Bị xem là đứa vô cảm, nhưng đó chính là cách tôi tự bảo vệ mình khỏi thị phi: Im lặng để yên ổn!

Trung Hạ, Theo Phụ nữ số 13:00 13/12/2023

Bạn hỏi tôi vì sao bản thân không thích mở miệng nói chuyện? Để tôi kể cho bạn nghe vì sao.

Dưới đây là bài chia sẻ của @Seasee Youl trên Zhihu (nền tảng hỏi đáp và chia sẻ kiến thức) cho chủ đề: "Vì sao bạn không thích mở miệng nói chuyện?".

Trong công ty, có cô đồng nghiệp hớn hở khoe: “Đây là cái túi bạn trai em mới tặng, mua ở Hong Kong! Mọi người thấy đẹp không”.

Thế là ai cũng vây lại xem, thay phiên nhau cầm cái túi lên ngắm nghía, khen lấy khen để, bảo là bạn trai cô ấy quá tốt, là hình mẫu lý tưởng để các cô gái chung bộ phận tìm kiếm.

Trong cảnh xôn xao ấy, tôi lại không nói gì hết, chỉ ngồi yên tại chỗ. Tôi không muốn hùa theo để khen cái túi chỉ mua mấy chục tệ trên Taobao kia và cũng không muốn nói lời ngưỡng mộ với anh bạn trai tốt bụng của cô ấy. Tôi lựa chọn im lặng.

Cô bạn đồng nghiệp liếc tôi, tiếp tục quay về chung vui với mọi người.

Cô ấy không hề biết là sau khi tan ca, những người ban nãy vây lại khen cái túi xinh kia lại quay ra nói xấu mình. Một chị dùng chất giọng đanh đá nói: “Cái túi kia có đầy trên mạng mà bày đặt nói mua ở Hong Kong, ở Hong Kong mà có bày bán mấy cái túi ngoài sạp rẻ tiền này sao?”.

Mọi người cười phá lên, chị ấy hỏi tôi: “Còn em thấy sao?”.

Tôi không nói gì cả, chỉ cười trừ cho qua chuyện.

***

Bị xem là đứa vô cảm, nhưng đó chính là cách tôi tự bảo vệ mình khỏi thị phi: Im lặng để yên ổn! - Ảnh 1.

Sếp mở cuộc họp sáng, bắt đầu nói về lý tưởng to lớn của mình, năm sau công ty sẽ phát triển lớn mạnh, 5 năm sau nữa sẽ trở thành công ty hàng đầu sở hữu nhiều chi nhánh sau đó đề nghị mọi người cho ý kiến cải tiến công việc.

Mọi người tán thưởng sếp có tầm nhìn xa trông rộng, hứa rằng sẽ cùng đồng hành với công ty đến cuối cùng. Sếp nghe vậy thì rất hài lòng, ánh mắt lướt qua tôi, thấy tôi không nói gì.

Sếp khó chịu nhìn tôi, phê bình tôi làm việc cực kì không nghiêm túc, không có ý kiến đóng góp, thụ động trong môi trường công sở. Tôi chỉ biết cười cười mà thôi.

Sếp không biết là mọi người nhắn trên nhóm wechat, chê bai công ty sắp đóng cửa, sau đó họ còn bảo tôi nói vài lời cảm nghĩ. Tôi tắt điện thoại, không nói gì cả.

***

Cô hàng xóm lại đến khoe con trai có công việc tốt, con dâu hiếu thảo, giống như cả vận may trên thế giới đều đổ dồn vô nhà của cô vậy. Mấy cô mấy chú gần nhà tán thưởng ngưỡng mộ: “Đúng đó, không giống như con trai tôi, hơn 30 tuổi rồi mà vẫn chưa có công việc đàng hoàng, cũng chưa tính chuyện yêu đương chứ đừng nói là kết hôn”.

Cô hàng xóm tỏ vẻ đồng cảm: “Từ từ rồi cũng có thôi”.

Nói rồi, cô vui vẻ đi về nhà. Mấy cô mấy chú mới vừa buông lời khen thì bây giờ lại khịt khịt mũi: “Con dâu nhà bà ta gặp tôi không chào mà cũng khen là ngoan ngoãn, có học. Đợi bà ấy già đi rồi mới biết con dâu có hiếu thảo không”.

Tôi đi ngang qua, như thể chẳng nghe họ đang nói gì.

***

Bị xem là đứa vô cảm, nhưng đó chính là cách tôi tự bảo vệ mình khỏi thị phi: Im lặng để yên ổn! - Ảnh 2.

Bạn hỏi tôi vì sao bản thân không thích mở miệng nói chuyện?

Thật ra, không phải tôi không thích nói chuyện hay lạnh lùng với cuộc đời. Tôi rất thích tâm sự, chia sẻ là đằng khác, nhưng chuyện này chỉ xảy ra với người tôi tin tưởng, như một vài người bạn thân, bố mẹ...

Ở chốn đông người, tôi chọn cách im lặng, không nhiều lời để bảo vệ bản thân, tránh xa thị phi . Quan trọng nhất, ít tham gia vào những chuyện không có giá trị ấy (đối với tôi), sẽ giúp tôi sống nhẹ nhõm hơn rất nhiều.

Người ta thường nói, ngôn ngữ, lời nói là món quà mà số phận ban tặng cho con người. Có người dùng tài ăn nói để tán tỉnh bạn đời, kiếm tiền và tìm thấy thành công; có người thì buông lời ác ý để thương tổn người khác hoặc nói lời ngọt ngào thảo mai vì mục đích nào đó…

Mà tôi thì không muốn làm tổn thương người khác, cũng không muốn tự ghét bỏ chính mình, nên không có thói quen để mở miệng nói nhiều.