Tối ngày 1/7, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã có văn bản kiến nghị tỉnh Bình Dương quyết định thực hiện một số giải pháp phòng dịch lây nhiễm trong cộng đồng.
Trong đó, Sở Công Thương Bình Dương đã đề xuất UBND tỉnh Bình Dương phương án phân chia tần suất đi chợ tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, dự kiến áp dụng từ ngày 2/7.
Theo đó, Sở Công Thương sẽ hướng dẫn, hỗ trợ UBND các huyện, thị, thành phố, Ban quản lý các chợ, các doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ truyền thống triển khai phương án phân chia tần suất đi chợ tại các chợ truyền thống.
Mẫu phiếu đi chợ phát cho người dân
UBND các xã, phường sẽ in thẻ gửi đến từng khu phố, cấp phát cho các hộ gia đình, học sinh, sinh viên, người lao động thuê nhà. Các chợ bố trí người thu lại thẻ, lưu giữ theo ngày để phục vụ quá trình điều tra dịch tễ khi cần thiết.
Cụ thể, tần suất đi chợ 3 ngày 1 lần, mỗi hộ sẽ được phát 5 thẻ vào chợ/15 ngày. Thẻ có giá trị sử dụng 1 lần ở chợ bất kỳ trên địa bàn tỉnh.
Trước đề xuất của Sở Công Thương, lãnh đạo UBND tỉnh cho biết sẽ họp lấy ý kiến trên tinh thần không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà vẫn đảm bảo phòng chống lây lan dịch.
Trước đó, ngày 28/6, báo Tiền Phong có bài phản ánh về tình trạng các chợ truyền thống ở Bình Dương quá tải, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh sau khi các chợ tự phát phải tạm ngưng để phòng, chống dịch. Ngay sau khi báo phản ánh, lực lượng chức năng địa phương đã tăng cường đến hỗ trợ các chợ bố trí người dân ra vào hạn chế nhằm tránh hệ lụy khi tụ tập đông người.
Người dân đi chợ truyền thống đông đúc khi chợ tự phát bị cấm
Cũng trong tối 1/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà ký công văn hỏa tốc về thực hiện các biện pháp bổ sung trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Công văn đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 của UBND tỉnh, tiếp tục dừng các hoạt động kinh doanh không thiết yếu. Triển khai thực hiện cách ly y tế tại nhà, ký túc xá đối với F1 nguy cơ thấp.
Các tổ giám sát khu cách ly phải kiểm tra từng ngày; không được để xảy ra tình trạng người cách ly bị ngộ độc. Xem xét bắt buộc hoặc khuyến khích doanh nghiệp tự chịu chi phí mua test nhanh để xét nghiệm cho công nhân ít nhất 1 lần/tuần.