Biệt đội chạy đua với "tử thần": Người thân mất vì Covid-19, chỉ khóc một chút rồi tiếp tục chở F0 đi cấp cứu

Huy Hậu, Theo Tổ quốc 09:31 18/08/2021
Chia sẻ

Nhận tin người thân mất vì Covid-19 khi đang thực hiện nhiệm vụ, tài xế taxi ở TP.HCM chỉ dám khóc một chút rồi nén đau thương, tiếp tục chở F0 đi cấp cứu vì không muốn thấy thêm một ai mất nữa.

Biệt đội chạy đua với tử thần: Người thân mất vì Covid-19, chỉ khóc một chút rồi tiếp tục chở F0 đi cấp cứu - Ảnh 1.

Nhận tin bố mất, chỉ khóc trên xe một chút rồi tiếp tục nhiệm vụ

13h ngày 10/8, anh Nguyễn Duy Điệp (ngụ P.14, Q.10, TP.HCM) nhận cuộc gọi khẩn từ gia đình. Bên kia đầu dây, người chị gái nấc lên không ngừng: "Bố mất trong viện rồi". Cúp máy, anh Điệp chỉ còn biết bật khóc trên chiếc xe taxi.

Ngày anh đề nghị đăng ký tham gia đội xe tình nguyện chuyên chở F0 và trang thiết bị y tế tại TP.HCM, bố anh ủng hộ lắm! Hôm 9/8, ông được chuyển vào BV Chợ Rẫy sau một cú ngã nặng, qua xét nghiệm Covid-19 cho kết quả dương tính. Đến chiều hôm sau thì không thể qua khỏi.

Suốt chuyến xe "đặc biệt" hôm đó, anh Điệp cầm vô lăng mà nước mắt chảy không ngừng. Xác nhận thông tin, Ban lãnh đạo đề nghị cho anh được trở về thăm gia đình. Thế nhưng, anh Điệp từ chối, quệt nước mắt rồi tiếp tục chuyến xe chở trang thiết bị đến các trung tâm y tế đang cần.

"Khi đó về không giải quyết được gì nữa, có khi còn mang thêm dịch bệnh cho mọi người nên mình nhắn anh chị lo lắng mọi thứ còn lại cho bố. Buồn lắm chứ! Vì từ chỗ mình tập kết đến nhà chỉ mất 15 phút thôi. Nhưng mình tin bố sẽ hiểu và sẽ tự hào về quyết định của mình", anh Điệp bày tỏ.

Mọi thứ tưởng chừng đã qua thì đến ngày 12/8, anh Điệp tiếp tục đón nhận tin chị gái và mẹ lần lượt trở thành F0. "Vợ con mình buộc phải đi cách ly nơi khác. Mẹ thì đã ngoài 80 còn nhiều bệnh nền nên giờ mình chỉ còn biết mong cầu bình an", anh nói.

Buổi sáng ngày 7/8 của anh Thanh Văn Nới (ngụ P. Linh Xuân, TP. Thủ Đức) cũng sẽ mãi là một ngày không thể quên. 7 giờ sáng, qua điện thoại, chị Nguyễn Thị Thanh Thuân (vợ anh) vẫn còn nhắc khéo chồng chuyện mặc đồ bảo hộ kỹ càng. Mấy hôm rồi, chị xem tin tức số ca nhiễm tăng liên tục trên tivi mà lòng bồn chồn không yên.

Biệt đội chạy đua với tử thần: Người thân mất vì Covid-19, chỉ khóc một chút rồi tiếp tục chở F0 đi cấp cứu - Ảnh 2.

Nghe tin mẹ vợ mất, nhưng anh Nới nén thương đau, tiếp tục chở F0 đi cấp cứu

10 phút sau, chị tiếp tục gọi, một linh tính đã mách bảo anh Nới chuyện chẳng lành. "Vừa bật máy thì cô ấy khóc không ngừng, chỉ nghe 'Má mất rồi anh! Má mất rồi anh', rồi mình khóc theo. Lúc đó mình đang nhận lệnh chở F0, đường về Thủ Đức thì không thể đi được nữa nên mình mới đành bảo cố ấy ráng sắp xếp cho má ra đi an lành", anh buồn rầu kể.

"Khi nào hết dịch anh sẽ về thắp cho má nén nhang", đó là câu cuối cùng anh Nới kịp hứa qua điện thoại.

"Thấy bệnh nhân cận kề cái chết, mình cũng quên sạch nỗi sợ"

Từ ngày 28/7, theo phối hợp giữa Sở Y tế TP.HCM và Tập đoàn Mai Linh, 200 xe taxi đã được chuyển đổi công năng hoạt động thành xe chuyên chở, cấp cứu F0 trên toàn địa bàn thành phố.

Trung bình mỗi ngày mỗi tài xế nhận 5 - 6 ca bệnh, riêng thời điểm cam go số lượng có thể tăng hơn 10 ca/ngày. Họ được mệnh danh là "Biệt đội chạy đua với tử thần", mang trên mình nhiệm vụ cao cả khi phải tận dụng từng phút từng giây để giành giật sự sống cho bệnh nhân nguy kịch.

Thế nhưng, chính họ - những người trực tiếp tiếp xúc, cấp cứu F0 lại chính là lực lượng dễ lây nhiễm dịch bệnh cao nhất. "Ban đầu người ta ngưng thở trước mặt, mình cũng sợ chứ. Nhưng thấy họ cần mình lúc cận kề sự sống cái chết thế, mình nhảy vào bế họ đi thì mọi nỗi sợ cũng tan biến" - anh Điệp nói.

Biệt đội chạy đua với tử thần: Người thân mất vì Covid-19, chỉ khóc một chút rồi tiếp tục chở F0 đi cấp cứu - Ảnh 4.

Tài xế chở F0 được mệnh danh là "Biệt đội chạy đua với tử thần", vì phải tận dụng từng phút từng giây để cứu bệnh nhân nguy kịch

Có hôm đã quá nửa đêm mà điện thoại anh Điệp vẫn réo liên tục. Người phụ nữ khóc phía bên kia đầu dây khi người thân đang nguy kịch nhưng không thể ra khỏi nhà vì quá giờ giới nghiêm. Chẳng kịp nghĩ ngợi, anh Điệp và đồng đội liền lên đường.

"Lúc tới thì người ta đã nằm mê man rồi, mình phải chở đi suốt 5 - 6 tiếng đồ hồ mới có thể tìm được cơ sở cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân…" - anh nhớ lại.

Anh Nới thì nhớ buổi sáng đặt chân vào ngôi nhà trong một hẻm nhỏ ở quận 8, bà mẹ ngoài 60 tuổi nằm trên giường đã hôn mê, chẳng còn cử động. Cả ekip y bác sĩ phải tích cực cấp cứu, ẵm bệnh nhân lên xe chạy đi. Đến khi quay lại thì tới lượt 2 người con gái cũng bắt đầu yếu dần.

"Có khi bệnh nhân vào tới trong viện rồi mà oxy bệnh viện không đủ, mình lại phải ra xe lấy tạm bình dự trữ để cấp cứu tạm thời. Lúc đó, mình hiểu chỉ cần chậm vài phút là đôi khi một bệnh nhân sẽ nguy kịch" - anh Nới tâm sự.

Biệt đội chạy đua với tử thần: Người thân mất vì Covid-19, chỉ khóc một chút rồi tiếp tục chở F0 đi cấp cứu - Ảnh 5.

"Mình hiểu chỉ cần chậm vài phút là đôi khi một bệnh nhân sẽ nguy kịch" - tài xế chở F0 nói

Sẽ chiến đấu đến khi nào chiến thắng dịch bệnh!

Ngày ngày đối diện với tình huống ngàn cân treo sợi tóc, làm việc liên tục 24/24h trong bộ đồ bảo hộ khiến cơ thể mất nước, thiếu oxy trầm trọng. Thế nhưng, thay vì thấy mệt, "Biệt đội chạy đua với tử thần" lại càng trân quý công việc cấp cứu F0 của mình trong thời điểm này hơn.

"Trước đây mình là người chở bệnh nhân tai nạn giao thông, đột quỵ, tự vẫn ra vào bệnh viện liên tục nên mình rất hiểu cảm giác mất người thân ngay trước mặt. Khi dịch bệnh bùng lên ở Sài Gòn, mình biết rằng tài xế taxi là người có thể giúp đỡ người dân kịp thời và hợp lý nhất nên không nghĩ ngợi gì mà đăng ký ngay. Rất may cả gia đình rất ủng hộ" - anh Điệp chia sẻ.

"Nhiều trường hợp mình cứu được bệnh nhân, họ gọi điện cảm ơn làm mình xúc động lắm! Như cái hôm anh chở một cô kia sốt 39 độ ở Lý Thường Kiệt chuyển đi viện. Đến khi hết bệnh, cô gọi, bảo hôm đó là ngày cô may mắn nhất vì gặp được mình mới giữ được mạng sống" - anh Nới nói thêm.

Biệt đội chạy đua với tử thần: Người thân mất vì Covid-19, chỉ khóc một chút rồi tiếp tục chở F0 đi cấp cứu - Ảnh 6.

Anh Nới chia sẻ, đến khi nào chiến thắng được đại dịch mới hết chiến đấu

Ban đầu, nhận tin chồng không trở về nhà để chịu tang mẹ, vợ anh Nới giận lắm! Thế nhưng, khi biết ý nghĩa công việc của anh, bây giờ chị lại càng cảm phục hơn.

"Gia đình gọi 5 - 6 cuộc mỗi ngày, dặn dò giữ sức khoẻ suốt. Mình thì tranh thủ ăn rồi ngủ lúc nào hay lúc đó. Vì mình biết khi nào thành phố này hết F0, dịch thì mình mới trở về" - anh tủm tỉm cười.

Vài phút sau, chiếc điện thoại lại "nổ" một cuộc gọi gấp. Nghe xong, anh bảo tôi: "Đấy! Lại lên đường", rồi chiếc xe lại lao đi trong đêm tối.

Khi đó, chiếc đồng hồ trên tay cũng đã điểm gần 0h.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày