Bi kịch Harry Potter và cái bóng khổng lồ đè nặng U23 Việt Nam

HỒNG NAM, Theo Sport5.vn 20:01 16/10/2018

Thành công luôn đi cùng vinh quang và cạm bẫy. Thành công mang đến hạnh phúc cho người tiếp nhận, đồng thời đặt ra thách thức phải tiếp tục nỗ lực để có được đỉnh cao kỳ vĩ hơn. Trên khía cạnh này, nam diễn viên Daniel Radcliffe với vai diễn Harry Potter và nhiều cầu thủ U23 Việt Nam có thể đồng cảm với nhau.

1. Nếu không đam mê điện ảnh, nhiều người có thể không biết Daniel Radcliffe là ai, nhưng nhắc đến "Harry Potter" chắc hẳn hầu như mọi người đều biết. Bộ phim lừng danh chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn J. K. Rowling từng được nhiều thế hệ khán giả trên toàn thế giới "thuộc nằm lòng". Và Radcliffe, bằng vai diễn Harry Potter, đã khắc sâu vào tâm trí người xem với những dấu ấn khó phai.

Cuộc đời diễn viên, ai cũng mong có được vai diễn để đời như thế. Tuy nhiên, đối với Radcliffe, vai diễn Harry Potter vừa là vinh quang, vừa là cái bóng khổng lồ đè nặng sự nghiệp. Dù đã rất nỗ lực thay đổi hình ảnh, Radcliffe không thể xóa nhòa hình ảnh Harry Potter. Anh thất bại không phải vì không đủ tài năng, mà là bởi người hâm mộ chưa sẵn sàng đón nhận Radcliffe trong bất cứ hình ảnh nào khác ngoài Harry Potter.

Bi kịch Harry Potter và cái bóng khổng lồ đè nặng U23 Việt Nam - Ảnh 1.

Harry Potter vừa là vinh quang, vừa là cái bóng khổng lồ đè nặng sự nghiệp Radcliffe. Ảnh: Getty

Thành công vừa là vinh quang, vừa là áp lực, buộc chủ nhân của nó phải chinh phục những cột mốc rực rỡ hơn. Vượt qua cái bóng thành công, bạn sẽ đưa tên tuổi mình lên tầm cao mới, giống như Emma Watson thoát khỏi áp lực từ vai diễn của cô phù thủy xinh đẹp Hermione. Ngược lại, bạn sẽ bị bó chặt vào hình ảnh quá khứ, như Radcliffe với nỗi ám ảnh "Harry Potter" sau 18 năm.

2. Xét trên khía cạnh này, bóng đá và điện ảnh đang tìm thấy sự đồng cảm. Thành tựu của Quang Hải, Tiến Dũng, Xuân Trường, Đình Trọng,... trong màu áo U23 Việt Nam và Olympic Việt Nam có thể chưa kỳ vĩ như Radcliffe làm được với vai diễn Harry Potter, nhưng trong ký ức của người hâm mộ Việt Nam, ký ức về mùa đông lạnh giá trên đất Thường Châu luôn là hoài niệm đẹp đẽ.

Ngôi vị á quân châu Á đẩy cái tên "U23 Việt Nam" lên tầm thương hiệu, vượt xa danh xưng đơn thuần của một đội trẻ. Từ những cậu bé đá bóng thuần chất, nhiều cầu thủ bước lên sân khấu của những ngôi sao hạng A, nhận hợp đồng quảng cáo nghìn đô và trở thành "thần tượng quốc dân" trong cơn bão hiệu ứng mà phải rất lâu nữa, bóng đá Việt Nam mới được chứng kiến trường hợp thứ hai.

Sẽ là dối lòng nếu nói không ao ước một lần trong đời được như U23 Việt Nam. Vị ngọt của thành công, các cầu thủ đã được nếm trải, nhưng rồi những trái đắng sẽ đến như hệ quả tất yếu. Chiến thắng đặt cho U23 Việt Nam áp lực tiếp tục phải thắng, nếu không muốn bị nói là thụt lùi.

Bi kịch Harry Potter và cái bóng khổng lồ đè nặng U23 Việt Nam - Ảnh 2.

