PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TPHCM, cho rằng biến thể phụ BA.5 thuộc biến thể Omicron nên chúng có một số đặc điểm tương tự các biến thể phụ khác của Omicron là có khả năng lây lan cao. Tuy nhiên, khả năng để BA.5 làm tăng số người mắc phải nhập viện và tử vong là ít hơn nhiều so với biến chủng Delta. Ông dự đoán, BA.5 xuất hiện ở Việt Nam sẽ làm tăng số ca mắc COVID-19 và tạo ra một làn sóng dịch nhưng chưa phải là bùng phát dịch. Làn sóng dịch này cũng sẽ nhỏ hơn so với làn sóng dịch trước đây. Do đó, người dân cần cảnh giác, nhưng không nên quá lo lắng với biến thể phụ này.
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 vẫn có hiệu lực với biến thể phụ mới
TS Sorroco Escalante, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết: “Khi virus tiếp tục lưu hành, chúng ta sẽ thấy xuất hiện nhiều biến thể mới. Các biến thể mới có thể dễ lây lan hơn và có thể gây ra bệnh nặng hơn. Các biến thể mới có thể dễ dàng lan truyền, đặc biệt là khi du lịch toàn cầu tăng lên. Các biến thể phụ của Omicron là BA.5 và BA.4 tiếp tục có xu hướng tăng lên trên toàn cầu và đã được phát hiện lần lượt ở 62 và 58 quốc gia.
Ở một số quốc gia, sự gia tăng các trường hợp mắc cũng dẫn đến sự gia tăng nhập viện và cần chăm sóc tích cực. Một điều cần khẳng định là COVID-19 không phải là một bệnh nhẹ. Ngay cả khi bạn khỏe mạnh thì không có gì đảm bảo rằng khi mắc bệnh bạn sẽ bị nhẹ. Tiêm vắc xin, bao gồm cả liều nhắc lại, giúp ngăn ngừa việc mắc COVID-19 nghiêm trọng có thể dẫn đến nhập viện và tử vong”.
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nói: “Chúng ta chưa biết được với ngưỡng kháng thể thế nào thì con người bảo vệ được khỏi COVID-19. Tuy nhiên, người đã mắc và đã tiêm vắc xin thì kháng thể tăng rất cao, thời gian bảo vệ lâu hơn”.
Ông Dũng cho rằng, tương tự các biến thể phụ Omicron trước, BA.5 có khả năng tránh vắc xin một phần. Tuy nhiên, vắc xin vẫn giữ được hiệu quả giảm diễn biến nặng và tử vong đối với người nhiễm BA.5. Do đó, ông Dũng khuyến cáo người dân cần đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 khi có chỉ định. Người cao tuổi hoặc người có bệnh nền cần tiêm mũi 4 (mũi nhắc lại thứ 2) khi đã qua 4 tháng kể từ ngày tiêm mũi 3.
Hiệu quả vắc xin giảm nhưng vẫn có hiệu lực bảo vệ
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, hiệu quả bảo vệ của vắc xin với biến thể Omicron có thể giảm nhưng vẫn có hiệu lực, vẫn tốt. So sánh 2 đợt bùng phát dịch vừa qua tại miền Nam và miền Bắc, chưa tiêm và đã tiêm, chúng ta có thể thấy năm ngoái số mắc rất cao, tử vong lớn, ca nặng nhập viện nhiều nhưng thời gian qua thì không. Điểm quan trọng của vắc xin là mắc bệnh không nặng, không tử vong. Dù biến thể phụ này lây lan nhanh nhưng thực tế, số ca mắc nặng không quá cao, không gây quá tải hệ thống y tế.
Theo TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lí khám chữa bệnh (Bộ Y tế), các bằng chứng khoa học đã chỉ ra rằng, hiệu quả bảo vệ của vắc xin phòng COVID-19 là trên 50%.
Các chuyên gia đều thống nhất ý kiến vắc xin phòng COVID-19 hiện nay vẫn có hiệu lực đối với biến thể Omicron. Tuy nhiên, do hiệu lực bảo vệ của vắc xin không bền vững, sau một thời gian, miễn dịch giảm, nên sau khi tiêm hai mũi vắc xin liều cơ bản, người dân nên tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại để kích thích hệ thống miễn dịch. “Việc tiêm vắc xin, cần đặc biệt lưu ý đến đối tượng có nguy cơ cao, người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch… Những trường hợp trước chống chỉ định mà nay không chống chỉ định nữa thì cần rà soát để tiêm”, ông Phu nói.