Vào những năm cuối triều đại nhà Thanh, sức ép từ thời cuộc đã khiến cho sự thịnh vượng và thống trị của nhà Thanh không còn nữa. Để kiếm chút phòng thân cho mình, Cung Thân vương đã tổ chức một buổi bán tất cả các bộ sưu tập đã lưu giữ nhiều đời của phủ. Những người trước đây từng thèm muốn những món bảo vật của phủ Thân vương nghe tin này vui mừng khôn xiết. Chẳng mấy chốc, trước cổng phủ Cung Thân vương đã có một hàng dài người xếp hàng. Chỉ trong một thời gian ngắn, những món bảo vật đã bị "dọn sạch".
Cung Thân vương đã tổ chức một buổi bán các bộ sưu tập đã lưu giữ nhiều đời trong phủ. (Ảnh: Sohu)
Một số lượng lớn các món bảo vật quốc gia như bức tranh thư pháp "Du mục thiếp" của Vương Hy Chi hay bức tranh "Chiếu dạ bạch đồ" của Hàn Kiều… đều được mua hết. Vào thời điểm đó, chuyên gia Chu Khải Kiềm (sinh năm 1871, mất năm 1964) cũng tìm tới với mục đích thu thập đồ cổ và các di vật văn hóa. Khi ông tới nơi thì toàn bộ dinh thự của Cung Thân vương gần như đã trống rỗng. Thế nhưng, lúc Chu Khải Kiềm thất vọng định đi về, ông bị thu hút bởi một "đống giẻ rách" vứt trong một cái sọt rác.
Bằng con mắt tinh tường của mình, Chu Khải Kiềm nhận ra trong đó có bức "Sơn trà kiệp điệp đồ" của Chu Khắc Nhu. Đây là một tác phẩm mô phỏng theo phong cách dệt sợi tơ màu thành hoa văn trên vải lụa thời Nam Tống. Điểm đặc biệt ở bức tranh này là nó mô phỏng hoàn hảo tinh thần của bức tranh thêu gốc với nét vẽ điêu luyện, sống động như thật. Thật không ngờ, những người trong phủ Cung Thân vương đều không biết gì về mấy món bảo vật này, họ lại coi nó và những tác phẩm khác như đống giẻ rách vứt đi.
Bằng con mắt tinh tường, vị chuyên gia đã nhận ra trong "đống giẻ rách" có bức "Sơn trà kiệp điệp đồ" nổi tiếng. (Ảnh: Sohu)
Cuối cùng, Chu Khải Kiềm đã bỏ ra 100 đồng đại dương (tương đương 300.000 đồng Việt Nam) để mua lại tấm "Sơn trà kiệp điệp đồ" cùng những bức họa khác. Tổng cộng, vị chuyên gia này đã mua được 100 bức, tất cả chúng đều tranh thêu quý giá.
Sau đó, nhiều tay buôn đồ cổ đã tìm tới Chu Khải Kiềm để mua lại chúng với giá cao nhưng ông đều từ chối. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau, Chu Khải Kiềm buộc phải bán lại số tranh này với giá 100.000 NDT (hơn 330 triệu đồng) vì cần vốn để điều hành trường học của mình.
Sau đó, vào đầu những năm 1960, Bảo tàng Cố Cung đã thu thập lại toàn bộ tác phẩm này và đưa chúng về trưng bày. Theo định giá trên thị trường buôn bán cổ vật lúc bấy giờ, số tranh này trị giá ít nhất là 1 tỷ NDT (hơn 3.300 tỷ đồng). Chuyên gia Chu Khải Kiềm đã vô cùng sốc khi biết được thông tin về giá trị thực của những tác phẩm mình từng mua.