Anh Trương Phong tốt nghiệp ngành Kỹ thuật sinh học tại Học viện Phàn Chi Hoa, Tứ Xuyên (Trung Quốc). Sau khi lấy bằng cử nhân, anh không chọn công việc đúng chuyên ngành mà quyết định làm nhân viên bán thiết bị y tế cho một công ty ở Phàn Chi Hoa (Tứ Xuyên).
Tiếp đó, anh quyết định tự mở cửa hàng kinh doanh, thu được lợi nhuận lớn. Thế nhưng không lâu sau, bố của Trương Phong mắc bệnh nặng nên anh phải bỏ về quê, bán hàng thuê để tiện chăm sóc bố.
Thấy ngành nông sản hữu cơ có tiềm năng phát triển, anh Phong và bạn bè rủ nhau hợp tác làm ăn. Anh Phong lấy hết tiền tiết kiệm và vay mượn từ người thân để có 300.000 NDT (khoảng 1 tỷ đồng) để đầu tư.
Thời gian đầu, công việc kinh doanh diễn ra suôn sẻ. Thế nhưng không may là sau đó Giám đốc Trương Phong bị bạn bè lừa hết 300.000 NDT, sau đó còn phải gánh thêm khoản nợ là 400.000 NDT (khoảng gần 1,4 tỷ đồng).
Trước khi làm shipper, anh Phong từng bị mất trắng 300.000 NDT, sau đó còn gánh thêm khoản nợ 400.000 NDT
Thất bại liên tiếp, lại còn bị bạn bè phản bội, thế nhưng anh Phong không gục ngã. Dù đang gánh trên vai khoản nợ lớn, anh Phong vẫn quyết tâm tìm công việc mới, thay đổi cuộc đời.
Sau thất bại ở kinh doanh, anh Phong chọn làm shipper giao đồ ăn vì công việc này không tính lương theo tháng mà thu nhập tính theo số lượng đơn hàng. Nói cách khác, hoàn thành càng nhiều đơn hàng, anh Phong càng kiếm được nhiều tiền.
Đang gánh trên vai món nợ khổng lồ nên anh Phong rất chăm chỉ làm việc. Mỗi ngày anh chỉ ngủ 5-6 tiếng, thời gian còn lại anh đều ra ngoài giao hàng kiếm tiền. Có tháng anh giao được nhiều nhất là 1.000 đơn, thu về 20.000 NDT (khoảng 68 triệu đồng).
Thời gian đầu mới làm shipper, do sức khỏe yếu và chưa quen chạy xe nên số tiền anh nhận được không đáng kể. Sau đó, anh đã dần quen với khối lượng công việc hơn, thêm vào việc anh nhận ra nếu nhận thêm đơn hàng vào buổi tối thì thu nhập sẽ càng tăng lên đáng kể.
"Sau 21h, nhiều đơn đặt hàng phải chạy hơn 5km, nhưng vì buổi tối không tắc đường, phí ship lại cao, tôi vẫn quyết định nhận đơn", anh Phong cho biết.
Gánh trên vai món nợ khổng lồ, anh Phong chỉ ngủ 5-6 tiếng/ngày. Thời gian còn lại, anh dành để đi làm giao hàng, không ngại nhận những đơn sau 21h đêm
Sau 5 năm làm nghề shipper, anh Phong không chỉ trả được hết món nợ 400.000 NDT (khoảng 1,4 tỷ) mà còn mua được một chung cư với giá 300.000 NDT (khoảng 1 tỷ). Chưa dừng lại ở đó, anh còn kiếm được "nửa kia" của mình trong quãng thời gian đi giao hàng. Trùng hợp là vợ anh cũng đang làm công việc giống chồng.
Sau khi câu chuyện của anh Phong được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng anh đã lãng phí những điều gì mình học ở giảng đường. Thậm chí, nhiều người còn chê trách cha mẹ anh cho con đi học bằng cử nhân, nhưng sau này lại để con làm shipper.
Trước những bình luận tiêu cực xoay quanh mình, anh Phong chia sẻ với truyền thông: "Tôi nghĩ không có nghề nào cao quý hay thấp hèn. Giá trị của bản thân là do tự chúng ta tạo ra, chứ không phải ở tấm bằng đại học". Anh Phong cũng cho biết bản thân vẫn sẽ tiếp tục làm công việc shipper. Gia đình anh Phong cũng ủng hộ quyết định này của con.
Cũng theo anh Phong, sau khi ra trường dù từng làm đến chủ kinh doanh nhưng anh chưa bao giờ làm công việc đúng chuyên ngành Kỹ thuật sinh học. Cũng vì thế, anh Phong rất khó để "đặt chân" vào thị trường việc làm ngành Kỹ thuật.
Từng làm đến chủ kinh doanh, song anh Phong cho biết bản thân vẫn muốn duy trì nghề shipper sau nhiều năm gắn bó
Anh Phong cũng chia sẻ thêm: "Hầu hết mọi người đều có cái nhìn phiến diện về shipper. Bản thân tôi cũng từng bị hàng xóm chê cười vì từ chủ doanh nghiệp chuyển sang giao đồ ăn. Tuy nhiên, tôi biết có rất nhiều người đồng nghiệp của mình cũng xuất thân từ trường đại học có tiếng, học đến Thạc sĩ, làm đến cấp Quản lý nhưng vẫn chọn ngành này.
Tôi không nghĩ việc học đại học của mình là lãng phí. Học đại học giúp ta trưởng thành và có đầu óc hơn, còn việc thành công hay không là do chính mình lựa chọn!".
Nguồn: Sohu