Từ khi chiến tranh nha phiến bắt đầu, xã hội phân tranh không dứt, triều đình Mãn Thanh rối loạn cả trong lẫn ngoài. Mặc cho nhân dân khổ ải trăm bề và những biến cố xảy ra, gia tộc Hoàng thất vẫn ung dung sống trong nhung lụa và hưởng lạc phú quý.
Hai đứa trẻ và túp lều tranh rách nát
Túp lều tranh mục nát của hai đứa trẻ nghèo. Chúng không hề có nổi một cái quần đàng hoàng. Cuộc sống lầm than, dân chúng đồ thán nhưng không ai biết, gặp phải thảm họa chỉ chỉ biết lay lắt giữa sự sống và cái chết.
Truyền giáo sĩ và hướng dẫn viên bản địa
Các truyền giáo sĩ đến Trung Quốc khoác trên mình phục trang triều Thanh. Người đàn ông đang cầm dây cương con lừa bên góc phải kia chính là một hướng dẫn viên bản địa được hai truyền giáo sĩ thuê để dẫn đường.
Để truyền giáo dễ dàng hơn, họ đã hòa nhập với tập tục nơi đây, tuân thủ văn hóa địa phương.
Người ăn mày và đả cẩu bổng
Một người ăn mày rách rưới không có quần áo để mặc. Anh ta đã nhặt tấm thảm trên đường để khoác tạm lên người, một tay cầm chiếc bát lớn để xin tiền và thức ăn, tay còn lại chống chiếc gậy đánh chó, hay còn gọi là đả cẩu bổng - một vật tượng trưng của cái bang trong phim kiếm hiệp xưa.
Tiểu thư đài các và hầu gái
Thời bấy giờ, sự chênh lệch giàu nghèo diễn ra rất rõ rệt. Người nghèo áo không đủ mặc, ăn không đủ no. Người giàu ăn ngon mặc ấm, sống thời thượng, bắt kịp xu thế.
Thiên kim tiểu thư đang ngồi chễm chệ trên ghế để người hầu phía sau chải đầu. Cô cầm một chiếc gương, chân vắt chéo và chỉ quan tâm khuôn mặt quý phái của mình trong gương kia.
Mặc dù xuất thân nghèo hàn, nhưng cô gái người hầu trông vô cùng sáng sủa, tóc búi sát tai, vóc người vừa cao vừa thon, dung mạo còn xinh đẹp hơn cả tiểu thư đài các. Một cách để cô thay đổi vận mệnh chính là trở thành nha đầu động phòng cho lão gia giàu có. Hai người phụ nữ phục vụ một chồng là chuyện vô cùng bình thường ở thời bấy giờ.
Gia đình 4 người
Một bức ảnh chụp gia đình, hai người con trai đứng phía sau bố mẹ. Vì sinh được con trai nên người vợ có thể hãnh diện ngồi ngang hàng với chồng. Bà bó chân “7 tất kim liên” nên hầu như không thể làm các công việc nhà.
Hai vợ chồng lần đầu chụp ảnh
Bức hình chụp chung của hai vợ chồng, có lẽ đây là lần đầu tiên hai người đối diện với máy ảnh nên có phần ngại ngùng. Có thể chụp được những bức ảnh này chứng tỏ điều kiện gia đình không phải tầm thường. Tuy nhiên vì thiếu hiểu biết nên họ sợ rằng máy ảnh chính là thứ chiếm đoạt lấy hồn phách con người nên vẫn run sợ không dám ngồi thẳng.
Vân cách cách và hai con trai
Trưởng nữ Vân cách cách của Khánh Thân vương và con trai cùng chụp ảnh. Vị cách cách hiện lên với dáng vẻ dịu dàng, thanh tú. Hai con trai nhỏ đứng bên cạnh cũng anh tuấn rạng ngời. Tuy nhiên, hồng nhan bạc mệnh, Vân cách cách đã bệnh qua đời khi chỉ mới 30 tuổi, để lại hai đứa con thơ chưa khôn lớn.
Thuyết thư và người dân vây xem
Năm 1906, đám đông vây quanh bên một thuyết thư (người kể chuyện) trên đường Đại Danh Phủ ở Hà Bắc. Thuyết thư ngồi chính giữa kể lại những câu chuyện hấp dẫn trong dân gian cho bá tính cùng nghe. Từ đó có thể nhìn thấy, nghe thuyết thư kể chuyện là một hoạt động thư giãn giải trí hằng ngày của người dân thời bấy giờ. Hơn hết, thuyết thư được chào đón như người nổi tiếng ai nấy cũng kính trọng.
Từ Hi Thái Hậu mặc đồ Quan Âm chụp hình
Từ Hi Thái Hậu yêu thích chụp hình. Bà liên tục chụp hàng loạt bộ ảnh với nhiều bối cảnh khác nhau, đồng thời cũng đích thân chọn ra những bức ảnh vừa ý để lưu lại.
Bức ảnh trên thể hiện Từ Hi đang khoác lên mình bộ đồ Quan Âm ngồi giữa đầm sen nở rộ, phía sau là phông tranh vẽ rừng trúc thanh tịnh. Hai cách cách đứng hai bên cũng đóng giả Quan Âm, một người cầm hộp đựng vật thiêng, một người chắp tay niệm kinh và đỡ lấy thanh kiếm.
(Nguồn: 163)