Bi kịch vì 0,1 kg, giấc mơ HCV Olympic và ông bố thôn quê khiến cả nền thể thao xứ tỷ dân sửng sốt

Linh Đan, Theo Đời sống & Pháp luật 09:49 09/08/2024
Chia sẻ

Câu chuyện về gia đình “điên rồ” này đã được chuyển thể thành phim, khuấy đảo các phòng vé trên khắp thế giới và trở thành bộ phim Ấn Độ có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

BI KỊCH VÌ QUÁ… 0,1 KG Ở OLYMPIC PARIS

Dư luận Ấn Độ những ngày qua sôi sục vì câu chuyện của Vinesh Phogat. Từ vị thế của niềm hy vọng mang về HCV đầu tiên cho nước nhà tại Olympic Paris, nữ võ sĩ 30 tuổi bỗng nhiên trắng tay.

Vinesh Phogat bị ban tổ chức đánh tụt xuống xếp hạng cuối cùng, dù cho trước đó cô đã giành vé vào chơi trận chung kết. Tất cả sụp đổ chỉ bởi vì… 100 gram (0,1 kg) cân nặng.

Bi kịch vì 0,1 kg, giấc mơ HCV Olympic và ông bố thôn quê khiến cả nền thể thao xứ tỷ dân sửng sốt- Ảnh 1.

Vinesh Phogat bị tước quyền thi đấu ngay trước thềm trận tranh HCV.

Tại môn vật tự do, hạng cân dưới 50 kg dành cho nữ Olympic 2024, Vinesh Phogat gây sốc khi loại Yui Susaki ngay ở vòng đầu tiên theo kịch bản khó tin. Nữ võ sĩ của Nhật Bản là đương kim vô địch Olympic và thế giới ở nội dung này, đã dẫn trước 2-0 đến những giây cuối cùng, nhưng rồi bị Vinesh Phogat tung đòn ghi 3 điểm ở thời khắc quyết định và thua 2-3 chung cuộc.

Võ sĩ của Ấn Độ sau đó thắng tiếp Livac (Ukraine), Guzman (Cuba) ở tứ kết và bán kết, qua đó giành vé vào chung kết. Cần biết rằng trong lịch sử thể thao Ấn Độ, chưa một võ sĩ môn vật nào giành được HCV Olympic (thành tích trước đó là 2 HCB, 5 HCĐ).

Vinesh Phogat đứng trước ngưỡng cửa đi vào lịch sử, nhưng rồi trong phần kiểm tra cân nặng vào buổi sáng diễn ra trận chung kết, BTC xác định nữ võ sĩ này đạt 50,1 kg, quá tiêu chuẩn 0,1 kg nên bị tước quyền thi đấu. Thậm chí, cô còn bị xếp xuống vị trí cuối cùng, không được trao HCB.

Bi kịch vì 0,1 kg, giấc mơ HCV Olympic và ông bố thôn quê khiến cả nền thể thao xứ tỷ dân sửng sốt- Ảnh 2.

Vinesh Phogat vỡ òa khi tiến gần đến mục tiêu HCV Olympic Paris, nhưng rồi...

Quá thất vọng, Vinesh Phogat tuyên bố rằng cô đã kháng cáo quyết định lên Tòa án Trọng tài Thể thao, yêu cầu được trao HCB vì đủ điều kiện cân nặng thi đấu trong 2 ngày trước đó. Đáng nói, võ sĩ 30 tuổi cũng tuyên bố giải nghệ ngay lập tức.

Vinesh Phogat dừng lại, đồng nghĩa với giấc mơ cháy bỏng của gia đình Phogat cũng không thể có cái kết trọn vẹn như mong đợi. Giấc mơ đó từng gây chấn động dư luận, được siêu sao điện ảnh Aamir Khan chuyển thể thành phim, khuấy đảo các phòng vé trong nước và thế giới, trở thành bộ phim Ấn Độ có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

Và người tạo ra câu chuyện ly kỳ đó là ông Mahavir Singh Phogat, chú ruột của nữ võ sĩ Vinesh Phogat.

Bi kịch vì 0,1 kg, giấc mơ HCV Olympic và ông bố thôn quê khiến cả nền thể thao xứ tỷ dân sửng sốt- Ảnh 3.

Ông Mahavir Singh Phogat cùng các con gái của mình, những người đều là các đô vật khuynh đảo Ấn Độ.

GIẤC MƠ HCV "ĐIÊN RỒ" TỪ NGÔI LÀNG NHỎ BÉ

Mahavir Singh Phogat từng là một đô vật, tuy chưa từng giành một huy chương cấp quốc gia nào nhưng lại vô cùng được nể trọng tại Ấn Độ. Đóng góp của ông đã thay đổi toàn bộ môn vật tại quốc gia tỷ dân này, và tất cả bắt đầu từ một ngôi làng nhỏ bé có tên Balali ở bang Haryana, miền bắc Ấn Độ.

Thời thanh niên, Mahavir Singh Phogat là một đô vật có tiếng trong vùng. Tuy nhiên ông buộc phải từ bỏ đam mê để đi làm nhiều công việc khác, kiếm tiền nuôi gia đình.

Năm 1985, ông kết hôn và sau đó có 4 cô con gái. Tới năm Olympic Sydney 2000, một sự kiện đã thay đổi cuộc đời Mahavir Singh Phogat, gia đình ông và cả nền thể thao Ấn Độ.

Bi kịch vì 0,1 kg, giấc mơ HCV Olympic và ông bố thôn quê khiến cả nền thể thao xứ tỷ dân sửng sốt- Ảnh 4.

Số là khi ấy, chính quyền bang Haryana treo thưởng 10 triệu rupee cho tấm HCV Olympic (tương đương 2,9 tỷ đồng ở tỉ giá hiện tại), 5 triệu rupee cho HCB và 2,5 triệu rupee cho HCĐ. Nữ lực sĩ Karnam Malleswari sau đó xuất sắc giành về HCĐ ở môn cử tạ, đồng thời cũng là huy chương duy nhất cho đoàn Ấn Độ ở Olympic 2000, qua đó nhận được những khoản thưởng khổng lồ. Và điều này đã tác động lớn đến Mahavir Singh Phogat.

Slogan của Olympic 2000 là "Dám ước mơ". Mahavir Singh Phogat luôn nhớ trong đầu khẩu hiệu đó, và ông quyết tâm đưa con gái mình trở thành nhà vô địch Olympic. Ông tự dựng một sàn đấu trên nền cát ở sau nhà, bắt đầu huấn luyện cho 2 con lớn là Geeta Phogat (12 tuổi), Babita Phogat (11 tuổi). Cần biết rằng ở vùng quê này, đấu vật vốn được coi là môn chỉ dành cho nam giới, bởi vậy hành động của Mahavir Singh Phogat bị dân làng cho là điên rồ.

"Họ không hiểu được ý định của tôi, nhưng điều đó cũng không có gì ngạc nhiên cả. Dân làng càng chế giễu, tôi càng quyết tâm hơn. Vấn đề chỉ là thời gian mà thôi. Đến khi các con gái của tôi chứng minh được bản lĩnh bằng việc giành huy chương, không chỉ ở các giải trong nước mà còn cả đấu trường quốc tế, chúng sẽ trở thành niềm tự hào của quê hương", Mahavir Singh Phogat trải lòng trong cuộc phỏng vấn trên trang chủ Olympic.

Và rồi ông đã đúng. Hai con gái của Mahavir trở thành những thí sinh nữ duy nhất ở các cuộc thi đấu vật ở địa phương. Geeta và Babita phải thi tài với con trai những đã giành chiến thắng thuyết phục.

Bi kịch vì 0,1 kg, giấc mơ HCV Olympic và ông bố thôn quê khiến cả nền thể thao xứ tỷ dân sửng sốt- Ảnh 5.

Gia tài huy chương của gia đình Phogat.

Vào năm 2002 khi 14 tuổi, chị cả Geeta vô địch giải thiếu niên toàn quốc. Và cũng từ đó, cụm từ "Phogat sisters" bắt đầu được biết đến. Đây là nhóm 6 chị em nhà Phogat, gồm Geeta, Babita, Ritu, Sangeeta (con ruột ông Mahavir) và Priyanka, Vinesh (cháu gái gọi ông Mahavir là chú ruột).

Năm 2010, Geeta Phogat (hạng 55 kg) khiến cha mình nức lòng khi trở thành nữ võ sĩ Ấn Độ đầu tiên giành HCV môn vật tại Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung. Mọi thứ càng ý nghĩa hơn khi giải đấu năm đó được diễn ra ngay tại thủ đô New Delhi. Cũng ở kỳ đại hội này, chị hai Babita Phogat giành HCB hạng 51 kg.

Hai năm sau, Geeta Phogat trở thành nữ võ sĩ Ấn Độ đầu tiên giành quyền dự Olympic. Cô còn giành thêm nhiều huy chương ở các giải vô địch thế giới, châu Á, giải vô địch môn vật Khối thịnh vượng chung.

Bi kịch vì 0,1 kg, giấc mơ HCV Olympic và ông bố thôn quê khiến cả nền thể thao xứ tỷ dân sửng sốt- Ảnh 6.

Ông Mahavir Singh Phogat trở thành HLV giúp các con và cháu gái mình thay đổi định kiến xã hội về môn vật.

Babita Phogat cũng không kém cạnh với HCV tại Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung 2014, cùng một loại huy chương nhiều cấp độ quốc tế như chị gái mình. Priyanka Phogat giành HCB tại giải vô địch châu Á, Ritu Phogat vô địch quốc gia, còn Sangita Phogat hiện 26 tuổi và từng giành nhiều thành tích cao ở các giải trẻ quốc tế.

