Biến thể R.1 chứa nhiều đột biến lây lan mạnh tại Mỹ, tình hình dịch trong cộng đồng đáng lo ngại ở Lào

Quỳnh Chi, Theo VTV 10:49 24/09/2021

Đến sáng 24/9, thế giới có trên 231,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,73 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 43,48 triệu ca mắc và hơn 701.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 82.100 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Mỹ hiện đang ghi nhận trung bình 2.000 ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày, con số cao nhất trong hơn 6 tháng qua. Đây là mức từng được ghi nhận hồi đầu tháng 3 năm nay. Số ca tử vong đã tăng 13% so với một tuần trước đó và 43% từ đầu tháng 9. Các bang có số ca tử vong cao nhất ở Mỹ gồm Florida và Texas. COVID-19 đã chính thức trở thành đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử Mỹ sau khi số người chết do dịch bệnh này vượt qua con số tử vong do dịch cúm Tây Ban Nha gây ra vào năm 1918.

Một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, vốn lây nhiễm cho các cư dân và nhân viên y tế tại một viện dưỡng lão ở bang Kentucky, đã lây lan ra 47 bang tại Mỹ. Báo Newsweek dẫn số liệu của Cơ quan Y tế bang Kentucky cho biết, 45 cư dân và nhân viên y tế đã nhiễm biến thể R.1 sau khi một nhân viên chưa tiêm chủng mắc bệnh vào tháng 3. Biến thể R.1, được phát hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản, chứa những đột biến mới có khả năng vượt qua khả năng bảo vệ của kháng thể ở những người được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

Tính đến ngày 21/9, biến thể R.1 đã lây nhiễm cho hơn 10.567 người trên khắp thế giới. Maryland là bang có số ca nhiễm biến thể R.1 cao nhất với 399 người mắc bệnh được ghi nhận kể từ khi biến thể này được phát hiện lần đầu tiên tại Mỹ. Tới nay, Mỹ ghi nhận 2.259 ca nhiễm R.1 và biến thể R.1 chiếm khoảng 0,5% số ca mắc COVID-19 tại nước này.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 23/9, nước này ghi nhận 30.180 ca mắc mới COVID-19 và 293 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 33,59 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 446.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh, cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đi lại quốc tế thông qua việc công nhận các giấy chứng nhận vaccine của nhau trong bối cảnh dịch COVID-19. Phát biểu qua đường truyền video tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về COVID-19 do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì vào ngày 22/9, Thủ tướng Modi cho biết, Ấn Độ đang tăng cường năng lực sản xuất các loại vaccine hiện có, nhưng lưu ý cần phải duy trì chuỗi cung ứng nguyên liệu để có thể nối lại việc cung cấp vaccine cho các quốc gia khác.

Ông Modi nhấn mạnh, Ấn Độ cũng cần tập trung vào việc giải quyết các tác động về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Để đạt được điều đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đi lại quốc tế thông qua việc công nhận các giấy chứng nhận vaccine của nhau. Thủ tướng Ấn Độ đồng thời cho biết, cùng với các đối tác trong nhóm Bộ tứ, Ấn Độ đang tận dụng thế mạnh sản xuất của mình để sản xuất vaccine ngừa COVID-19 cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 592.300 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21,28 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Số học sinh mắc COVID-19 ở vùng England (Vương quốc Anh) đã tăng cao kỷ lục trong 7 ngày qua, gây lo ngại về những gián đoạn trong ngành giáo dục và nguy cơ làn sóng lây nhiễm mới ở những nhóm người lớn tuổi. Tỷ lệ trẻ em từ 5-14 tuổi mắc COVID-19 đã tăng 80% trong tuần trước, vượt mức đỉnh hồi cuối tháng 7, kéo theo đó là sự gia tăng các ca mắc ở thế hệ phụ huynh trong độ tuổi từ 30-49 với mức tăng 7%. Hiện Anh đã bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em trong độ tuổi 12-15 ở xứ England. Loại vaccine sử dụng là của Pfizer-BioNTech.

Giáo sư Tim Spector, đứng đầu công trình nghiên cứu triệu chứng của COVID-19 được thực hiện tại Anh, cho biết, các triệu chứng phổ biến nhất hiện nay đã thay đổi rất khác so với khuyến cáo ban đầu của Cơ quan Y tế quốc gia (NHS) nước này. Giáo sư Spector cảnh báo, điều này khiến 50% số người mắc COVID-19 không biết mình đã nhiễm bệnh.

Biến thể R.1 chứa nhiều đột biến lây lan mạnh tại Mỹ, tình hình dịch trong cộng đồng đáng lo ngại ở Lào - Ảnh 1.

Số học sinh mắc COVID-19 ở vùng England (Vương quốc Anh) đã tăng cao kỷ lục trong 7 ngày qua (Ảnh: AP)

Theo ông Spector, có 3 triệu chứng được cho là điển hình của COVID-19 không còn đúng với tình hình thực tế gồm sốt cao, ho nhiều, mất hoặc thay đổi khứu giác, vị giác. Hiện nay, nhiều người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 không có biểu hiện sốt và khó thở trong những ngày đầu sau khi mắc bệnh. Ông Spector cho rằng, các triệu chứng phổ biến của COVID-19 hiện nay rất giống với triệu chứng của bệnh cảm và rất khó để phân biệt hai bệnh này nếu không làm xét nghiệm.

Từ tháng 11, người lao động không tiêm vaccine COVID-19 tại Đức sẽ không còn được nhận các khoản trợ cấp vì mất thu nhập trong thời gian phải thực hiện cách ly. Đây là thông báo mới do Bộ trưởng Bộ Y tế Đức đưa ra.

Theo quy định hiện hành, Đức hỗ trợ một khoản tiền cho người lao động chưa tiêm vaccine nhưng phải thực hiện cách ly trong ít nhất 5 ngày sau khi họ tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc người mới trở về từ các vùng dịch có nguy cơ lây nhiễm cao ở nước ngoài. Trong khi đó, những người đã tiêm vaccine không bị buộc phải cách ly. Chính sách hỗ trợ nói trên sẽ hết hiệu lực từ ngày 1/11 và đây là quy định mới nhất của Chính phủ Đức nhằm khuyến khích người dân tích cực tiêm vaccine ngừa COVID-19. Hiện hơn 63% dân số Đức đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Trong bối cảnh tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang tăng nhanh, Australia đang hy vọng có thể mở cửa biên giới quốc tế vào dịp Giáng sinh năm nay. Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch Australia cho biết, với tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 như hiện nay, ông hy vọng đến cuối năm 2021, biên giới quốc tế của Australia sẽ được mở cửa, đặc biệt là khi 80% người dân từ 16 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi vaccine. Khi đó, giấy chứng nhận tiêm chủng dưới dạng mã QR sẽ được kết nối với hộ chiếu, để mọi người có thể xuất trình khi cần thiết.

Ngày 23/9, Australia ghi nhận 1.832 ca mắc mới. Hiện tổng cộng trên 92.200 ca mắc COVID-19, bao gồm gần 1.200 trường hợp tử vong tại quốc gia này.

Bồ Đào Nha cùng ngày thông báo sẽ dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế COVID-19, sau khi trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng với 85% dân số được tiêm phòng đầy đủ. Từ ngày 1/10, Chính phủ Bồ Đào Nha sẽ không giới hạn số lượng người trong các quán cà phê và nhà hàng, tiệc cưới, trung tâm mua sắm, giải trí. Tuy nhiên, một số hạn chế vẫn được duy trì, bao gồm đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Người nước ngoài tới Bồ Đào Nha bằng đường hàng không hoặc đường biển vẫn phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm COVID-19 âm tính.

Chính phủ Mexico thông báo sẽ tiến hành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 1 triệu trẻ em dưới 18 tuổi có bệnh nền hoặc khuyết tật. Theo số liệu của Bộ Y tế Mexico, quốc gia Bắc Mỹ này đã ghi nhận gần 150.000 trường hợp người dưới 18 tuổi mắc COVID-19, trong đó có trên 700 ca tử vong. Trước tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, Chính phủ Mexico đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Bộ Y tế Mexico đặt mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ người từ 18 tuổi trở lên vào tháng 10 tới.

Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob tuyên bố, Chính phủ nước này quyết định cho phép người dân có thể đi xuyên bang, đồng thời mở cửa trở lại các khu danh thắng, hải đảo và địa điểm du lịch khi 90% người dân từ 18 tuổi trở lên hoàn thành tiêm chủng vaccine COVID-19. Hiện Malaysia đang thí điểm "bong bóng du lịch" ở đảo Langkawi. Từ ngày 16/9, Langkawi đã mở cửa đón du khách nội địa là những người đã hoàn thành tiêm chủng. Có tới 9.500 du khách tới đây ngay trong ngày đầu mở cửa.

Biến thể R.1 chứa nhiều đột biến lây lan mạnh tại Mỹ, tình hình dịch trong cộng đồng đáng lo ngại ở Lào - Ảnh 2.

Hơn 80% người trên 18 tuổi ở Malaysia hoàn thành tiêm chủng đầy đủ (Ảnh: AP)

Malaysia đặt mục tiêu đón 30.000 khách du lịch tới Langkawi trong tháng 9 và tới cuối năm 2021 đón tổng cộng khoảng 200.000 du khách. Sau thành công ở Langkawi, dự kiến nước này sẽ mở "bong bóng du lịch" tới một số địa phương khác từ ngày 1/10.

Tính tới hết ngày 21/9, đã có hơn 80% người trên 18 tuổi ở Malaysia hoàn thành tiêm chủng đầy đủ. Nước này dự kiến mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào cuối tháng 10.

Bộ Y tế Singapore (MOH) cho biết, tất cả các bệnh viện công, bệnh viện tư nhân và bệnh viện cộng đồng trên toàn Singapore sẽ không cho phép người đến thăm bệnh nhân trong vòng 4 tuần, bắt đầu từ ngày 24/9 cho đến hết ngày 23/10. MOH nhấn mạnh, ngày càng có thêm nhiều ca lây nhiễm COVID-19 được phát hiện trong số các nhân viên y tế, các bệnh nhân cũng như những người đến thăm. Điều này đã dẫn đến việc phải đóng cửa thêm nhiều khoa, phòng tại các bệnh viện cũng như số lượng nhân viên bị cách ly ngày càng nhiều, gây sức ép lớn về giường bệnh cũng như nhân viên y tế vào thời điểm Singapore đang cần thêm nhiều giường bệnh để chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nhập viện.

