Huỳnh Hoa (31 tuổi), theo Alex (32 tuổi, quốc tịch Pháp) sang Pháp từ tháng 8/2020. Nhà Alex ở vùng núi phía Đông Bắc nước Pháp, nơi có thiên nhiên chan hòa, có vườn hạt dẻ vàng tươi, có những ngọn đồi cheo leo. Hoa sống cùng bố mẹ chồng trong một căn nhà nhỏ, sử dụng trực tiếp nguồn nước sạch từ rừng.
Dù đang sống giữa trời Âu, song nhiều người rất ngạc nhiên khi thấy căn bếp của Huỳnh Hoa vẫn thường xuyên có sự hiện diện của các món truyền thống Việt Nam. Hoa rất chịu khó lùng mua được những nguyên liệu "hiếm có khó tìm" để lưu giữ được hương vị mâm cơm Việt.
Vợ chồng Huỳnh Hoa - Alex
Nàng dâu đảm kể, món "khoai" nhất từng nấu cho bố mẹ chồng thưởng thức phải kể đến phở gà. Hoa là người gốc miền Tây, trước đây cô không thích phở gà mà thường hay ăn phở bò. Cho đến lần Hoa có dịp làm việc ở sân bay Tân Sơn Nhất, được các đồng nghiệp chỉ cho chỗ thưởng thức phở gà miền Bắc, cô cảm thán "sao ngon quá vậy?".
"Mình nhận ra phở gà Bắc khác hoàn toàn so với phở đã từng ăn. Quả thực mỗi vùng miền có một món ăn mang đặc trưng, bản sắc riêng vùng đó và thậm chí cách nấu cũng sẽ khác nhau", Hoa nhận xét.
Hoa lọc gà xếp sẵn ra đĩa
Nàng dâu đảm nghiên cứu hàng chục clip nấu phở kiểu Hà Nội, tham khảo các "cao nhân" trên hội nhóm nấu ăn mạng xã hội. Việc tìm mua nguyên liệu tại Pháp cũng không quá khó. Hoa mua loại gà thả vườn, nuôi trong các nông trại ở Pháp. Một vài loại rau củ được cô trồng sẵn ở vườn nhà.
"Mình coi một chục clip, ai cũng nhận nấu chuẩn kiểu Hà Nội nhưng rồi mỗi người lại nấu kiểu khác nhau. Mình chọn 3-4 clip kiểu giống nhất, làm theo số đông.
Luộc gà xong sẽ bỏ hành tây, hành tím, gừng đã nướng vào, ngoài ra có rễ ngò rí. Nguyên liệu để nấu phở gà không khó. Nhưng mọi người hay bị nhầm lẫn phở gà nấu giống phở bò và hay cho hồi quế vào, nhưng nếu đã ăn phở gà thật sự sẽ thấy vị khác hẳn, nước rất ngọt thanh của xương gà và thơm mùi rễ ngò", Hoa nói.
Cô dâu Pháp tham khảo nhiều công thức để cho ra món ăn chất lượng nhất
Theo nàng dâu 9X, điểm khác biệt nhất của phở gà miền Bắc là thịt lọc ra thịt, không chặt thành miếng nhỏ lẫn xương.
Alex - chồng Hoa lần đầu thưởng thức món phở rất ngạc nhiên, anh tìm thấy hương vị quen thuộc như khi xưa từng ăn ở Việt Nam. Còn bố chồng Hoa cũng rất thích thú, "húp sạch" tô phở. Hai bố con Alex còn hài hước kể chuyện trước đây từng rất hoảng hốt khi thấy người Việt "chặt thịt gà như chặt củi".
"Cả nhà ai cũng thích ăn phở gà mà thịt gà được lọc xương như vậy, giống như ngoài Bắc họ làm. Bố mẹ chồng mình đã từng ăn phở gà ở Sài Gòn, và rất ngạc nhiên vì sao họ lại chặt gà thành từng miếng nhỏ, có lẫn xương như vậy? Bởi khi ăn thì sẽ hay có những mảnh xương vụn, dễ mắc cổ. Cách chặt gà khiến bố rất sốc, vì bên Pháp sẽ chặt đùi cánh riêng, còn lại thì ức gà, bộ xương sẽ đem bỏ chứ không chặt nguyên con như vậy", Hoa bày tỏ.
Gia đình Hoa thưởng thức món phở gà
Lý do thôi thúc nàng dâu miền Tây chăm chỉ nấu nướng là bởi Hoa không ăn được đồ ăn Pháp. Cô tâm sự, thời gian đầu mới sang, nửa năm đầu tiên thì thấy rất vui vẻ, háo hức với môi trường mới, không gian sống mới.
Nhưng dần dần, nỗi nhớ nhà mới thấm từ từ. "Mình nhớ đồ ăn Việt. Ở Việt Nam ăn món Tây thấy cũng ngon, tưởng đâu sẽ thích nghi được nhưng không, nhà chồng mình ăn khoai tây hàng ngày, như mình ăn gạo vậy đó. Sau khi ăn một tháng mình bắt đầu ốm nghén món khoai tây, nhìn là không ăn nổi. Và nhớ đồ ăn Việt da diết, từ đây mình bắt đầu con đường tập tành nấu ăn", nàng dâu bộc bạch.
Gia đình Alex rất cởi mở và yêu thích việc trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực. Mới đầu, Hoa tập làm nem, vì ở Pháp, nem rất nổi tiếng. Sau đó cô bắt đầu nấu nhiều món hơn để mọi người thưởng thức, từ bún thịt nướng, hủ tiếu, bánh hỏi.
Bố mẹ chồng Hoa rất thích các món ăn Việt
Vào bếp là điều không hề dễ với Huỳnh Hoa. Trước đây ở Việt Nam, Hoa chỉ biết nấu những món đơn giản, thường mua đồ ăn sẵn nhiều hơn. Nhưng nhớ đồ Việt da diết, cô lên mạng, mở Youtube gõ tên từng món rồi học nấu theo.
Có lần, Hoa chiên trứng để ăn cơm. Khi chiên cô cho nước mắm, dậy mùi vang nhà. Ba mẹ chồng Hoa hoảng hốt kêu. "Con ơi, trứng đó hư rồi đó, không nên ăn, lấy trứng khác mà ăn, chứ gì mà mùi nó thúi dữ vậy?". Sau đó Hoa mới giải thích là do mùi nước mắm Việt Nam.
Theo Hoa, văn hóa ăn uống ở Pháp khá đặc biệt. Ở Pháp thường có bữa ăn ngày chủ nhật. Gia đình sẽ tụ tập lại ăn uống nói chuyện vui vẻ với nhau, có thể kéo dài từ trưa 11h đến 5h chiều vẫn chưa ăn xong. Bắt đầu bằng khai vị, bữa chính, rồi tới tráng miệng, xong thì cafe, socola….
Mỗi bữa ăn như vậy khiến Hoa cảm thấy nặng nề. Ngày cô mới sang chưa biết tiếng, nên giống như "vịt nghe sấm", không hiểu mọi người cười gì, nói gì.
Hoa sống bình yên tại Pháp
"Bữa ăn lâu khiến mình hơi mệt, cảm thấy lạc lõng. Với ăn no xong, Việt Nam mình hay đi ngủ trưa, nhưng bên đây thì họ không ngủ. Đó là chưa nói đến đi ăn tiệc, Một bữa tiệc sinh nhật thôi 7,8 tiếng là chuyện bình thường. Tới giờ mình vẫn chưa thích nghi được những bữa ăn dài như vậy", Hoa nói.
Sinh ra ở miền Tây nhưng lớn lên ở Sài Gòn, cô gái trẻ quen với ồn ào náo nhiệt, bước ra đường có đồ ăn, cafe tụ tập cuối tuần. Ở Pháp cuộc sống bình yên hơn, Hoa bắt đầu tập làm bạn với thiên nhiên, rồi làm vườn. Những clip làm vườn, nấu ăn của Huỳnh Hoa nhận được hàng trăm nghìn lượt xem trên mạng xã hội.
Khu vườn ngập cây trái, rau củ
"Thời gian đầu luôn là khoản thời gian khó khăn và tủi thân, vì phải chờ đợi giấy tờ, rồi tiếng chưa ổn nên không có việc làm. Mọi người nên tìm kiếm một thú vui nào đó để thư giãn. Chị em cũng có thể làm may vá, làm đồ handmade, hay tham gia những tổ chức từ thiện, xã hội, đây cũng là cách giúp mình thích nghi nhanh hơn với mọi người.
Điều quan trọng nhất vẫn là học ngôn ngữ của nước đó, nói được tiếng, nghe hiểu rồi thì mình sẽ cảm thấy đỡ lạc lõng, hiểu thêm về văn hóa nước đó hơn. Từ đó thích nghi dễ hơn với cuộc sống nơi xa xứ", nàng dâu đảm trải lòng.