Theo một nghiên cứu đăng trên tờ Current Biology, các thế hệ sau trong quần thể rùa biển xanh (đồi mồi dứa) ở rạn san hô Great Barrier hầu như đều là giống cái.
Không giống như con người và phần lớn động vật có vú khác xác định giới tính bằng nhiễm sắc thể, giới tính của các loài bò sát (ví dụ như rùa) được xác định bởi nhiệt độ ủ trứng.
Nhiệt độ ấm áp dẫn đến việc một con cái được sinh ra, trong khi lạnh hơn có nghĩa là con đực. Để biết chính xác số lượng con đực và con cái được sinh ra, các nhà khoa học đã sử dụng nhiệt độ tham khảo ở mức 29,3 độ C cho loài rùa này.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã khiến sự chênh lệch giới tính của đồi mồi dứa ngày một nghiêm trọng.
"Nghiên cứu này rất quan trọng, vì nó cung cấp sự hiểu biết mới về những gì chúng ta đang phải đối phó", Michael Jensen, nhà khoa học biển kiêm tác giả nghiên cứu cho biết.
"Biết được tỷ số giới tính trong quần thể rùa hiện nay và trong 5, 10, thậm chí là 20 năm tới, khi những con rùa non trưởng thành là điều rất đáng giá".
Rùa biển xanh (đồi mồi dứa)
Có 2 quần thể rùa biển xanh khác dọc theo rạn san hô Great Barrier. Ở những bãi biển ấm hơn về phía bắc, các nhà nghiên cứu nhận thấy lần lượt 99,1% (rùa non); 99,8% (rùa gần trưởng thành); 86,8% (rùa đã trưởng thành) đều là con cái.
Trở lại vùng phía nam mát mẻ hơn, tỷ lệ con cái giảm xuống còn 65 - 69%. Tuy nhiên, việc thiếu rùa đực trong tương lai có thể gây bất lợi cho cả quần thể rùa ở đây.
Giám đốc điều hành của Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) khu vực Úc, Dermot O'Gorman, cho biết: "Lần đầu tiên trở lại rạn san hô này, hầu như chẳng bắt gặp con đồi mồi dứa đực nào".
Trong nỗ lực giúp loài rùa này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng, Bộ Môi trường Queensland đã thử nghiệm căng các tấm vải che mát cho chỗ những con rùa hay qua lại.
Theo Mashable