trân trọng nhau.
Khởi nghiệp với 10.000 NDT, anh Yu Xuanji không may mắn bị một tên lừa đảo lừa mất 3000 NDT. Lúc đó anh muốn thuê nhà, do không tìm hiểu kỹ nên anh đã trao tiền cho kẻ không phải là chủ nhà, cuối cùng hắn bỏ trốn.
Với số tiền ít ỏi cuối cùng, anh Yu Xuanji thuê một ngôi nhà ở ngoại thành và mở sạp gốm sứ ven đường. Công việc bắt đầu thuận lợi hơn, giúp anh tiết kiệm được khoản vốn nhỏ. Cuối năm 1999, anh kết thúc quãng thời gian bán hàng rong, chính thức mở một cửa hàng nhỏ rộng 10m2 trong chợ đồ cổ, lấy tên là Trường Nam.
Số tiền lớn đầu tiên anh Yu Xuanji kiếm được là từ một chiếc bình cổ thời nhà Thanh. Anh mua nó với giá 4000 NDT, từng rất lo lắng mình bị mua hớ và sợ không bán được cho ai. Nhưng may mắn chỉ sau vài ngày rao bán, anh bán chiếc bình với giá 12.800 NDT, lời ra rất nhiều.
Năm 2000, anh chuyển sang một cửa hàng rộng hơn để kinh doanh. Đến năm 2019, anh cùng người anh họ thành lập nên nhà máy gốm xứ, chuyên sản xuất bát, đĩa, ấm trà, các loại bình,… theo thiết kế cao cấp. Dần dần, cơ sở của anh có tiếng tăm trong ngành, được nhiều người ủng hộ. Nhà máy có vốn đầu tư là 3 triệu NDT (khoảng 9,7 tỷ đồng).
Ngoài sản xuất đồ gốm sứ, anh Yu Xuanji vẫn kinh doanh đồ cổ, đồ càng hiếm thfi càng có giá trị cao. Gần đây nhất, anh bán được 10 bức tranh đá phiến với giá 10 triệu NDT.
Dù đã đạt được một số thành công nhất định nhưng anh Yu Xuanji luôn khiêm tốn, sẵn sàng học hỏi mọi thứ không chỉ qua sách vở mà còn ở thực tế. Thời gian rảnh, anh gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau để tiếp thu thêm những kiến thức mới mẻ. Sau nhiều năm bôn ba, anh càng hiểu ra chỉ có học tập mới giúp con người tiến bộ không ngừng.