Bộ Y tế Philippines thông báo đã ghi nhận 17.411 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 23/9, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 từ đầu dịch ở nước này lên trên 2,43 triệu trường hợp. Ngoài ra, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 177 người, nâng tổng số người thiệt mạng của cả nước lên 37.405 bệnh nhân. Từ ngày 19/9 vừa qua, số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày ở Philippines ở dưới mức 20.000 người. Trước đó, trong ngày 11/9, số ca mắc mới theo ngày ở nước này là 26.303 trường hợp, cao nhất từ trước tới nay.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1/2020, đến nay, Philippines mới chỉ tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho khoảng 19 triệu người trong tổng dân số khoảng 110 triệu người.

Lào tiếp tục đẩy mạnh công tác xét nghiệm trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng cao. Bộ Y tế Lào ngày 23/9 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 694 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 666 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, còn lại là người nhập cảnh được cách ly ngay. Đây là số ca mắc mới cao nhất trong một ngày được ghi nhận tại Lào kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Theo Bộ Y tế Lào, tình hình dịch COVID-19 trong cộng đồng tại nước này đang ở mức đáng lo ngại và có thể tiếp tục phức tạp hơn trong những ngày tới.

Kế hoạch mở cửa trở lại 5 tỉnh của Thái Lan có thể sẽ phải trì hoãn đến tháng 11 tới thay vì tháng 10 như ban đầu. Lý do là bởi tỷ lệ tiêm chủng ở các địa phương này vẫn chưa đạt mức 70%. Theo kế hoạch ban đầu, từ ngày 1/10, một số tỉnh của Thái Lan sẽ mở cửa trở lại một phần cho du khách nước ngoài mà không cần cách ly nếu đã được tiêm chủng đầy đủ. Thủ đô Bangkok sẽ mở cửa tiếp sau đó, nếu 70% cư dân được tiêm chủng đầy đủ cùng với việc số lượng các ca nhiễm mới giảm đi. Theo Trung tâm Quản lý Tình hình COVID-19 Thái Lan, hiện mới có hơn 40% trong tổng số 7 triệu cư dân của thủ đô Bangkok được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19.

Thái Lan vẫn đang nỗ lực cứu ngành du lịch, cắt giảm một nửa thời gian cách ly cho khách nước ngoài nhập cảnh đã được tiêm. Ban phòng chống COVID-19 Thái Lan đang đề xuất mở cửa trở lại thủ đô Bangkok và các điểm du lịch nổi tiếng ở Thái Lan bắt đầu từ tháng 10. Du khách nước ngoài sẽ chỉ phải cách ly 1 tuần nếu đã tiêm đủ 2 mũi, cách ly 10 ngày nếu chưa có chứng nhận tiêm chủng. Tới tháng 11, khi độ bao phủ vaccine tại Thái Lan rộng hơn, du khách tiêm đủ 2 mũi sẽ không cần phải cách ly.

Thái Lan ngày 23/9 ghi nhận thêm 13.256 ca mắc mới COVID-19 cùng 131 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca nhiễm ở nước này từ đầu dịch lên hơn 1,5 triệu người, trong đó có 15.884 bệnh nhân không qua khỏi. Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất trong 4 ngày qua, trong đó hơn 4.000 ca được phát hiện tại thủ đô Bangkok và các khu vực lân cận.

Campuchia tạm ngừng lễ Pchum Ben do lo ngại bùng phát dịch bệnh COVID-19. Một số chùa xảy ra lây nhiễm dịch bệnh chỉ sau 2 ngày diễn ra lễ hội này. Theo Thủ tướng Campuchia Hun Sen, nếu tiếp tục tổ chức đủ 15 ngày, nguy cơ là rất lớn, ảnh hưởng tới chương trình mở cửa lại trường học, số người nhiễm bệnh và tử vong sẽ tăng lên rất cao... Cả nước Campuchia có 5.000 ngôi chùa. Trong dịp lễ Pchum Ben, người dân sẽ di chuyển nhiều và thường xuyên ghé thăm các ngôi chùa. Đây có thể là nguồn lây nhiễm nguy hiểm.

Truyền thông Trung Quốc đăng tải thông tin cho biết, vaccine dạng "hít khí dung" có thể tạo ra một phản ứng miễn dịch tế bào mạnh mẽ và duy trì mức độ phản ứng miễn dịch tương đương với mức độ có được bằng cách tiêm bắp. Thử nghiệm cũng cho thấy, hai liều vaccine dạng khí dung được dung nạp tốt mà không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào liên quan đến vaccine. Vaccine này có thể sẽ sớm được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Trung Quốc. Vaccine "dạng hít" do CanSino Biologics và Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc phối hợp phát triển. Các thử nghiệm lâm sàng vẫn đang được tiếp tục tiến hành.