“Cơn ác mộng” không hồi kết
Trong khi một số quốc gia từng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đang chuẩn bị cho kịch bản lạc quan hơn với việc từng bước nới lỏng biện pháp phong tỏa để đưa cuộc sống trở lại bình thường thì Brazil vẫn phải vật lộn kiểm soát dịch bệnh, phải chứng kiến số người tử vong tăng cao kỷ lục và hệ thống y tế trên bờ vực sụp đổ. Điều gì đã phủ bóng đen lên các nỗ lực đẩy lùi dịch Covid-19 tại nước này?
Brazil đang phải đối phó với biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng từ thành phố này sang thành phố khác còn người dân thì quá mệt mỏi với việc phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Hôm 2/3, nước này ghi nhận hơn 1.700 ca tử vong do Covid-19 - mức cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Trong một tuyên bố, hiệp hội y tế quốc gia Brazil cho biết: “Số ca mắc gia tăng mạnh tại nhiều bang đã dẫn tới sự sụp đổ hệ thống bệnh viện công và tư. Tình huống này sẽ sớm xuất hiện tại tất cả các vùng miền trên khắp đất nước. Thật đáng buồn, việc triển khai tiêm phòng vaccine và tốc độ cung cấp vaccine chậm chạp cho thấy kịch bản này sẽ khó bị đảo ngược trong thời gian ngắn”. Đây không chỉ là tin tức tồi tệ với Brazil mà còn là lời cảnh báo cho toàn thế giới.
Theo các nghiên cứu ban đầu, biến thể của virus SARS-CoV-2 đang hoành hành tại thành phố Manaus không chỉ có tốc độ lây lan nhanh mà còn có thể tái lây nhiễm cho những người trước đó đã khỏi bệnh. Biến thể này đã vượt qua biên giới của Brazil và xuất hiện tại Mỹ cùng hơn 10 quốc gia khác.
Quá trình thử nghiệm cho thấy, một số loại vaccine Covid-19 dù không ngăn ngừa được sự lây nhiễm biến thể mới, nhưng sẽ giúp bệnh tình không tiến triển nặng hơn. Tuy nhiên, số người được tiêm chủng trên thế giới vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Điều đó có nghĩa là ngay cả những người đã khỏi bệnh và nghĩ rằng họ đã an toàn vẫn có thể gặp rủi ro và việc dỡ bỏ biện pháp phong tỏa tại một số quốc gia có lẽ được thực hiện quá sớm.
Ông William Hanage - một nhà dịch tễ học tại trường y tế công Harvard T.H. Chan của Đại học Harvard cho biết: “Bạn cần phải tiêm vaccine để tránh những rủi ro này. Bởi mức độ kháng thể mà cơ thể tạo ra sau khi mắc bệnh sẽ không đủ để bảo vệ bạn”.
Manaus – thủ phủ bang Amazonas đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vào tháng 4 và tháng 5/2020 đến mức các nhà khoa học tin rằng thành phố này có thể đã đạt được miễn dịch cộng đồng. Một số nhà khoa học ước tính 3/4 dân số Manaus đã mắc bệnh. Nhiều người tin rằng thành phố đã vượt qua cơn khủng hoảng tồi tệ nhất.
Nhưng đến tháng 9/2020, số ca mắc bắt đầu gia tăng trở lại, khiến các quan chức y tế bối rối. Nỗ lực của thống đốc Amazonas Wilson Lima nhằm áp đặt biện pháp cách ly xã hội trước dịp Giáng sinh đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các chủ doanh nghiệp và các chính trị gia thân tín của Tổng thống Jair Bolsonaro.
Vào tháng 1/2021, các nhà khoa học đã phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2, có tên gọi P.1 đang “thống trị” bang này. Trong vòng 2 tuần, sự nguy hiểm của nó đã được cảm nhận rõ rệt: các bệnh viện trong thành phố Manaus cạn kiệt máy thở oxy do quá tải bệnh nhân và số ca tử vong tăng chóng mặt.
Bác sĩ Antonio Souza vẫn chưa hết ám ảnh khi nhớ lại gương mặt thất thần của các đồng nghiệp và người nhà bệnh nhân do nguồn cung cấp oxy tại bệnh viện Manaus trở nên cạn kiệt. Ông thậm chí đã phải dùng thuốc an thần để giúp bệnh nhân ra đi thanh thản hơn vì không có máy thở. “Đây là quyết định mà không ai muốn đưa ra. Nó quá khủng khiếp”, bác sĩ Antonio Souza nói.
Một y tá ở Manaus, cho biết cô cảm thấy như bị mắc kẹt trong một “cơn ác mộng không hồi kết” vào đầu năm nay. Tại nơi làm việc, bệnh nhân và thân nhân của họ khẩn cầu được thở oxy, tất cả các giường chăm sóc đặc biệt đã kín chỗ. Còn ở nhà, con trai cô bị bệnh lao sau khi mắc Covid-19 và chồng cô cũng phải chống chọi với căn bệnh này.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 sau đó đã giảm nhẹ hơn ở Amazonas, nhưng lại trở nên tồi tệ ở các khu vực khác của Brazil. Các nhà khoa học đã cố gắng tìm hiểu biến thể mới và theo dõi sự lây lan của nó, song nguồn lực xét nghiệm hạn chế đã khiến họ bị tụt lùi phía sau khi cố gắng xác định vai trò của nó.
