Bị lừa hơn 700 triệu đồng sau khi nghe điện thoại giả danh công an

PV, Theo VTV 13:15 05/09/2024
Chia sẻ

Công an quận Đống Đa, thành phố Hà Nội đang xác minh, điều tra vụ giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là hơn 700 triệu đồng.

Theo đó, vào ngày 28/8/2024, Công an phường Kim Liên tiếp nhận đơn trình báo của bà T (SN 1966; trú tại Đống Đa, Hà Nội) về việc nhận được một cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Thái Bình.

Đối tượng thông báo bà T có liên quan đến một vụ ma tuý và yêu cầu bà phải chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp để chứng minh tài sản hợp pháp. Ngày 27/8/2024, bà đã chuyển hơn 700 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng. Sau đó, bà T phát hiện mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Kịp thời ngăn chặn vụ mạo danh cán bộ công an để lừa đảo

Tại Phú Thọ, mới đây, Đội Điều tra tổng hợp, Công an huyện Tân Sơn đã ngăn chặn kịp thời một vụ mạo danh cán bộ Công an để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân.

Theo Công an huyện Tân Sơn, ngày 28/8, lực lượng Công an huyện nhận được tin báo về việc bà Nguyễn Thị X (sinh năm 1963, trú tại xã Tân Phú, huyện Tân Sơn) nhận được cuộc gọi của các đối tượng mạo danh cán bộ Công an, yêu cầu chuyển số tiền 200 triệu đồng. Ngay sau khi nhận được tin báo, Đội Điều tra tổng hợp, Công an huyện Tân Sơn đã có mặt tại nhà ở của bà Nguyễn Thị X để xác minh thông tin vụ việc.

Theo bà Nguyễn Thị X, bà nhận được điện thoại của đối tượng tự xưng là cán bộ Công an huyện Thanh Sơn, người này nói nhận được túi hồ sơ và yêu cầu bà X đến Công an huyện Thanh Sơn để làm việc và nhận tài liệu, nhưng bà X trả lời không biết các tài liệu đó. Không dừng lại, các đối tượng tiếp tục gọi điện cho bà X để bà kết nối với rất nhiều người khác, tự xưng là cán bộ Công an thành phố Hà Nội và Bộ Công an. Đáng chú ý, để tạo dựng niềm tin, các đối tượng còn gọi video cho bà X để lộ trang phục Công an nhân dân.

Sau đó, các đối tượng yêu cầu bà X kê khai thông tin cá nhân, số tài khoản và yêu cầu đi vay 200 triệu đồng; trong vòng 72 giờ không được tiếp xúc với chồng, con, người lạ và không được tiết lộ bí mật nội dung trao đổi; nếu đi ra khỏi nhà sẽ bị theo dõi. Sau khi nhận các cuộc gọi trên, bà X rất lo sợ, tìm cách vay tiền để chuyển tiền cho các đối tượng. Tuy nhiên, con rể bà X biết chuyện đã gọi điện trình báo Công an huyện Tân Sơn.

Trước đó, ngày 22/8, Công an xã An Đạo, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) và Quỹ tín dụng nhân dân xã này cũng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn vụ việc giả danh Công an để lừa đảo số tiền 580 triệu đồng của một người dân ở xã.

Cũng với thủ đoạn giả danh Công an để lừa đảo tiền người dân, ngày 21/8, Công an thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã kịp thời ngăn một người dân chuyển 600 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo qua mạng.

Thời gian qua, Công an đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn gọi điện thoại giả danh cơ quan Công an để lừa đảo nhưng nhiều người vẫn sập bẫy thủ đoạn này. Đa phần các nạn nhân là những người lớn tuổi, ít cập nhật thông tin báo chí, có trường hợp nạn nhân lo sợ bị mất uy tín nên không trình báo với cơ quan Công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, nhân dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày