Chúng ta đến thời điểm này đã không còn xa lạ với hình ảnh các doanh nghiệp, tập thể hay cá nhân người Nhật Bản cúi gập mình xin lỗi khách hàng, cộng đồng mỗi khi có sự vụ nào đó tiêu cực xảy ra.
Đó có thể là ngài cựu thủ tướng Naoto Kan cúi đầu xin lỗi đồng bào vì sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi tháng 03/2011.
Đó cũng có thể là thủ tướng Shinzo Abe nhiều lần tự mình xin lỗi người dân vì các bê bối mà vợ ông gây ra. Hay thậm chí là vào ngày 19/06 vừa rồi, ông cũng đã cúi đầu xin lỗi người dân vì tinh thần phi thể thao của đội tuyển Nhật trong khuôn khổ giải World Cup 2018.
Thủ tướng Shinzo Abe xin lỗi vì hành động phi thể thao của đội tuyển Nhật tại World Cup 2018.
Đó là cả một công ty đường sắt xin lỗi vì tàu cao tốc nối giữa Tokyo và Tsukuba chạy sớm 20 giây. Hay ngân hàng xin lỗi khách hàng vì... chính khách hàng làm hỏng cây ATM. Hay clip cả một công ty kem cúi đầu xin lỗi khách hàng do tăng giá kem tính theo tiền Việt là khoảng 2000 đồng.
Chúng ta mỗi lần đọc được những mẩu tin ấy đều thấy khâm phục người Nhật, khâm phục cái đức tính biết xin lỗi và nhận sai của người dân xứ sở hoa anh đào. Thế là chúng ta cứ ước mơ mãi, ước gì chính chúng ta cũng có bản lĩnh nhận sai, xin lỗi, xin được tha thứ mỗi khi chúng ta làm gì nên “tội".
Một trong những nỗi sợ lớn nhất của con người không thuộc về nỗi sợ cái chết, sợ những con mãnh thú, sợ đau hay sợ chia ly, mà chính là nỗi sợ phải đối diện với bản thân, đối diện với những điều xấu xí của chính con người mình. Chúng ta luôn hoài mong cái đẹp, thích phủ những điều sang quý lên bản thân, cũng nhằm che đi những khuyết điểm ấy.
Vậy nên, mỗi khi nhìn thấy hành động của người Nhật, chúng ta cảm thấy khâm phục họ vì cách mà họ dũng cảm đối diện với sai lầm, đối diện với sự chỉ trích.
Hãng kem Akagi xin lỗi người tiêu dùng vì "trót" nâng giá kem từ 60 lên 70 Yên Nhật sau 25 năm giữ giá.
Chuyện xôn xao mấy ngày nay về giáo trình Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại cũng là một câu chuyện gây sóng gió nhiều ngày gần đây. Rất nhiều luồng ý kiến được đưa ra nhưng mạnh mẽ quyết liệt nhất, nhanh chóng nhất chính là ý kiến chỉ trích cách tư duy “vuông tròn tam giác" mà sách Giáo dục công nghệ đề ra. Người ta mải phê phán kiểu dạy cho con “học vẹt" nhưng không hề biết mặt chữ ra sao mà quên đi mất việc phải tỉnh táo rằng đó chỉ là một bài học vỡ lòng rất nhỏ và con chỉ mới đi học được ít lâu làm sao đã biết đánh vần rành rọt. Âu cũng là tâm lý xót cho con trẻ. Ai chả muốn con mình đi học phải biết cái chữ cái số.
Đến khi mọi chuyện được làm rõ, rằng đây là cách dạy rất khoa học để các con biết âm, biết tiếng, rồi mới biết đánh vần thì các vị phụ huynh cũng nguôi ngoai phần nào. Nhiều vị phụ huynh mang tâm lý bức xúc đến trường cũng ra về thông suốt sau khi thảo luận với ban giám hiệu nhà trường. Nhiều cư dân mạng sau khi ném đá chán chê, được tiếp xúc thêm với GS. Hồ Ngọc Đại thông qua các buổi phỏng vấn, bài viết báo chí lại trở nên khâm phục thầy cùng phương pháp giảng dạy của thầy hơn.
Nói chung, người ta khi thông suốt rồi đều thấy mình đã sai khi quá nhanh chóng bức xúc, quên đi sự bình tĩnh tỉnh táo. Trong đó cũng có nhiều cư dân mạng thuộc tầm “có ảnh hưởng lớn".
Và ngay sau đó, nhiều người trong số họ, các KOL mạng xã hội được nhiều người theo dõi từng lên tiếng chỉ trích Giáo sư Đại đã dũng cảm đăng lên các bài viết thừa nhận sai lầm của mình, xin lỗi cộng đồng - những người đã từng bị ảnh hưởng bởi các nhận định không đúng của họ về sách Gíao dục công nghệ, một cách công khai, đồng thời xin rút lại các bình luận không tốt.
Thậm chí, ngay cả một Blogger nọ, vốn khá nổi tiếng với các quan điểm sắc bén, đặc biệt là sự kiên trung với quan điểm của mình đến cùng dù có đôi chút tiêu cực cũng xin rút lại bình luận, gửi lời xin lỗi đến thầy Đại vì các phát ngôn quá lời của mình.
Thực sự đây là một tín hiệu rất đáng mừng trong cách cư xử của các cư dân mạng, các KOL có tầm ảnh hưởng. Không chỉ đơn giản là họ biết lối xử sự rất sai với người đáng tuổi cha, tuổi chú, tuổi ông bà mình, mà còn là hành động dũng cảm đối mặt với những sai lầm rất lớn mà mình đã gây ra.
Họ, những người lớn, đã tự nhận thấy hoá ra mình cũng từng vội vàng đánh giá, vội vàng kết luận trước khi nhìn một cách toàn diện đa chiều sự việc. Họ thừa nhận mình cũng có hành động khá cảm tính. Họ chấp nhận mình cũng kiêu ngạo, đặt kiến thức của mình ở tầm hơi cao để phản đối, hay cười chê một pho công trình nghiên cứu giáo dục.
Những chuyện này đều rất khó khăn để đối diện, nhất là khi bạn là người lớn, có trong tay một lượng người theo dõi và ủng hộ nhất định. Việc chấp nhận mình đã đưa ra các nhận định sai lầm với hàng trăm, hàng nghìn con người xa lạ không phải là việc dễ dàng. Lòng tự trọng của bản thân luôn là trở ngại lớn nhất để mỗi người tự soi gương và phát hiện ra cái không hoàn hảo của chính mình.
Vậy nhưng họ đã làm được.
Đây là cách mà con người vượt qua cái tôi, vượt qua mọi rào cản chỉ trích để làm điều đúng đắn, để quay đầu. Và hơn cả, đây còn là cách để một người có ý thức thể hiện lòng tự trọng, ý thức trách nhiệm với những gì mình đã làm. Có thể các bài đăng, hay những hành động này cũng chẳng đến tai Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nhưng nó thể hiện rằng người đăng sẵn sàng chịu trách nhiệm với những sai lầm mình gây ra, trước công chúng, dù chỉ vài chục, vài trăm người hay lên đến hàng chục, hàng trăm nghìn người theo dõi mình.
Tiếc gì một lời xin lỗi khi chính mình là người đã làm điều sai? Chúng ta không thể mong dân tộc mình sẽ văn minh, văn hoá hơn khi cứ mãi để cái tôi của mình lấn át mọi quyết định. Vượt qua cái tôi của mình, thừa nhận mình là một người không hoàn hảo hay kém về một mặt nào đó không khiến bạn nhỏ bé đi, ngược lại, nó khiến bạn trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn. Một người trưởng thành là người biết mình giỏi ở đâu, kém chỗ nào và thừa nhận chuyện đó.
Thật đáng mừng, đến nay cộng đồng đã có những chuyển biến tích cực, nhất là qua hành động dũng cảm thừa nhận cái sai từ các cư dân mạng - những người nổi tiếng “đâm lao rồi mãi theo lao" cùng các luồng ý kiến đôi lúc không chính xác của mình.
Chúng ta có một đặc sản rất riêng là biết sai nhưng vẫn cố tình không thừa nhận, kể cả khi đuối lý. Nhất là phong cách lấy cái sai khác để biện minh cho cái sai của mình.
Nhưng mà, tiếc gì một lời xin lỗi nhỉ. Xin lỗi đúng lúc, đúng việc thì đâu phải sự hèn nhát bạc nhược?
Xin lỗi đúng lúc thể hiện mình là người trưởng thành, văn minh và có ý thức mà.