Dự án phim truyền hình "Huyền thoại biển xanh" (Legend Of The Blue Sea) đã chính thức lên sóng và liên tục đốn tim hàng vạn fan hâm mộ. Chỉ mới phát sóng 2 tập, bộ phim đã cho thấy sức hút không thể bàn cãi, nhất là khi nam và nữ chính là 2 diễn viên có ngoại hình siêu hấp dẫn: Lee Min Ho và Jeon Ji Hyun.
Tuy nhiên, bài viết này không phải là diễn đàn ca ngợi vẻ đẹp trai xinh gái của họ. Cái chúng ta đề cập ở đây sẽ là một yếu tố có trong tập 1 của bộ phim: khả năng thôi miên thành thần của Lee Min Ho.
Cụ thể trong phim, nhân vật Heo Joon Jae (Lee Min Ho thủ vai) là một kẻ lừa đảo khét tiếng. Nắm vững các thủ thuật tâm lý, "siêu bịp" lợi dụng chúng để thôi miên người khác nhằm đạt mục đích của mình.
Thôi miên trên thực tế là một thủ thuật phức tạp, thế nên chuyện "thánh bịp" có thể thôi miên chỉ trong vài giây múa may có vẻ như khá ảo. Và câu hỏi đặt ra là: Liệu có thể nào thôi miên người khác với một chiếc bật lửa?
Chúng ta phải hiểu thủ thuật thôi miên thực sự là gì?
Nhiều người cho rằng thôi miên là nghệ thuật điều khiển người khác. Nhưng thực ra, thôi miên không phải là cách biến người khác thành con rối của mình. Nó thực chất chính là sự tập trung cao độ, kết hợp với thả lỏng và thư giãn cơ thể hết mức.
Ý thức con người nhường chỗ cho tiềm thức, từ đó ta biết được nhiều thông tin hơn mà thậm chí đến chính người bị thôi miên cũng không biết đến những thông tin đó.
Tức là nhìn chung, muốn thôi miên được cần phải đưa người cần thôi miên lên một mức tập trung cao độ, đồng thời khiến bản thân họ thư giãn hết mức có thể, nhằm đưa tiềm thức lên chiếm chỗ của ý thức.
Có thể lấy ví dụ bằng một phương pháp thôi miên kinh điển: "Cái nhìn cố định" - sử dụng con lắc đung đưa trước mắt, yêu cầu người tham gia luôn nhìn vào đó để đẩy mức tập trung lên cao. Hoặc như liệu pháp "thư giãn" - yêu cầu người tham gia thả lỏng, hít thở đều kèm theo sự trợ giúp của nhạc nhẹ - vẫn được các chuyên gia tâm lý ngày nay sử dụng.
Cơ sở khoa học của mánh khóe thôi miên bằng bật lửa trong "Huyền thoại biển xanh"
Thôi miên là một môn khoa học "nghệ thuật" đàng hoàng, và có thật. Nó chứa đựng cả lợi và hại, và để thôi miên được cũng không phải là chuyện đơn giản. Tuy nhiên, thôi miên hay ở chỗ mỗi người sẽ có những cách khác nhau để đưa người khác "vào tròng".
Trong trường hợp của Heo Joon Jae, anh sử dụng bật lửa. Nhưng bật lửa ở đây cũng chỉ là một công cụ giống như con lắc đồng hồ thôi. Hãy để ý rằng trong quá trình thôi miên, "siêu bịp" của chúng ta thực hiện một loạt động tác nhằm thu hút sự chú ý của nạn nhân. Đây là cách đẩy mạnh sự tập trung của người này, giúp quá trình thôi miên dễ dàng hơn.
Tiếp theo là yếu tố lửa. Dành cho những ai chưa biết, ngọn lửa là một trong những công cụ thôi miên tuyệt vời.
Trong nghiên cứu của Christopher Lynn - nhà nhân loại học thuộc ĐH Alabama (Mỹ) - 226 người tham gia được xem video về ngọn lửa. Sau một khoảng thời gian, huyết áp của họ hạ xuống, trong đó xem càng lâu - tụt càng mạnh. Huyết áp tụt là yếu tố cho thấy đối tượng đang thư giãn.
Ngoài ra, thực tế cho thấy chỉ 10% - 15% người trưởng thành bị thôi miên trong vòng dưới 1 phút.
Tuy nhiên, do nắm bắt các thủ thuật tâm lý, Heo Joon Jae có thể đánh giá khả năng bị thôi miên của đối tượng trong nháy mắt, qua đó tăng tỉ lệ thành công lên mức tối đa.
Tóm lại, xét về tính khoa học, tuyệt chiêu thôi miên của chàng "siêu bịp" trong phim có khả năng tồn tại ngoài đời, nếu như thực sự có người sở hữu khả năng đánh giá tâm lý siêu tốc như anh, và người bị thôi miên nằm trong số 10% - 15% dân số dễ bị "vào tròng".
Còn không thì... hên xui các chế ạ!