Bí mật đen tối của gã khổng lồ Shein: Nhân viên làm 12 tiếng/ngày chưa tính thời gian ăn nghỉ, chỉ được trả hơn 8 triệu đồng/tháng nếu không tăng ca

Vũ Anh, Theo An Ninh Tiền Tệ 13:48 16/05/2024

"Ngày nào tôi cũng làm việc từ 8 giờ sáng đến 10 giờ 30 tối và mỗi tháng chỉ được nghỉ 1 ngày", một nhân viên Shein nói.

Hơn 1 năm sau khi cam kết giải quyết tình trạng làm việc quá sức trong chuỗi cung ứng, công ty thời trang nhanh Trung Quốc Shein vẫn chưa khắc phục được vấn đề. Công nhân tại một số nhà máy vẫn phải làm việc 75 giờ/tuần, theo cuộc điều tra của Public Eye, Thụy Sĩ.

“Chế độ làm việc 75 giờ/tuần mà chúng tôi phát hiện ra khoảng 2 năm trước dường như vẫn còn phổ biến ở Shein”, đại diện tổ chức nói.

Public Eye đã phỏng vấn 13 công nhân dệt may làm việc tại 6 nhà máy ở Quảng Châu, mùa hè năm ngoái và phát hiện ra rằng nhân viên phải làm việc trung bình 12 giờ một ngày, chưa bao gồm thời gian nghỉ trưa và ăn tối. Số ngày làm việc mỗi tuần rơi vào khoảng 6-7 ngày.

Nhức nhối hơn, thu nhập của những công nhân này hầu như không thay đổi kể từ báo cáo hồi năm 2021. Chúng dao động trong khoảng từ 6.000 đến 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng (tương đương 20-35 triệu đồng). Tuy nhiên, sau khi trừ tiền làm thêm giờ, tiền lương giảm xuống chỉ còn khoảng 2.400 nhân dân tệ (hơn 8 triệu đồng). Con số này thấp hơn nhiều so với mức 6.512 nhân dân tệ (gần 23 triệu đồng) mà Public Eye cho là đủ sống ở Trung Quốc.

“Ngày nào tôi cũng làm việc từ 8 giờ sáng đến 10 giờ 30 tối và mỗi tháng chỉ được nghỉ 1 ngày. Tôi không thể có thêm ngày nghỉ vì chi phí quá cao”, Public Eye dẫn lời một công nhân nói.

Trong một tuyên bố với CNN, Shein “không thừa nhận các cáo buộc trong báo cáo của Public Eye”.

Trước đó, vào tháng 12 năm 2022, Shein công bố kế hoạch đầu tư 15 triệu USD để nâng cấp hàng trăm nhà máy thuộc các nhà cung cấp. Thông báo được đưa ra sau khi một bộ phim tài liệu của Vương quốc Anh cáo buộc thương hiệu này bóc lột lao động. Nhân viên nhà máy phải làm việc 18 giờ một ngày và kiếm từng xu cho mỗi sản phẩm.

Bí mật đen tối của gã khổng lồ Shein: Nhân viên làm 12 tiếng/ngày chưa tính thời gian ăn nghỉ, chỉ được trả hơn 8 triệu đồng/tháng nếu không tăng ca - Ảnh 1.

Đáp lại, đại diện phát ngôn của Shein cho biết công ty đã yêu cầu các nhà cung cấp giới hạn lịch làm việc của công nhân ở mức 60 giờ/ tuần, bao gồm cả giờ làm thêm và cho công nhân ít nhất 1 ngày nghỉ/tuần. Nhân viên cũng có quyền từ chối làm thêm giờ.

Khảo sát được thực hiện từ tháng 4 năm 2022 đến tháng 6 năm 2023 cho thấy công nhân tại một số các nhà cung cấp đã kiếm được mức lương cơ bản cao hơn gấp đôi mức lương tối thiểu tại địa phương và “cao hơn nhiều” so với mức lương đủ sống ở Thâm Quyến.

Tuy nhiên, theo lời một số lao động, số lượng camera giám sát tại các nhà máy đã tăng lên và điều này khiến họ không thực sự thoải mái. Các nhà điều tra của Public Eye cũng quan sát thấy có một vài thanh niên, được đánh giá là khoảng 14 hoặc 15 tuổi, đã tới nhà máy làm việc.

“Các nhà cung cấp của Shein tự đưa ra quyết định lắp đặt camera tại cơ sở của mình để tăng cường an ninh, song không có quyền truy cập vào nguồn cấp dữ liệu”, đại diện Shein nói. “Chúng tôi không dung thứ cho việc tuyển dụng các lao động là trẻ em. Chúng tôi xử lý mọi hành vi vi phạm ở mức độ nghiêm trọng cao nhất. Bất kỳ hành vi vi phạm nào cũng có thể dẫn đến việc chấm dứt ngay lập tức mối quan hệ kinh doanh của công ty với nhà cung cấp”.

Trước đó, một cuộc điều tra hồi năm 2021 của Sixth Tone tại Quảng Châu – nơi sản xuất chính của Shein đã làm lộ ra mô hình giám sát lỏng lẻo và điều kiện làm việc tồi tệ của người lao động. Nhiều nhà sản xuất cắt giảm chi phí bằng cách thuê nhà xưởng nhỏ nằm trong những khu cao ốc xây san sát nhau có mật độ dân cư cao. Người dân địa phương đùa rằng chỉ cần đứng ở tòa nhà này cũng có thể chạm tay người đứng ở tòa nhà bên cạnh.

Được biết, các nhà xưởng này thường xuyên lách luật lao động của Trung Quốc và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Không ít công nhân còn không có hợp đồng chính thức với Shein, gây khó khăn cho việc xác định xem họ có được đối xử đúng luật hay không.

Trong khi đó, tại một trung tâm logistics lớn của Shein, nhân viên nhà kho cho biết họ phải vật lộn với công việc căng thẳng như phải đi bộ hàng chục km trong 1 ca làm việc và ít có thời gian nghỉ ngơi. Huang Yan – Giáo sư tại Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc (Quảng Châu), nhận xét: “Hoạt động của Shein là một bước thụt lùi trong vấn đề bảo vệ quyền của người lao động. Các lợi ích của họ đã bị công ty này làm ngơ”.

Trên nền tảng video ngắn Kuaishou, không ít người từng chia sẻ chuyện bỏ việc ở Shein vì khối lượng công việc quá lớn. Một cựu nhân viên nhà kho ví việc làm việc tại đây như “chui vào một cái lò”. Trên diễn đàn Baidu Tieba, một người khác nói rằng những người xếp đơn hàng tại kho của Shein phải đi bộ tới 50km/ngày.

Theo: CNN, Sixth Tone

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày