Biến thể Delta tiếp tục “lộng hành”, đã đến lúc cần vaccine Covid-19 mới?

Mai Trang, Theo VOV 09:53 19/08/2021
Chia sẻ

Ngày càng có nhiều người mắc Covid-19 dù đã được tiêm chủng đầy đủ cùng với sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Delta đặt ra câu hỏi liệu đã đến lúc chúng ta cần tiêm mũi tăng cường, hay thậm chí là loại vaccine mới hay chưa?

Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã khiến nhiều người nhập viện hơn và nhiều tiểu bang và thành phố lớn tại Mỹ đã phải khôi phục quy định đeo khẩu trang. Biến thể Delta, có khả năng lây truyền cao hơn các biến thể SARS-CoV-2 trước đó, cũng có thể gây nên hiện tượng “lây nhiễm đột phá” ở những người đã tiêm chủng.

May mắn thay, các loại vaccine hiện tại làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong do Covid-19. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của biến thể Delta cũng như các biến thể mới trong tương lai, liệu đã đến lúc chúng ta cần tiêm mũi tăng cường, hay thậm chí là nghiên cứu phát triển một loại vaccine mới hay chưa?

Các chuyên gia y tế cho biết, điều khẩn cấp hiện tại là tiêm chủng cho những người chưa tiêm một liều vaccine nào. Phần lớn mọi người không cần mũi tăng cường để ngăn ngừa mắc bệnh nặng. Tuy nhiên, các công ty sản xuất đang xem xét cập nhật vaccine đối với các biến thể mới và nhiều khả năng mũi vaccine thứ ba sẽ sớm được triển khai. Hiện tại, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã “bật đèn xanh” tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ ba cho người bị suy giảm hệ miễn dịch.

Các nhà phát triển vaccine đang xem xét liệu trong tương lai các loại vaccine Covid-19 có cần điều chỉnh để có thể ngăn chặn Delta hay các biến thể mới khác hay không. Các bằng chứng ban đầu cho thấy, mũi tiêm tăng cường sẽ bổ sung khả năng bảo vệ chống lại biến thể Delta.

Hiệu quả của vaccine trước biến thể Delta

Trong khi các loại vaccine hiện tại có hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng và tử vong do Covid-19, các ca lây nhiễm đột phá đang gia tăng do biến thể Delta. Theo Live Science, hiệu quả của vaccine trước biến thể Delta phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Jordi Ochando, nhà miễn dịch học tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai, cho biết, rất khó để so sánh hiệu quả của vaccine trước biến thể Delta giữa các quốc gia. Các quốc gia khác nhau có tỷ lệ tiêm chủng và thời điểm tiêm khác nhau. Ngoài ra, độ tuổi và tình trạng bệnh nền của người dân ở các nước cũng khác nhau.

Dữ liệu tổng hợp từ nhiều quốc gia cho thấy, vaccine mRNA của Pfizer-BioNTech và Moderna có khả năng chống lại biến thể Delta lên đến 50-60%. Bên cạnh đó, các nghiên cứu chỉ ra rằng, vaccine 1 liều Johnson & Johnson (J&J) tạo ra mức kháng thể trung hòa thấp hơn so với vaccine mRNA 2 liều.

Dữ liệu trên cũng cho thấy, vaccine J&J cũng có thể ngăn ngừa mắc bệnh nặng đối với biến thể Delta. Mặc dù những người bị lây nhiễm đột phá có triệu chứng có thể lây lan biến thể Delta, vaccine vẫn có khả năng giảm sự lây truyền của virus khi rút ngắn thời gian mắc bệnh ở những trường hợp này. Một nghiên cứu được thực hiện ở Singapore cho thấy, tải lượng virus ban đầu là như nhau ở những người đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng nhiễm biến thể Delta, nhưng nó giảm nhanh hơn ở những người đã tiêm chủng và bắt đầu giảm mạnh vào ngày mắc bệnh thứ 5 hoặc thứ 6. Điều này có thể đồng nghĩa với việc tiêm chủng sẽ rút ngắn thời gian lây nhiễm. Tuy nhiên, cần có thêm xác nhận để thấy rằng kết quả nghiên cứu trên có bền vững hay không.

Vì sao biến thể Delta có thể gây ra lây nhiễm đột phá?

Chưa rõ chính xác tại sao biến thể Delta có thể phá vỡ sự bảo vệ do vaccine tạo ra, nhưng có nhiều yếu tố tác động đến việc này. Thứ nhất, kháng thể mà vaccine tạo ra có thể không liên kết với các biến thể. Biến thể Delta có các gai protein đột biến khiến các kháng thể ban đầu của vaccine không thể thích ứng. Theo Yiska Weisblum, nhà nghiên cứu về virus học tại Đại học Rockefeller ở New York, điều này nghĩa là lượng kháng thể ở những người đã từng lây nhiễm và đã tiêm vaccine không hoàn toàn bảo vệ họ trước biến thể Delta.

Một lý do khác có thể khiến hiệu quả của vaccine giảm sút trước biến thể Delta là hệ miễn dịch bắt đầu “mất cảnh giác” theo thời gian. Điều này từng xảy ra với vaccine ho gà. Đó là lý do tại sao những người sắp làm cha mẹ và những người lớn ở gần trẻ sơ sinh chưa tiêm chủng nên tiêm nhắc lại vaccine ho gà.

Liệu khả năng miễn dịch giảm đi có phải là vấn đề đối với vaccine hay không hiện đang là chủ đề được thảo luận sôi nổi giữa các nhà nghiên cứu. Các cơ quan y tế Israel cho biết, họ đã chứng kiến số ca lây nhiễm đột phá tăng và lo ngại về sự gia tăng các trường hợp lây nhiễm đột phá nghiêm trọng ở những người trên 60 tuổi.

Dữ liệu từ Tổ chức bảo vệ sức khỏe Israel (HMO) cho thấy, 2% số người yêu cầu xét nghiệm PCR vì bất kỳ lý do gì sau khi đã tiêm vaccine có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Những người tiêm chủng sau hơn 146 ngày trước khi xét nghiệm có nguy cơ bị lây nhiễm đột phá cao gấp đôi. Phần lớn các trường hợp trong nghiên cứu là nhiễm biến thể Delta.

“Rất khó để theo dõi khả năng miễn dịch suy giảm vì cần phải xem xét cùng một nhóm người theo thời gian và theo dõi tình trạng lây nhiễm của họ trong thời gian dài”, Eric Topol, Giám đốc Viện Nghiên cứu Scripps ở La Jolla, nói.

Vaccine Covid-19 thế hệ tiếp theo

Khả năng lây nhiễm của biến thể Delta cho người đã tiêm chủng đầy đủ đặt ra câu hỏi đâu sẽ là chiến lược tốt nhất để ứng phó với đại dịch trong tương lai. Một lựa chọn là tiêm nhắc lại cùng một loại vaccine để tăng lượng kháng thể lên mức có thể chống lại biến thể Delta.

Tiến sĩ Krutika Kuppalli, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Nam Carolina, cho biết, việc cố gắng nghiên cứu vaccine dành riêng cho biến thể Delta có thể sẽ chỉ giải quyết được vấn đề tạm thời. “Đã có những cuộc nghiên cứu về việc cập nhật vaccine mRNA đối với một gai protein đặc trưng của biến thể Alpha. Giờ đây, biến thể Alpha đã suy giảm nhưng biến thể Delta với khả năng lây lan nhanh chóng đã xuất hiện. Vào thời điểm một loại vaccine mới có thể sẵn sàng ra mắt thì chúng ta lại đối mặt với biến thể mới”, bà Kuppalli nói.

“Biến thể Delta đã dạy chúng ta bài học rằng, vaccine ngừa Covid-19 trong tương lai sẽ không chỉ ngăn chặn mỗi biến thể Delta mà còn tất cả các chủng virus SARS-CoV. Một loại vaccine phổ biến có thể dựa trên những điểm tương đồng giữa các virus như SARS-1, xuất hiện vào năm 2003, tương tự 95% về mặt di truyền với SARS-CoV-2”, ông Topol nói.

Chuyên gia Ochando cho biết, một biện pháp tức thời hơn có thể là khai thác những lợi thế từ những loại vaccine đã được phê duyệt. “Việc kết hợp các loại vaccine dường như cũng giúp tăng khả năng miễn dịch”, Ochando nói, trích dẫn một số bài báo đăng trên tạp chí y khoa The Lancet.

Viễn cảnh khó đoán

Một lý do khiến tương lai của vaccine Covid-19 chống lại các biến thể mới rất khó đoán là các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn tế bào miễn dịch nào thể hiện tốt nhất hiệu quả của vaccine trong thời gian dài. Hầu hết các nghiên cứu hiện nay đều xem xét các kháng thể trung hòa. Tiến sĩ Zain Chagla, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học McMaster, cho biết, kháng thể trung hòa có thể ngăn lây nhiễm nhưng không tốt bằng các tế bào ngăn ngừa mắc bệnh nặng. Đó là do hệ thống miễn dịch thu nạp một loạt các chất bảo vệ tế bào như tế bào B và tế bào T để bảo vệ cơ thể khi virus xâm nhập. Chúng không hoạt động nhanh chóng như các kháng thể trung hòa, nhưng có thể ngăn tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.

Theo thời gian, các kháng thể trung hòa suy giảm, trong khi các tế bào miễn dịch lâu dài như tế bào nhớ B và tương bào vẫn tồn tại, sẵn sàng tạo ra một phản ứng mới nếu virus xuất hiện trở lại. Một thách thức đối với việc đánh giá hiệu quả của vaccine trong tương lai là tìm ra loại tế bào miễn dịch để xác định mức độ bảo vệ của một người trước virus sau khi lượng kháng thể giảm xuống.

Nếu liều thứ ba của các loại vaccine hiện tại hoặc một vaccine mới được chứng minh là cần thiết, thì mọi người không nhất thiết sẽ cần tiêm vaccine Covid-19 mỗi 6 tháng đến 1 năm trong suốt quãng đời còn lại. Một số loại vaccine, như vaccine viêm gan B, có hiệu quả tốt nhất với 3 liều, sau đó hiếm khi cần tiêm nhắc lại. Céline Gounder, chuyên gia bệnh truyền nhiễm và nhà dịch tễ học tại Trường Y Grossman, Đại học New York, cho biết, có thể 3 liều vaccine mRNA được tiêm đúng thời gian sẽ mang lại hiệu quả bảo vệ lâu dài và mạnh mẽ.

“Cho dù dữ liệu cuối cùng kết luận như thế nào về sự cần thiết của mũi tăng cường, thì hiệu quả thực sự của việc tiêm chủng vẫn nằm ở những mũi tiêm đầu tiên, không phải mũi thứ ba”, Kuppalli nói với Live Science.

Theo dữ liệu của Our World in Data, chỉ có 15,6% dân số trên thế giới đã được tiêm chủng đầy đủ. Điều này khiến nhiều chuyên gia y tế lo ngại rằng, các quốc gia có thu nhập cao sẽ tiêm liều tăng cường trong khi nhiều nước khác trên thế giới thiếu hụt nguồn cung vaccine. Ông Ochando cho rằng, việc tiêm mũi tăng cường cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch và người cao tuổi ở các nước giàu có là điều hợp lý, nhưng việc tiêm mũi thứ ba cho những người trẻ và khỏe mạnh ở các quốc gia giàu là điều “khó chấp nhận”, khi mà mới chỉ có 2% dân số châu Phi được tiêm chủng đầy đủ.

“Tôi hiểu rằng các quốc gia muốn bảo vệ cho người dân của họ, nhưng tôi nghĩ các nhà lãnh đạo nên nhìn vào bức tranh đại dịch trên trên toàn cầu và xem tại sao những biến thể mới lại xuất hiện. Lý do khiến các biến thể mới tiếp tục xuất hiện là tỷ lệ lây nhiễm trên toàn cầu vẫn chưa giảm xuống”, bà Kuppalli nói.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày