Sinh ra người con như Đỗ Nhật Nam, cha mẹ có tự hào không?
Có thể nhiều bậc phụ huynh sẽ chỉ muốn con mình sống một đời an yên, không cần dính với danh "thần đồng" hay gì đấy tương tự nhưng đa phần, cha mẹ nào nhìn con thành công mà chẳng hạnh phúc.
Chứng kiến hành trình trưởng thành của thần đồng Đỗ Nhật Nam, từ một cậu bé phi thường đến thi tốt nghiệp THPT loại xuất sắc tại trường THPT Church Farm School (Pennsylvania, Mỹ), mẹ cậu là chị Phan Hồ Điệp, giảng viên tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã thốt lên rằng: "Ngày hôm nay đối với mẹ thực sự đặc biệt. Em tốt nghiệp phổ thông và mẹ, mẹ cũng tốt nghiệp khoá học làm mẹ để chuyển sang một giai đoạn mới, học hỏi nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn, thương nhớ cũng đầy hơn."
Để có được một Đỗ Nhật Nam ngày hôm nay với hàng loạt thành tích khiến người lớn cũng phải choáng ngợp, cha mẹ cậu đã mất rất nhiều thời gian nghiên cứu để có được phương pháp giáo dục thích hợp với một đứa trẻ ngay từ bé đã có những suy nghĩ "khác người".
Theo chị, hiểu được con là phải hiểu được những diễn biến tâm lý bên trong con, hiểu được các mối quan hệ, ước mơ, khát vọng, cảm xúc, suy nghĩ…những gì con cái nói ra và cả những điều chúng không nói.
Nói thì dễ, ai cũng nói được. Nhưng chỉ cần đối đầu với cơn nóng giận của trẻ, những lỗi lầm của trẻ, sự cẩu thả của trẻ… mọi điều bạn vốn tâm niệm lại bay hết ra khỏi đầu. Chị Điệp đã nói rằng mình thường nói hay hơn làm. Nhưng chị tin nếu chịu khó học hỏi và điều chỉnh rồi bạn sẽ trở thành kiểu bố mẹ của riêng con bạn, riêng trái tim con bạn nắm giữ.
Chị Điệp nói rằng Nhật Nam không phải "thần đồng”, để đạt được số điểm tuyệt đối đối với một đứa trẻ 7 tuổi trong các kỳ thi Đại học Cambridge, Nam đã trải qua nhiều lần thi và nhận điểm thấp. Nhật Nam phải thi đến ba lần mới đạt được 114 điểm TOEFL (lần đầu chỉ đạt 87 điểm). Trước khi đạt điểm IELTS 8.5, Nhật Nam chỉ đạt 6.0 điểm. Những thành quả Nhật Nam đạt được là qua quá trình khổ luyện vất vả, nhờ tìm được tinh hoa trong việc đọc sách.
Khi Đỗ Nhật Nam chia sẻ rằng cậu sẽ theo đuổi ngành Âm nhạc chứ không phải Phi công, Vậy lý, Mật mã như hồi nhỏ cậu từng ước mơ, chị Phan Hồ Điệp cũng chinh phục trái tim nhiều người khi chia sẻ, chị sẵn sàng ủng hộ mọi quyết định chọn ngành nghề của con khi vào đại học, kể cả con chọn gap year, nghĩa là tạm gác việc học để có những trải nghiệm cho bản thân: "Hôm nọ em chia sẻ rằng có thể em sẽ học ngành âm nhạc. Mẹ thực sự bất ngờ. Vì đó là điều mẹ chưa nghe thấy em nói bao giờ. Nhưng mẹ chỉ mỉm cười. Vì mẹ làm sao có thể lấy kinh nghiệm ít ỏi của mình để đặt lên em. Nên nếu em chọn gap year, em học âm nhạc hay bất cứ điều gì khác, mẹ vẫn luôn ủng hộ. Vì em trước hết, cần được trải nghiệm để trưởng thành.
Mẹ rồi sẽ già đi, khó tính hơn, yếu thêm nhưng mẹ vẫn ở ngôi nhà có đầy tình yêu của mẹ, để chờ đợi và thương mến em...".
Nhiều lần nói mình không đặt nặng thành tích, chỉ mong con sống đúng đam mê, sở thích nhưng chính chị Phan Hồ Điệp cũng từng thú nhận rằng mình đã cảm thấy khó chịu khi con không đạt được kết quả mình mong đợi: "Đôi khi mình cũng hãnh tiến, cũng cảm thấy khó chịu, thấy buồn khi con không đạt thành tích như mong muốn. Đôi khi mình cũng nuông chiều con, quyết định thay cho con, khó chấp nhận lời nhận xét của người khác.
Biết là sai và sửa dần thôi. Và mình nghĩ, thực sự chẳng ai có thể hoàn toàn nhận mình rằng mình đã nuôi con một cách thật khoa học và tuyệt vời. Ngay cả những người vốn viết trên status rất hay nhưng trong những góc khuất, mình tin vẫn đâu đó mắc sai lầm.
Và đó mới thực sự là cuộc đời."