Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023 sáng 3/3, PGS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, 2022 là năm lần đầu tiên thí sinh cả nước đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến. Thí sinh đăng ký ngành/trường đại học phải kèm theo mã phương thức xét tuyển tương ứng. Tuy nhiên, nhiều phương thức xét tuyển có tên gần giống nhau, khiến thí sinh nhầm lẫn, dẫn đến trượt đại học không đáng có.
Do đó, năm nay Bộ GD&ĐT đơn giản hoá việc đăng ký xét tuyển, thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển theo mã xét tuyển/ngành, giảm tối đa nhầm lẫn.
Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học năm 2022 theo các phương thức.
Bộ cũng đề nghị các trường phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển; đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển. Lấy đó làm căn cứ để loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả, đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Bộ cũng đề xuất việc nghiên cứu dùng điểm thi tốt nghiệp làm điều kiện sơ tuyển đầu vào đại học.
Bà Thuỷ cho biết thêm, Bộ GD&ĐT cũng tiếp tục hoàn thiện quy trình, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1. Đồng thời sẽ tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh, hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá tình đăng ký xét tuyển.
Năm nay, Bộ sẽ đơn giản hoá cho thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống chỉ theo ngành đào tạo và chính thức giảm điểm ưu tiên với thí sinh đạt từ 25 điểm trở lên.
Cụ thể, mức điểm ưu tiên theo khu vực vẫn như trước đây. Với khu vực 1 - 0,75 điểm; khu vực 2 nông thôn 0,5, khu vực 2 - 0,25 và khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên.
Mức điểm ưu tiên áp dụng cho nhóm đối tượng ưu tiên 1 (gồm các đối tượng 01 đến 04) là 2,0 điểm và cho nhóm đối tượng ưu tiên 2 (gồm các đối tượng 05 đến 07) là 1,0 điểm.
Từ năm 2023, điểm ưu tiên với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên[(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên đã được quy định ở trên.