Duy Mạnh cùng các đồng đội U23 Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều nếu không muốn bị thụt lùi giống như cái cách Radcliffe thụt lùi trong sự nghiệp điện ảnh.

U23 Việt Nam phải có được bước tiến mới, trước mắt là trong màu áo CLB và đội tuyển quốc gia. Nếu vài năm nữa, người ta vẫn nhắc đến Quang Hải, Công Phượng, Tiến Dũng với danh xưng "U23 Việt Nam", đó hãy xem như một thất bại.

Thất bại vì không vượt qua được cái bóng quá khứ đã in sâu, chôn chặt, hệt như Văn Quyến ngày nào với cái danh "thần đồng" cứ mãi bó buộc.

3. Áp lực từ thành công, đặc biệt khi còn rất trẻ, là dạng áp lực tâm lý rất khó vượt qua. Không phải ai cũng được như Watson, song lại rất nhiều người rơi vào trường hợp của Radcliffe - "chàng phù thủy" mãi mãi không lớn.

HLV Park Hang-seo thấy rõ sức ép mà các học trò đang phải gánh chịu. Trao đổi với cánh báo chí, chiến lược gia người Hàn Quốc khẳng định: "Toàn đội phải cố gắng hết mình để mang lại niềm vui cho người hâm mộ. Điều quan trọng nhất là thực tế khi ra thi đấu, các cầu thủ phải thể hiện thế nào để không làm NHM thất vọng. Ban huấn luyện và các cầu thủ đều có những căng thẳng nhất định".

Những "căng thẳng" là hệ quả của áp lực triền miên. Quang Hải từng bị nhận định là vẫn "căng cứng" sau giải U23 châu Á. Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy chật vật cùng HAGL. Văn Đức, Xuân Mạnh phải thi đấu với cường độ cao và dính chấn thương ngay khi trở về từ ASIAD. Một số chỉ trích hướng vào HLV Park Hang-seo cùng các cầu thủ sau vị trí thứ tư tại ASIAD cũng cho thấy kỳ vọng của người hâm mộ đã bước lên tầm cao mới.

Dẫu kỳ vọng ấy "sinh trưởng" đôi khi vượt quá tốc độ tiến bộ của các cầu thủ.

4. Đêm qua, cơn bão chỉ trích hướng về phía Bùi Tiến Dũng sau sai lầm mắc phải trong trận chung kết Cúp Quốc gia cũng cho thấy hệ lụy "hậu vinh quang". Nếu còn là thủ môn "vô danh" như hai năm trước, Tiến Dũng sẽ không bị nói nhiều đến thế.

Bi kịch Harry Potter và cái bóng khổng lồ đè nặng U23 Việt Nam - Ảnh 3.

Chỉ một sai lầm nhỏ thôi, Tiến Dũng hay bất kỳ thành viên nào của U23 Việt Nam cũng sẽ phải nhận một "cơn bão" chỉ trích từ phía dư luận. Ảnh: Phạm Huyền.

Đó không phải lỗi của ai. Đó là sự thật hiển nhiên sau mỗi chiến tích. Bước chân vào vòng quay khắc nghiệt của bóng đá và danh vọng, mọi cầu thủ đều phải học cách chấp nhận và tiếp tục tiến lên. Dù sao, "gái có công thì chồng chẳng phụ". Những nỗ lực của các tuyển thủ sẽ được khán giả ghi nhận nếu nó mang lại "trái ngọt" cho bóng đá nước nhà.

"Tôi chỉ hy vọng mọi người nhớ về Harry Potter như một vai diễn để đời của Radcliffe chứ Radcliffe không thể mãi là Harry Potter". Lời tự sự của Radcliffe cũng là tiếng lòng của nhiều tuyển thủ. Mong rằng tất cả sẽ nhớ đến U23 Việt Nam như hồi ức đẹp với mùa đông Thường Châu kiên cường năm nào. Còn các tuyển thủ, họ phải trưởng thành để bước chân vào thế giới bóng đá chuyên nghiệp, chứ không thể mãi là "U23 Việt Nam".

Ai cũng muốn trẻ mãi, nhưng cầu thủ đá mãi vẫn trẻ thì... nguy hiểm quá!