Trong cuộc đối thoại trực tuyến kỳ thi Tốt nghiệp THPT và Tuyển sinh Đại học 2020 tối ngày 23/4, ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) cho biết sắp tới sẽ công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Điều này được quyết định sau khi Thủ tướng đồng ý tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2020.
Mục đích tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là căn cứ để phân tích dữ liệu chất lượng giáo dục trong nhà trường để điều chỉnh nội dung dạy và học. Kết quả của kỳ thi này có thể được các trường Đại học, Cao đẳng sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Như vậy, các trường ĐH, Cao đẳng năm vậy sẽ được tự chủ trong việc tuyển sinh và có thể tổ chức kỳ thi riêng cho phù hợp với chất lượng đào tạo.
UBND các tỉnh, thành phố sẽ được giao chủ trì tổ chức kỳ thi cho học sinh của từng địa phương. Hội đồng thi của các tỉnh thành sẽ chịu trách nhiệm tổ chức tất cả các khâu của kỳ thi như: in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Để tránh tiêu cực, Bộ GD-ĐT tiếp tục xây dựng những giải pháp kỹ thuật nhằm giám sát chất lượng, tính trung thực của kỳ thi như thực hiện mỗi thí sinh một mã đề riêng; áp dụng thiết bị giám sát và công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ; tiếp tục tổ chức thi trắc nghiệm để hạn chế tối đa sự can thiệp của con người vào các khâu coi thi và chấm thi.
Bộ GD-ĐT sẽ công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh họa)
Về các môn thi, ông Mai Văn Trinh cho biết có 3 bài thi bắt buộc: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn là bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội. Đối với bài thi tổ hợp tự chọn, điểm mới so với mọi năm là đưa về 1 đầu điểm duy nhất, không tách ra các điểm thành phần như trước đây.
Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; phù hợp nội dung tinh giản chương trình học kỳ 2 đã được Bộ GD-ĐT công bố; nội dung đề thi sẽ dễ hơn. Việc sử dụng các bài thi bắt buộc và các bài thi tổ hợp tự chọn KHTN và KHXH hướng đến đánh giá toàn diện học sinh, hạn chế việc học lệch và học tủ.