“Phòng thí nghiệm sống” của biến chủng SARS-CoV-2
Vào cuối tháng 1, các nhà nghiên cứu của chính phủ Brazil cho biết, biến thể P.1 xuất hiện trong 91% số mẫu virus SARS-CoV-2 được giải trình tự gen tại Amazonas. Đến cuối tháng 2, các quan chức y tế thông báo rằng số trường hợp nhiễm biến thể P.1 đã xuất hiện tại 21 trên tổng số 26 bang của Brazil. Điều này cho thấy tốc độ lây lan của biến thể này vô cùng khủng khiếp.
Ở giai đoạn đầu của đại dịch, các nhà nghiên cứu cho rằng việc tái nhiễm SARS-CoV-2 là cực kỳ hiếm. Điều này khiến những người khỏi bệnh nghĩ rằng họ đã có khả năng miễn dịch, ít nhất là trong một khoảng thời gian. Nhưng đến khi P.1 xuất hiện, các bác sĩ và y tá đã quan sát thấy điều kỳ lạ.
Bác sĩ João Alho tại thành phố Santarém ở Para, bang tiếp giáp với Amazonas cho biết, một số đồng nghiệp của anh sau khi khỏi bệnh cách đây 19 tháng đã bị mắc Covid-19 trở lại và có kết quả xét nghiệm dương tính.
Juliana Cunha, một y tá ở Rio de Janeiro, người đang làm việc tại trung tâm xét nghiệm Covid-19 chia sẻ, cô nghĩ rằng bản thân cô đã an toàn sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 vào tháng 6/2020. Nhưng đến tháng 11/2020, sau khi xuất hiện các triệu chứng nhẹ, cô lại có kết quả dương tính. “Tôi không thể tin được. Đó có lẽ là biến thể của virus”, Cunha nói.
Sẽ rất khó để xác định chuyện gì đã xảy ra với những bệnh nhân này nếu mẫu bệnh phẩm mới và cũ của họ không được giữ lại, không được giải trình gen virus và đưa ra so sánh.
Miguel Nicolelis - nhà dịch tễ học tại Đại học Duke ở Mỹ rằng, nếu Brazil không nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, nơi đây sẽ trở thành "phòng thí nghiệm biến chủng virus SARS-CoV-2”. Điều này đồng nghĩa với việc Brazil có thể là trung tâm phát tán những biến chủng virus dễ lây nhiễm và chết chóc hơn, bởi mỗi một ca bệnh đều ẩn chứa cơ hội để virus biến đổi gen. Càng nhiều người nhiễm virus, nó càng có nhiều cơ hội để tiến hóa.
Chậm chạp trong tiến trình tiêm chủng vaccine
Một biện pháp để hạn chế sự gia tăng ca mắc là thực hiện chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Tuy vậy tại Brazil và nhiều quốc gia khác, quá trình tiêm chủng diễn ra rất chậm chạp.
Brazil bắt đầu tiêm chủng cho các nhóm ưu tiên, trong đó có các chuyên gia y tế và người già vào cuối tháng 1/2021. Nhưng chính phủ nước này không thể đảm bảo được đủ nguồn cung, trong khi đó, Tổng thống Bolsonaro vẫn luôn hoài nghi về hiệu quả của vaccine và ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo Bộ Y tế nước này, 5,8 triệu người Brazil, tương đương 2,6% dân số được tiêm ít nhất 1 liều vaccine Covid-19 tính đến ngày hôm qua (3/3). Và số người được tiêm hai liều là 1,5 triệu người. Quốc gia này hiện đang sử dụng vaccine CoronaVac do Trung Quốc sản xuất và vaccine của hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford phát triển.
Bác sĩ chuyên khoa phổi Margareth Dalcolmo tại Fiocruz– trung tâm nghiên cứu y khoa lớn nhất Mỹ Latinh cho biết, việc Brazil không thể thực hiện chiến dịch tiêm chủng mạnh mẽ là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay.
“Chúng ta nên tiêm chủng cho hơn một triệu người mỗi ngày. Đó là sự thật. Nhưng chúng tôi không làm vậy, không phải vì chúng tôi không biết cách làm điều đó, mà bởi vì chúng tôi không có đủ vaccine”, bác sĩ Margareth Dalcolmo cho biết.
Ester Sabino, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học São Paulo - một trong những chuyên gia hàng đầu về biến thể P.1, cho biết, các quốc gia luôn luôn phải đề cao cảnh giác trước sự xuất hiện biến thể mới.
“Bạn có thể tiêm chủng cho toàn bộ dân số và kiểm soát dịch bệnh trong một thời gian ngắn. Nhưng nếu ở một nơi nào đó trên thế giới, biến thể mới xuất hiện thì một ngày nào đó, bạn sẽ dễ phải đối mặt với chúng”.