Bí mật công nghệ đằng sau những màn trình diễn đẳng cấp của các vận động viên Olympic

Hà Thu, Theo Helino 17:35 22/02/2018

Bên cạnh việc tập luyện chăm chỉ, các vận động viên ngày nay còn nhận được sự trợ giúp rất lớn từ công nghệ hiện đại.

Thế Vận hội mùa Đông Olympic 2018 đã và đang mang đến cho chúng ta những trận thi đấu nảy lửa giữa các vận động viên (VĐV) xuất sắc nhất thế giới. Tuy nhiên, phía sau những màn trình diễn đẳng cấp, ngoài nhờ tài năng và quá trình tập luyện gian khổ, các VĐV còn phải dựa vào sự giúp đỡ của rất nhiều các công nghệ hiện đại. 

Vậy đó là những gì?

Đã rất lâu rồi kể từ ngày mà các huấn luyện viên (HLV) thể thao vẫn phải sử dụng camera để theo dõi quá trình tập luyện, sau đó chỉnh sửa lại kĩ thuật cho VĐV. Ngày nay, sự ra đời của các thiết bị sinh trắc học và các ứng dụng phân tích dữ liệu đã tối ưu hóa việc theo dõi tập luyện.

Bí mật công nghệ đằng sau những màn trình diễn đẳng cấp của các vận động viên Olympic - Ảnh 1.

Và nhờ vậy, công nghệ đã góp phần nâng cao năng lực thi đấu bằng cách cung cấp đầy đủ các chỉ số cần thiết trong cơ thể VĐV.

Dụng cụ đo nhịp tim

Chỉ số cơ bản và quan trọng nhất đối với một VĐV thể thao là nhịp tim. Hiện nay có rất nhiều các thiết bị đeo tay có thể theo dõi liên tục tốc độ tim đập của người sử dụng trong suốt quá trình tập luyện.

Các HLV có thể tận dụng thiết bị này để đo nhịp tim khi tập luyện với cường độ tối đa. Sau khi so sánh với mức nhịp tim thông thường, họ có thể điều chỉnh cường độ tập luyện cho phù hợp với thể trạng, đồng thời và phát huy được hết khả năng của từng VĐV. 

Bí mật công nghệ đằng sau những màn trình diễn đẳng cấp của các vận động viên Olympic - Ảnh 2.

Cụ thể, khi nhịp tim của một người chạm đến chỉ số tối đa, có nghĩa là người đó đang tiến gần đến giới hạn vận động có thể chịu đựng được. Mặt khác, khi nhịp tim chỉ bằng một nửa mức cao nhất, cơ thể đang hoạt động ở cường độ cho phép người tập hồi phục và duy trì sức bền.

Nhờ điều chỉnh được nhịp tim, HLV có thể tối ưu hóa khả năng vận động cũng như hồi sức của VĐV. Đồng thời, cơ bắp và hệ thống tim mạch cũng được rèn luyện cho trạng thái tốt nhất khi thi đấu.

Thiết bị đo số lần tiếp đất

Trượt băng và trượt tuyết là một trong những môn thể thao đòi hỏi nhiều thể lực nhất. Mỗi bước nhảy và tiếp đất trong bộ môn này đều gây ra một áp lực rất lớn, khoảng từ 8 - 14 lần trọng lượng cơ thể. 

Lấy ví dụ, một VĐV nặng 45kg trung bình mỗi buổi tập phải nhảy 50 lần và tập 5 buổi/tuần. 

Bí mật công nghệ đằng sau những màn trình diễn đẳng cấp của các vận động viên Olympic - Ảnh 3.

Trượt tuyết là một trong những bộ môn rất dễ gây chấn thương

Theo tính toán, tổng lượng tải trọng tác động lên xương, cơ bắp và thân mình của người này trong suốt một tuần sẽ lên tới 160 tấn. Vì vậy, đây thường là những môn thể thao rất dễ gây ra chấn thương.

Chính vì thế, có một thiết bị được sử dụng rộng rãi để tính toán số bước nhảy mà VĐV thực hiện, cũng như đo lực luân chuyển, lực hấp dẫn và các loại lực khác tác động lên cơ thể mỗi lần tiếp đất. Điều này có thể giúp HLV kiểm soát được cường độ tập luyện, cũng như đảm bảo VĐV không bị chấn thương.

Các cảm biến sinh học phức tạp được gắn vào quần áo cũng giúp theo dõi nhiệt độ cơ thể, chuyển động, nhịp thở và các thông tin khác để điều chỉnh các bài tập phù hợp.

Ứng dụng đo mức độ nghỉ ngơi

Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi là những yếu tố quan trọng hàng đầu của các vận động viên. 

Ngày nay, người ta có thể sử dụng rất nhiều ứng dụng điện thoại thông minh để ghi lại những gì họ ăn, thời gian dùng bữa, lượng calo hấp thụ và lượng chất dinh dưỡng như proteins, carbonhydrats và các chất béo.

Bí mật công nghệ đằng sau những màn trình diễn đẳng cấp của các vận động viên Olympic - Ảnh 4.

Họ cũng sử dụng các thiết bị theo dõi giấc ngủ có gia tốc kế để theo dõi chuyển động, nhịp tim và nhịp thở trong khi ngủ. Những thông tin này có thể cho thấy mức độ nghỉ ngơi thực sự của các VĐV, dựa vào việc họ có ngủ say hay không. 

Điều này có thể giúp HLV đưa ra lịch trình tập luyện phù hợp để đảm bảo người tập không bị quá sức.

Nguồn: The Conversation