Sau khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai sao kê, nhiều người nổi tiếng, TikToker bị phát hiện khai gian số tiền ủng hộ để "làm màu", câu views, câu likes.
Người xin lỗi vì "phông bạt" tiền từ thiện
Nữ ca sĩ Yến Tattoo từng đăng ảnh chụp màn hình giao dịch với số tiền ủng hộ lên đến hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, trong danh sách sao kê ủng hộ của ngày 11/9, chỉ có nội dung “Yen tattoo xin chia sẻ với đồng bào vùng lũ” được gửi từ một tài khoản kèm theo số tiền 500.000 đồng. Sau đó, chủ tài khoản này gửi thêm 5 triệu đồng với nội dung tương tự.
Sự việc này đã gây xôn xao dư luận. Trước những ý kiến trái chiều, Yến Tattoo lên tiếng xin lỗi và thừa nhận đã “fake màn hình”.
“Trước tiên, Yến cúi đầu xin lỗi vì đã để mọi người phải chịu ảnh hưởng về những chuyện không hay của mình những ngày qua. Tôi cũng biết có nói thế nào, người ghét lại càng thêm ghét, nhưng xin cho phép Yến được chia sẻ để những người thân quen hiểu hết sự tình.
Tôi đã có tổng cộng 3 lần giao dịch chuyển khoản cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tài khoản chi tiêu cố định hàng tháng của tôi ban đầu chỉ còn hơn 8 triệu đồng. Lúc 13h23 ngày 11/9, tôi muốn ủng hộ 5 triệu đồng nhưng chuyển nhầm 500.000 đồng. Sau đó, tôi chuyển khoản một lần nữa là 5 triệu đồng ”, Yến Tattoo giải thích.
Nữ ca sĩ cho biết cô có nhờ trợ lý ứng tiền trước các show của tháng 11 để có thêm tiền ủng hộ đồng bào khó khăn. Sau khi được ứng tiền, Yến Tattoo chuyển khoản thêm số tiền là 20 triệu đồng tới UBMTTQVN vào ngày 13/9.
Ngoài ra, cô cũng gửi thêm tiền quyên góp cho các đoàn cứu trợ khác nhau để họ có thể trực tiếp tới các vùng bị ảnh hưởng và giúp đỡ bà con. Tổng số tiền lên tới gần 40 triệu đồng.
Cô thừa nhận lỗi sai của mình là "fake màn hình" với mục đích để những người ứng tiền tin tưởng là cô có ủng hộ: "Tôi đã che đi số đầu và con số ghi trên story không phải 500 triệu đồng như những gì các page đang thi nhau chia sẻ. Đấy hoàn toàn là do người đăng tự thổi phồng lên.
Yến cũng chưa bao giờ có ý định nhận bản thân quyên góp nhiêu đó tiền. Những gì Yến sai, Yến xin nhận lỗi, mong mọi người hãy hiểu cho tấm lòng của tôi. Đây cũng là bài học lớn để Yến rút kinh nghiệm hơn”, cô nói.
Trước Yến Tattoo, nhiều TikToker, KOLs bị phát hiện "phông bạt" số tiền ủng hộ đồng bào vùng bão lũ. Trong đó có TikToker Việt Anh Pí Po (tên thật: Phùng Việt Anh), người từng khiến cư dân mạng ngưỡng mộ khi khoe ảnh chuyển khoản số tiền lớn ủng hộ đồng bào lũ lụt. Tuy nhiên, khi công bố sao kê tiền ủng hộ, số tiền mà anh quyên góp chỉ có 1 triệu đồng, khác xa với con số "khủng" mà anh đăng tải trước đó.
Hành động "phông bạt" của Việt Anh trong thời điểm khó khăn của đồng bào đã khiến dư luận rất bức xúc. Dù cho việc quyên góp ít hay nhiều đều đáng trân trọng, nhưng việc cố tình làm sai lệch thông tin để đánh bóng bản thân là điều không thể chấp nhận được.
Trước những ồn ào, Việt Anh Pí Po đăng tải đoạn clip trên TikTok để phản hồi về vụ việc. Anh xin lỗi vì đã ''phông bạt" số tiền ủng hộ. “Xin lỗi mọi người vì sự “phông bạt”. Những hình ảnh, những thông tin mà mọi người nhận được là thật. Và việc tôi “phông bạt” cũng là thật", Việt Anh nói.
Nam TikToker cũng giải thích sáng 10/9, nhóm của anh dự định chuyển số tiền ủng hộ 20 triệu đồng. Khi đó, anh có nhờ một người bạn trong nhóm thực hiện giao dịch chuyển tiền nhưng sau đó không kiểm tra lại vì tin tưởng. Chủ tài khoản Việt Anh Pí Po thừa nhận vì muốn làm màu nên đã “che hững hờ" số tiền và đăng tải lên mạng xã hội.
"Vì sự thiếu suy nghĩ, kém cỏi của bản thân, tôi đã chỉnh sửa để chia sẻ lên mạng xã hội với số dư sai lệch. Hành động này của tôi là đáng lên án và sai trái", Việt Anh nói.
Việt Anh cho biết sau đó anh đã chuyển lại 20 triệu đồng vào tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban cứu trợ Trung ương. Đồng thời TikToker xem đây là bài học dành cho mình. Anh gửi lời xin lỗi và cho biết sẽ kiểm điểm bản thân sau vụ ồn ào này.
Kẻ "ở ẩn" né dư luận
Cựu vận động viên thể thao kiêm TikToker Louis Phạm (tên thật là Phạm Như Phương) cũng bị gọi tên vì công chúng phát hiện số tiền cô ủng hộ cho đồng bào lũ lụt lần lượt là 500.000 đồng và 1 triệu đồng. Tuy nhiên, hình ảnh cô chia sẻ trên trang cá nhân lại rất khác. Cô dùng 8 icon chiếc lá che số 0, và lấp ló có con số 5 ở đầu dãy. Nhiều người cho rằng cô quyên góp khoảng 500 triệu đồng.
Louis Phạm đã nhận về nhiều chỉ trích của cộng đồng mạng. Cô đã liên tục có 2 bài đính chính trên cả story và kênh TikTok. Cô thanh minh, cho rằng có người trùng tên hoặc cố tình chuyển khoản cùng nội dung để hạ bệ, nhưng cộng đồng mạng đều cho rằng cựu vận động viên này đang bao biện.
Sau đó, Louis Phạm bất ngờ xoá đi tất cả bài viết liên quan đến giải thích số tiền từ thiện của mình trên Instagram và TikTok. Cô chỉ giữ lại 2 story đã chuyển khoản từ thiện đến các tổ chức.
Hiện tại, Louis Phạm vẫn đang giữ im lặng trước những ồn ào này. Cô cũng có động thái khi khoá bảo vệ trang cá nhân của Facebook giữa tâm điểm chỉ trích của cộng đồng mạng.
TikToker Đào Lê Nyk khoá trang cá nhân để vượt "bão" dư luận
TikToker Đào Lê Nyk (tên thật là Đào Lê Trung) - có 840k người theo dõi và gần 45 triệu lượt theo dõi. Anh chàng từng đăng tải hình ảnh ủng hộ đồng bào bị lũ lụt với số tiền hàng triệu đồng.
Tuy nhiên mới đây, cư dân mạng đã tìm ra một giao dịch có nội dung khớp với chia sẻ của Đào Lê Nyk được gửi vào ngày 10/9 nhưng số tiền chỉ vỏn vẹn 100.000 đồng. Bị cộng đồng mạng chỉ trích vì hành động gian dối, người này đã khóa trang cá nhân và chưa có bất cứ chia sẻ nào về ồn ào này.
Gian dối, trục lợi từ thiện là xâm phạm lòng tin của công chúng
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ với Báo điện tử VTC News việc một số cá nhân, thậm chí là những người có tầm ảnh hưởng (KOLs), lợi dụng hoạt động từ thiện để đánh bóng tên tuổi là hành động rất đáng lên án. Điều này không chỉ làm tổn hại đến lòng tin của công chúng đối với các hoạt động từ thiện, mà còn làm suy giảm giá trị nhân văn vốn có của từ thiện.
Những vụ việc này gây ra hậu quả nghiêm trọng khi làm dấy lên sự hoài nghi và mất niềm tin vào những người thực sự có lòng tốt, làm mờ nhạt ranh giới giữa thiện nguyện chân chính và các hoạt động lợi dụng danh nghĩa từ thiện để thu lợi cá nhân.
Ông Bùi Hoài Sơn nói: "Khi những cá nhân này bị phát hiện gian dối trong sao kê, không chỉ họ mà cả những tổ chức, cá nhân khác hoạt động từ thiện cũng bị ảnh hưởng, gây ra một hiệu ứng domino của sự mất lòng tin, làm giảm mạnh sự ủng hộ từ cộng đồng trong tương lai, gây khó khăn cho những người thực sự cần sự giúp đỡ".
Ông Bùi Hoài Sơn phân tích thêm: "Tôi cho rằng, những người gian dối trong hoạt động từ thiện sẽ phải gánh chịu hậu quả cả về mặt xã hội lẫn pháp lý.
Về mặt xã hội, họ sẽ bị công chúng phê phán, mất đi lòng tin từ người hâm mộ và cộng đồng. Uy tín của họ có thể bị hủy hoại, dẫn đến việc họ gặp khó khăn trong các hoạt động kinh doanh, sự nghiệp hoặc những dự án tương lai.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, họ còn có thể đối mặt với các biện pháp pháp lý nếu hành vi của họ vi phạm luật liên quan đến quản lý tài chính từ thiện, như gian lận, lạm dụng quỹ, hoặc không minh bạch trong sao kê tài chính".