Bi kịch những người mẹ di cư đến miền đất hứa: Cắn răng sinh con không dám kêu đau vì sợ hãi, con chào đời bị xã hội vô thừa nhận

Nam Phong, Theo Pháp luật và Bạn đọc 19:14 27/02/2022

Sinh con không dám kêu ca vì sợ, con chào đời không có giấy tờ và sống trong nỗi lo lắng bao trùm là tình cảnh của những bà mẹ nhập cư khốn khổ giữa một đất nước giàu có, xa hoa, sang chảnh.

Những đứa trẻ không giấy tờ...

Nhắc đến Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất UAE người ta nghĩ tới cuộc sống xa hoa, những khu mua sắm hoành tráng, dãy nhà chọc trời, chợ vàng và siêu xe của người dân đi trên phố. Nhưng ở một quốc gia giàu có, vẫn còn đó những em bé sinh ra song không hề được xã hội thừa nhận.

Chinwe sinh ra ở Nigeria và là người nhập cư vào UAE. Hoàn cảnh của gia đình chẳng mấy dư dả, hằng ngày người phụ nữ này làm trợ giảng ở trường, mức lương thấp trong khi chồng lâm vào cảnh thất nghiệp. Mọi chi tiêu, chi phí sinh hoạt trông đợi vào đồng lương ba cọc ba đồng của Chinwe ở một đất nước có giá cả không hề rẻ.

Bi kịch những người mẹ di cư đến miền đất hứa: Cắn răng sinh con không dám kêu đau vì sợ hãi, con chào đời bị xã hội vô thừa nhận - Ảnh 1.

Những đứa trẻ sinh ra và sống trong "bóng tối" bị xã hội giàu có bỏ quên. (Ảnh minh hoạ, nguồn AP).

Cô và chồng có 2 con năm nay lên 4 tuổi và 6 tuổi. Sau khi sinh con, vợ chồng cô chẳng thể cáng đáng nổi chi phí y tế lên đến 16.000 USD (hơn 320 triệu đồng). Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bệnh viện từ chối cung cấp các giấy tờ cần thiết khiến cho vợ chồng Chinwe không thể làm giấy khai sinh cho đến khi số tiền lớn trên được thanh toán.

Dẫu biết điều này là bất công, chẳng ai muốn, nhưng những người nhập cư như Chinwe không có tiếng nói và cũng chẳng còn lựa chọn nào khác. Bởi vì, họ sợ bệnh viện sẽ báo cảnh sát rồi liên lụy đến cả vấn đề pháp lý với khoản nợ chi phí y tế lúc sinh con. Nếu điều này xảy ra, sự rắc rối tăng lên nhiều lần

Câu chuyện của vợ chồng Chinwe không phải là hiếm ở UAE - quốc gia nổi tiếng giàu có với thu nhập đầu người cao. Tuy vậy, những trường hợp đơn lẻ như gia đình này sẽ ngày càng khiến số trẻ em không có giấy tờ ở quốc gia vùng Vịnh này tăng lên. Kéo theo đằng sau là bao hệ luỵ, các em không thể đến trường như bạn bè cùng trang lứa, không được chăm sóc sức khỏe hay không có quốc tịch.

"Các con trai của tôi không được đi học, chúng chẳng có hộ chiếu hay giấy tờ gì. Chúng khóc vì muốn được đến trường", người mẹ 37 tuổi nói trong nỗi buồn.

Những đứa con của Chinwe chưa bao giờ đến bệnh viện khám bệnh hay tiêm vắc xin, vì giấy tờ không có, chi phí phải trả rất cao trong khi tài chính của bố mẹ chúng eo hẹp.

Ở cương vị làm cha làm mẹ, Chinwe và chồng muốn con có giấy tờ để đi lại thoải mái ngoài đường mà không sợ cảnh sát. Nhưng lực bất tòng tâm, vợ chồng cô và các con luôn sống trong sợ hãi. "Chúng tôi hầu như không đi ra ngoài mà ngồi trong nhà vì không muốn rắc rối với cảnh sát", Chinwe bày tỏ nỗi sợ luôn bủa vây lấy tổ ấm nhỏ.

Pearl, 32 tuổi, một nhân viên nhà hàng người gốc Philippines đang làm tại UAE. Cô đã sinh con gái hồi tháng 3/2020 tại một bệnh viện công ở tiểu quốc giàu có Dubai. Pearl sinh con thiếu tháng, cho nên đứa trẻ yếu ớt phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt 2 tháng và tổng chi phí phải thanh toán 29.000 USD (hơn 650 triệu đồng). Với Pearl, 29.000 USD tương đương với tổng lương 3 năm nên cô không thể trả nổi.

Tuy nhiên, Pearl vẫn là may mắn, cô còn được đỡ đẻ, con được chăm sóc cẩn thận dù sinh non. Có trường hợp vì không có bảo hiểm và tiền để chi trả viện phí nên không được vào phòng cấp cứu khi chuyển dạ.

Bi kịch những người mẹ di cư đến miền đất hứa: Cắn răng sinh con không dám kêu đau vì sợ hãi, con chào đời bị xã hội vô thừa nhận - Ảnh 2.

UAE hoa lệ nhưng vẫn có những phận người lầm lũi trong "bóng tối".

Ekaterina Porras Sivolobova, giám đốc của Do Bold, một tổ chức hỗ trợ lao động nhập cư ở vùng Vịnh nói: "Những bà mẹ khác phải nộp hộ chiếu của họ trước khi xuất viện với khoản chi phí chưa toán. Có trường hợp bị bệnh viện dọa tách con khỏi mẹ vì không có tiền trả viện phí"

Sinh con chỉ biết cắn răng chịu đựng

Số liệu ước tính cho thấy có hàng ngàn trẻ em ở UAE được cha mẹ là người lao động nhập cư châu Phi và châu Á nhưng không được khai sinh vì bệnh viện giữ giấy tờ. Đặc biệt những em bé sinh ra có mẹ là đơn thân còn không được cấp giấy khai sinh bởi vì chúng được xem là những đứa con sinh ngoài giá thú. Đây là điều bất hợp pháp ở quốc gia Trung Đông này.

Trước những mong muốn thu hút dầu tư từ phương Tây, vấn đề quan hệ tình dục ngoài hôn nhân đã không còn được quy định là bất hợp pháp. Nhưng vẫn có bệnh viện cho cảnh sát khi có bà mẹ đơn thân sinh con. Nữ luật sư Yamalova kể, một người phụ nữ là thân chủ của cô đã bị cảnh sát còng tay hồi tháng 8/2021 do chưa kết hôn mà sinh con.

Bi kịch những người mẹ di cư đến miền đất hứa: Cắn răng sinh con không dám kêu đau vì sợ hãi, con chào đời bị xã hội vô thừa nhận - Ảnh 3.

Cha mẹ sống trong sợ hãi vì con không có giấy tờ (Ảnh minh hoạ).

Mang thai, sinh con một mình khi chưa kết hôn đã đối diện với nhiều khó khăn, lại thêm chuyện pháp lý nên có phụ nữ đã phải tìm cách mạo hiểm hơn là nhờ bà đỡ "chợ đen".

Kate, một người phụ nữ 32 tuổi gốc Philippines đang làm việc ở UAE sinh con trai ở Dubai nhưng chưa kết hôn. Cô lo sợ sẽ bị bắt nếu đến bệnh viện trong tình trạng như vậy. Kate liều mình tìm một bà đỡ không có giấy phép hành nghề. Kate chia sẻ: "Điều đó là bất hợp pháp mà, người đỡ đẻ cũng sợ". Thậm chí, lúc lâm bồn, Kate không thể thét lên khi cơn đau chuyển dạ ập đến mà phải cắn răng chịu đựng do sợ bị phát hiện.

Con trai chào đời khỏe mạnh, Kate hy vọng có thể xin được giấy khai sinh. Tuy vậy, nỗ lực của cô không thể thành hiện thực vì không ai cấp giấy chứng sinh. Đứa trẻ đang lớn từng ngày, không được tiêm chủng làm cho Kate luôn sống trong lo lắng, day dứt.

Đại dịch Covid-19 trở thành thách thức toàn cầu càng làm cho vấn đề những đứa trẻ sinh ra không có giấy tờ càng trở nên đáng lo ngại. Những công nhân nhập cư gặp khó khăn trong bối cảnh mất việc làm do dịch, càng chật vật hơn để lo cho cuộc sống. Tuy nhiên, họ chẳng thể trở về quê hương vì đứa trẻ không có quốc tịch, kéo theo không có hộ chiếu để lên máy bay.

Những đứa trẻ vẫn lớn lên theo năm tháng trong "bóng tối" của xã hội giàu có ở UAE hoa lệ. Thế nhưng, tương lai phía trước của chúng mờ mịt...

Nguồn: Washington Post