Thành công nhất trong "Phogat sisters" chính là võ sĩ Vinesh Phogat. Đô vật này 3 lần liên tiếp giành HCV tại Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung (2014, 2018, 2022), đoạt HCV Asiad 2018, HCV giải vô địch châu Á 2021, cùng vô số HCB và HCĐ ở các giải quốc tế.

Nếu không có sự cố quá 0,1 kg đầy đáng tiếc ở Paris 2024, rất có thể Vinesh Phogat đã mang được về tấm HCV Olympic lịch sử cho thể thao Ấn Độ.

Bi kịch vì 0,1 kg, giấc mơ HCV Olympic và ông bố thôn quê khiến cả nền thể thao xứ tỷ dân sửng sốt- Ảnh 7.

Vinesh Phogat giải nghệ ở tuổi 30 sau khi đã ở rất gần HCV Olympic nhưng lại lỡ hẹn.

DANGAL – BỘ PHIM ẤN ĐỘ CÓ DOANH THU CAO NHẤT MỌI THỜI ĐẠI

Câu chuyện của gia đình Phogat đã trở thành niềm cảm hứng để siêu sao điện ảnh Aamir Khan đầu tư sản xuất bộ phim "Dangal" (Cuộc thi đấu vật). Ra mắt vào cuối năm 2016, Dangal đã tạo nên cơn sốt ở các phòng vé trên cả Ấn Độ và khắp thế giới.

Dangal trở thành phim tiếng Hindi có doanh thu cao nhất , phim Ấn Độ có doanh thu cao nhất, phim không phải tiếng Anh có doanh thu cao thứ 32 (cao thứ 5 tại thời điểm phát hành) và phim thể thao có doanh thu cao thứ 18 trên toàn thế giới.

Bi kịch vì 0,1 kg, giấc mơ HCV Olympic và ông bố thôn quê khiến cả nền thể thao xứ tỷ dân sửng sốt- Ảnh 8.

Poster phim Dangal.

Phim có kinh phí sản xuất là 700 triệu rupee (hơn 209,5 tỷ đồng) và đã thu về 20,240 tỷ rupee (gấp gần 30 lần), tương đương hơn 6.000 tỷ đồng. Đến tận bây giờ, đây vẫn là bộ phim Ấn Độ duy nhất vượt mốc doanh thủ 20 tỷ rupee.

Tại Trung Quốc, Dangal trở thành phim nước ngoài không phải của Hollywood có doanh thu cao nhất, với con số 216,2 triệu USD (hơn 5.400 tỷ đồng). Con số này gấp hơn 2,5 lần doanh thu ở chính thị trường Ấn Độ, cho thấy sức lan tỏa vượt biên giới của câu chuyện truyền cảm hứng mà gia đình Phogat tạo nên.

Còn với thể thao Ấn Độ, những gì ông Mahavir Singh Phogat làm được đã tác động mạnh mẽ không chỉ với môn đấu vật mà còn ở nhiều môn thể thao khác, giúp các nữ VĐV có nhiều cơ hội hơn, nhận được sự đầu tư tương xứng hơn để phát huy tiềm lực của mình.

Bi kịch vì 0,1 kg, giấc mơ HCV Olympic và ông bố thôn quê khiến cả nền thể thao xứ tỷ dân sửng sốt- Ảnh 9.

Siêu sao Aamir Khan (thứ hai từ phải qua), đạo diễn Nitesh Tiwari (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng ông Mahavir Singh Phogat và hai con gái lớn.

Vào tháng 2/2024, nữ diễn viên Suhani Bhatnagar, người thủ vai Geeta Phogat lúc nhỏ, đã qua đời ở tuổi 19 vì bệnh hiểm nghèo trong sự tiếc thương của gia đình, người thân và khán giả.

"Chúng tôi rất đau lòng khi nghe tin Suhani qua đời. Xin được gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến mẹ của cô, Poojaji và toàn bộ gia đình. Dangal sẽ không thể hoàn thiện nếu thiếu Suhani. Cô ấy luôn nỗ lực hết mình và hỗ trợ mọi người", nam tài tử Aamir Khan không kìm được xúc động trước hung tin.

Đạo diễn phim Dangal - ông Nitesh Tiwari, cũng bày tỏ sự đau buồn trước sự ra đi của nữ diễn viên trẻ: "Suhani qua đời là mất mát to lớn. Cô ấy là một linh hồn hạnh phúc, tràn đầy sức sống. Xin gửi những lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình cô ấy".

Bi kịch vì 0,1 kg, giấc mơ HCV Olympic và ông bố thôn quê khiến cả nền thể thao xứ tỷ dân sửng sốt- Ảnh 10.

Diễn viên quá cố Suhani Bhatnagar đã thể hiện xuất sắc vai chị cả Geeta Phogat.

Linh Đan

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày